VN-Index rơi hơn 80 điểm

Thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc với biên độ giảm hơn 80 điểm trong sáng 3/4. Bảng điện tử chìm trong sắc đỏ với 287 cổ phiếu giảm sàn.

 VN-Index "tụt áp" ngay khi mở cửa phiên giao dịch 3/4. Ảnh: Phương Lâm.

VN-Index "tụt áp" ngay khi mở cửa phiên giao dịch 3/4. Ảnh: Phương Lâm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào phiên giao dịch 3/4 với tâm lý "hoảng sợ" sau thông tin Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đà bán tháo ngay trong phiên ATO khiến chỉ số VN-Index lao dốc xuống dưới tham chiếu và tạo khoảng cách lên tới 66 điểm.

Sau phiên ATO, sự xuất hiện của dòng tiền nhập cuộc phần nào giúp chỉ số chính thu hẹp mức độ thiệt hại, song phe bán tiếp tục áp đảo khiến chỉ số chính một lần nữa rơi mạnh.

Kết thúc phiên sáng 3/4, áp lực bán tháo một lần nữa đẩy VN-Index giảm hơn 82 điểm (-6,24%) xuống mốc 1.235 điểm, thấp nhất trong vòng gần 3 tháng qua. Đây cũng là mức giảm cao nhất từ trước đến nay của chỉ số đại diện sàn HoSE.

Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 cũng giảm hơn 85 điểm sau khi chứng kiến 29 mã giảm (gồm 17 mã giảm giá sàn).

Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng rung lắc dữ dội. HNX-Index giảm 16,76 điểm (-7,04%) xuống 221,37 điểm, còn UPCoM-Index giảm 6,34 điểm (-6,42%) xuống 92,3 điểm.

Chỉ số VN-Index rơi thẳng đứng trong phiên giao dịch sáng 3/4. Ảnh: Tradingview.

Chỉ số VN-Index rơi thẳng đứng trong phiên giao dịch sáng 3/4. Ảnh: Tradingview.

Thanh khoản trong phiên sáng vọt lên 34.000 tỷ đồng, cao nhất hơn một năm qua.

Bảng điện tử chứng khoán 842 mã giảm, gồm 287 mã giảm sàn. Số lượng mã tăng hầu như không đáng kể, qua đó khiến các chỉ số đánh mất hoàn toàn điểm tựa.

Tình trạng cổ phiếu “nằm sàn” xuất hiện ở hầu hết nhóm ngành. Nổi bật trong đó là nhóm bất động sản, đặc biệt ở phân khúc bất động sản công nghiệp, với HDC, DIG, KBC, DXG, IDC, PDR, IDC, SIP, BCM, NTC, SZC, IJC.

Nhóm nguyên vật liệu cũng chứng kiến đà lao dốc của cổ phiếu thép (NKG, HSG, TLH), phân bón - hóa chất (DCM, CSV) cho đến cao su (GVR, DPR, TRC, DRI).

Các cổ phiếu chế biến, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi cũng chịu chung xu hướng. Nhóm giảm sàn gọi tên một loạt “ông lớn” như MSN, DBC, PAN, IDI, NAF, VHC, ANV, FMC.

Khối ngoại cũng đẩy mạnh bán ra, nâng tổng giá trị bán ròng trong phiên sáng lên 2.200 tỷ đồng. Trong đó, có 7 mã bị bán ròng trên trăm tỷ là TPB (-333 tỷ đồng), FPT (-305 tỷ đồng), SSI (-236 tỷ đồng), VNM (-228 tỷ đồng), VCB (-193 tỷ đồng), MWG (-183 tỷ đồng), STB (-127 tỷ đồng).

Ngày 2/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump công bố danh sách áp thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại toàn cầu. Trong đó, khoảng một nửa đối tác chịu mức thuế chung 10%, dự kiến có hiệu lực từ 5/4.

Trong khi các đối tác thương mại lớn chịu mức cao hơn lên tới gần 50%, dự kiến có hiệu lực từ 9/4.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent trước đó cho biết thuế đối ứng sẽ là mức trần mà Mỹ áp dụng với các đối tác thương mại và có thể giảm xuống nếu các nước đáp ứng yêu cầu của nước này.

Một số sản phẩm đã bị Mỹ đánh thuế riêng biệt trước đó không nằm trong danh sách chịu thuế đối ứng này như nhôm, thép, ôtô, phụ tùng ôtô, vàng, đồng, dược phẩm, sản phẩm bán dẫn, gỗ và một số loại năng lượng, khoáng sản...

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/vn-index-roi-hon-80-diem-post1542874.html