VN-Index thu hẹp đà tăng, HPG 'quay xe' đi xuống khi loạt công ty thép báo lỗ
Thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay trở lại sắc xanh, tuy nhiên biên độ tăng thu hẹp dần vào phiên chiều do dòng tiền vào vẫn yếu. Nhóm bất động sản khởi sắc trong khi HPG quay đầu giảm trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ngành thép báo lỗ nặng quý 3.
VN-Index kết phiên ở mốc 1.063,66 điểm, tăng hơn 12 điểm so với kết phiên hôm qua. HNX-Index giảm 2,6 điểm, UPCoM cũng giảm 0,31 điểm. Tổng giá trị khớp lệnh đạt gần 10.700 tỷ đồng. Trong đó khối ngoại chiếm gần 2.500 tỷ đồng, bán ròng nhẹ gần 30 tỷ đồng trên sàn HoSE.
HPG đứng đầu danh sách bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong phiên hôm nay với giá trị gần 160 tỷ đồng. Trong tuần trước, cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát được khối ngoại mua ròng nhiều nhất, diễn biến giá cũng rất tích cực khi tăng từ vùng đáy 17.000 đồng lên sát 20.000 đồng. Tuy nhiên sang tuần này, cổ phiếu đầu ngành thép lại có dấu hiệu bị “xả”, thị giá hôm nay giảm hơn 2% về mức 18.850 đồng.
Các mã bị bán ròng tiếp theo là VHM (72 tỷ đồng), DXG (49 tỷ đồng), STB, GEX, KBC, VCI, VGC, SSI… Ngược lại, VNM được mua ròng nhiều nhất với giá trị gần 125 tỷ đồng. Hôm nay, cổ phiếu của Vinamilk tăng 3,2% lên mức giá 76.500 đồng, là một trong những mã tăng tốt nhất trong nhóm VN30.
Động lực tăng của VN-Index trong phiên 18/10 đến từ nhóm đông quân số nhất trên sàn – xây dựng và bất động sản. Với đầu tàu là “anh cả” VIC, hàng loạt các mã bứt phá. DIG, HUT, CEO, CII, LDG, L14… tăng trần. Nhiều mã lớn khác cũng tăng mạnh như DXG, VHM, BCM, VRE, KBC, KDH…
Nhóm ngân hàng cũng có đóng góp lớn khi chỉ có SHB và STB ở chiều giảm. VCB, CTG, ACB tăng 2%, VBB +5,6%, VAB, SGB, HDB cũng tăng trên dưới 2%.
Các nhóm nông nghiệp, công nghệ thông tin, bảo hiểm, vận tải kho bãi, thủy sản, bán lẻ cũng ở chiều tăng.
Ở chiều ngược lại, không chỉ HPG, các mã thép đầu ngành như HSG, HCM, SMC, VCA cũng giảm mạnh khiến nhóm vật liệu xây dựng đứng đầu chiều giảm hôm nay. Kết quả này có thể do tác động từ thông tin tiêu cực về kết quả kinh doanh ngành thép trong quý 3/2022.
Đến thời điểm 18/10, đã có 6 công ty thép công bố báo cáo tài chính quý 3, trong đó 3 doanh nghiệp lỗ nặng và 1 doanh nghiệp mất gần hết lãi. Cụ thể, Gang Thép Thái Nguyên (TIS) lỗ 25 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 10 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ nặng nhất trong 9 năm của hãng thép của trụ sở ở Thái Nguyên. Kế đó là Thép Vicasa (VCA) và Thép Thủ Đức (TDS) với mức lỗ 22 tỷ đồng.
Thép Mê Lin (MEL) lợi nhuận lùi về chỉ còn 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 19 tỷ đồng. Hai doanh nghiệp nhỏ là Cán Thép Thái Trung (TTS) và Kim Khí Miền Trung (KMT) thì không bị ảnh hưởng bởi bối cảnh chung; báo lãi tăng lần lượt 258% (lên 7 tỷ đồng) và 200% (lên gần 1 tỷ đồng) so với cùng kỳ 2021.
Các nhóm dầu khí, hóa chất, chứng khoán cũng ở chiều giảm.
Nhìn chung trong phiên hôm nay, VN-Index tăng điểm nhờ ảnh hưởng tích cực từ chứng khoán thế giới khi chứng khoán Mỹ phiên hôm qua (17/10) đã hồi phục. Tuy nhiên dòng tiền vào yếu nên chỉ số khó bật lên mạnh.
Về kỹ thuật, VN-Index đã hình thành mẫu hình nến Rising Window chứng tỏ sự tích cực đang trở lại. Vùng 1.000-1.030 điểm đã trụ vững trong đợt điều chỉnh vừa qua. Vùng này trùng với nhiều ngưỡng kỹ thuật quan trọng trong quá khứ như đáy cũ tháng 01/2021, đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 11/2019... nên có ý nghĩa hết sức quan trọng.