VN-Index tìm lại mốc 1.280 điểm, cổ phiếu HPX bị bán tháo
Trong khi nhiều mã lớn và bé đảo chiều hồi phục đã giúp VN-Index thu hẹp biên độ và tìm lại mốc 1.280 điểm, thì cặp đôi HPX và AGM đều đóng cửa nằm sàn do áp lực bán mạnh.
Lực bán không quá lớn nhưng diễn ra trên diện rộng và gánh nặng từ nhóm cổ phiếu bluechip với phần lớn đều giao dịch trong sắc đỏ, đã khiến VN-Index nhanh chóng trở lại trạng thái giảm điểm sau tín hiệu hồi phục nhẹ vào giữa phiên. Chỉ số VN-Index đã tạm dừng phiên sáng dưới mốc 1.280 điểm khi số mã giảm điểm gấp tới 3 lần số mã tăng.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường khá nỗ lực để tìm lại điểm cân bằng và đã có thời điểm tiệm cận mốc tham chiếu, nhưng kết quả không thành công do áp lực bán thường trực. Tuy nhiên, nhờ sự hồi phục của một số cổ phiếu lớn như VIC, FPT, VCB, VHM, SSI…, đã giúp VN-Index thu hẹp đà giảm điểm.
Thị trường khép lại phiên giao dịch đầu tiên của quý II/2024 và cũng là phiên đầu tiên của tháng 4 vẫn trong xu hướng tích lũy. Chỉ số VN-Index chỉ giảm nhẹ 2,5 điểm và ngưỡng hỗ trợ MA5, tương ứng vùng 1.280 – 1.282 điểm, chưa bị vi phạm.
Chốt phiên, sàn HOSE có 144 mã tăng và 327 mã giảm, VN-Index giảm 2,57 điểm (-0,2%) xuống 1.281,52 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 971,2 triệu đơn vị, giá trị 23.287,57 tỷ đồng, tăng 5,28% về khối lượng và tăng nhẹ về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 29/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 71,82 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.724 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, nhóm VN30 có phần tích cực hơn so với phiên sáng khi kết phiên chỉ còn giảm hơn 4 điểm, với sự ghi nhận của 10 mã tăng và 18 mã giảm. Trong đó, SSI, MWG, GAS, PLX, SHB, VIC, FPT… đóng cửa tăng nhẹ trên dưới 0,5%.
Ngược lại, cổ phiếu MBB vẫn giảm sâu nhất trong rổ này khi đóng cửa giảm 2% xuống mức 24.900 đồng/CP; tiếp theo là các mã bank khác như TPB, CTG, VIB đều giảm hơn 1%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bên cạnh sự phục hồi của một số mã bluechip, thị trường đã có những điểm sáng như DXS, SKG, HVN đã kéo trần thành công và đều trong trạng thái dư mua trần khi đóng cửa, với thanh khoản đạt một vài triệu đơn vị.
Trái lại, cặp đôi làm nóng thị trường vào cuối tháng 3 khi được trở lại giao dịch sau 6 tháng ròng bị đình chỉ giao dịch là HPX và AGM đã bị nhà đầu tư quay ra xả bán ồ ạt. Đây là phiên đầu tiên cả 2 mã này đóng cửa tại mức giá sàn sau khi được trở lại giao dịch vào ngày 20-21/3.
Trong đó, HPX đóng cửa giảm 7% xuống mức 7.310 đồng/CP với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt hơn 46,82 triệu đơn vị khớp lệnh và dư bán sàn 40.400 đơn vị; còn AGM khớp hơn 0,81 triệu đơn vị và dư bán sàn 0,76 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu khai khoáng vươn lên vị trí dẫn đầu, với GAS và PLX đảo chiều hồi phục thành công với mức tăng nhẹ 0,5%, PVD tăng 1,5%; các mã khác trên sàn HNX như PVS tăng 3,83%, PVB tăng 2,47%, PVC tăng 1,35%...
Nhóm chứng khoán đảo chiều hồi phục nhẹ với nhiều mã đã tìm lại được sắc xanh như SSI, HCM, FTS đều tăng 0,8%, BSI tăng 0,32%, cùng một số mã như VIX, VDS, CTS lấy lại mốc tham chiếu. Trong đó, thanh khoản sôi động nhất ngành và đều thuộc top 5 toàn thị trường là VIX và SSI đều khớp lệnh hơn 31 triệu đơn vị; VND khớp 28,7 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, bên cạnh các mã nới rộng biên độ, sắc xanh cũng lan rộng hơn như DIG tăng hơn 4%, PDR tăng 3,14%, NVL, DXG, TCH, HDC, NLG… đều tăng hơn 1%... Trong đó, thanh khoản của NVL chỉ thua HPX, với hơn 37,56 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ở chiều ngược lại, nhóm nông – lâm – ngư và nhóm sản xuất hàng gia dụng giảm mạnh nhất là hơn 1%, còn lại đều có mức giảm nhẹ trên dưới 0,5%, trong đó nhóm ngân hàng vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ nhưng biên độ đã thu hẹp đáng kể, với VCB hồi phục tăng 0,32%, ngoài ra có SHB tăng 0,44%.
Trên sàn HNX, lực cầu gia tăng mạnh cùng sự phục hồi của một số mã lớn, đã giúp thị trường đảo chiều thành công.
Đóng cửa, sàn HNX có 72 mã tăng và 89 mã giảm, HNX-Index tăng 0,31 điểm (+0,13%) lên 242,9 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 96,77 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.173 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,74 triệu đơn vị, giá trị 61,29 tỷ đồng.
Cổ phiếu PVS là điểm sáng khi tiếp tục nới rộng biên độ, đóng cửa tăng 3,8% với thanh khoản sôi động, đạt 15,24 triệu đơn vị khớp lệnh. Các mã khác trong nhóm khai khoáng như PVC, PVG đều tăng hơn 1%...
Ở nhóm chứng khoán, bên cạnh các mã thu hẹp biên độ giảm, VIG đã lấy lại mốc tham chiếu, đáng kể là SHS đảo chiều thành công và đóng cửa tăng 1% lên mức 20.300 đồng/CP, thanh khoản vẫn dẫn đầu với hơn 23,81 triệu đơn vị khớp lệnh, IVS tăng 3,9%...
Ngoài ra, một số mã khác trong nhóm HNX30 cũng giao dịch khởi sắc như CEO duy trì mức tăng nhẹ 0,9% và khớp 11,32 triệu đơn vị, TNG tăng 0,5%.
Trên UPCoM, thị trường giao dịch phân hóa với số mã tăng giảm khá cân bằng và chỉ số chung duy trì đà giảm nhẹ trong suốt cả phiên chiều.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,26%) xuống 91,33 điểm với 137 mã tăng và 132 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 29,66 triệu đơn vị, giá trị 381 tỷ đồng.
Điểm sáng thị trường thuộc về VGI khi đà tăng tiếp tục được nới rộng, đóng cửa tăng 4,2% lên mức giá 45.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 2,12 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, PXS vẫn giữ mức tăng 9,1% lên 4.800 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 1,3 triệu đơn vị.
Cổ phiếu DDV hạ nhiệt và có thời điểm đảo chiều điều chỉnh, tuy nhiên đóng cửa tăng nhẹ 0,6% lên mức 16.400 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt 1,57 triệu đơn vị.
Cổ phiếu BSR vẫn có giao dịch lớn nhất thị trường, với hơn 4,87 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công, đóng cửa mã này lấy lại mốc tham chiếu 19.300 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm. Trong đó, VN30F2404 giảm 7,7 điểm, tương đương -0,6% xuống 1.290,4 điểm, khớp lệnh hơn 223.770 đơn vị, khối lượng mở hơn 47.620 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, phiên này mã CSTB2327 vẫn có thanh khoản tốt nhất, đạt 4,67 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa giảm 5,2% xuống 550 đồng/cq. Tiếp theo là CSTB2328 với 3,98 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa giảm 4,7% xuống 610 đồng/cq.