VN-Index vẫn trạng thái lình xình, một mã thép tăng trần 11 phiên

Phiên thứ tư liên tiếp, VN-Index giao dịch trong trạng thái giằng co, thanh khoản thấp. Thị trường vẫn đang chờ đợi chất xúc tác để trở về vùng 1.300 điểm.

Giao dịch sàn HoSE phiên 12/12.

Giao dịch sàn HoSE phiên 12/12.

Phiên 12/12, VN-Index giao dịch chủ yếu quanh ngưỡng tham chiếu, đóng cửa ở mốc 1.267,35 điểm, giảm 1,5 điểm so với kết phiên trước. HNX-Index và UPCoM đều giảm nhẹ. Thanh khoản tiếp tục sụt giảm, chỉ đạt gần 14.000 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 2.500 tỷ đồng và tiếp tục xu hướng bán ròng.

Giá trị bán ròng khối ngoại đạt gần 300 tỷ đồng, tập trung vào FPT 161 tỷ đồng, MSN 50 tỷ đồng, FRT 45 tỷ đồng, MWG 39 tỷ đồng, VRE 33 tỷ đồng; VIC, CMG, VPB, DGW, CSV 20-30 tỷ đồng...

Chiều ngược lại, hai mã ngân hàng được mua ròng mạnh nhất, gồm TCB 94 tỷ đồng và HDB 73 tỷ đồng. Ngoài ra chỉ có HPG và VTP được mua ròng hơn 20 tỷ đồng, còn lại mua ròng rải rác ở các mã BSI, VNM, SAB...

Các nhóm ngành đều ghi nhận trạng thái giằng co, cổ phiếu biến động trong biên độ hẹp. VN30 giảm nhẹ gần 1 điểm, với PLX giảm mạnh nhất -1,3%, còn lại chỉ giảm nhẹ như ACB, CTG, FPT, HPG, MSN, SSI, SHB... Chiều tăng có BVH và HDB tăng hơn 1%, còn lại cũng chỉ tăng nhẹ như GVR, SSB, STB, TCB, TPB... BID, MWG, MBB, VJC đứng tham chiếu.

Với mức tăng 1,3%, HDB đã chính thức vượt đỉnh tại mức giá 23.900 đồng/cp, tăng gần 20% so với thời điểm giữa tháng 11/2024. Hôm nay (12/12) là ngày HDBank chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu và tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024. Ngân hàng dự kiến phát hành hơn 582,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 20 cổ phiếu mới.

Tại nhóm ngân hàng, ngoài HDB thì còn có SGB tăng mạnh 6,6%, EIB tăng 2,6%; PGB, NVB tăng hơn 1%; SSB, STB, TCB, TPB, VCB, VPB tăng nhẹ. Chiều giảm có KLB -2,5%, LPB -1,5%; các mã khác đứng tham chiếu hoặc giảm nhẹ.

Tại nhóm chứng khoán, VND tăng nhẹ 0,4%, VIX đứng tham chiếu; SSI, HCM, SHS, VCI giảm giá nhẹ. Các mã thuộc nhóm vốn hóa nhỏ hơn cũng chủ yếu biến động trong biên độ hẹp, cá biệt có PHS giảm gần 10%. Một số mã tăng tốt hơn là BMS +2,9%, CSI +2,3%, SBS +2,2%, HBS +1,5%, PSI +1,5%...

Tương tự tại nhóm bất động sản, không có mã nào thực sự thu hút dòng tiền. Một số mã nhỏ tăng tốt hơn như SGR +2,8%, BCR +2%, IDV +2%, CIG +1,5%, NTC +1%... DXG, KBC, KDH, SIP, BCM, KOS, IJC... chỉ tăng giá nhẹ. Chiều giảm áp đảo hơn nhưng cũng không mã nào bị bán quá mạnh. VCR, TIG, DXS giảm hơn 2%; HDG, CEO, NTL, DTD giảm hơn 1%. Các mã lớn như VIC, VHM, VPI, VRE, PDR, DIG, AGG, NVL, NLG... ghi nhận giảm nhẹ.

Nhóm thép ghi nhận bộ ba HPG, HSG, NKG đều giảm nhẹ. Một số mã nhỏ tích cực hơn, như TVN +1,3%, GDA +0,4%. Đáng chú ý là VCA của Thép Vicasa - Vnsteel, tăng trần phiên thứ 11 liên tiếp. Mã kết phiên ở mức giá 17.600 đồng/cp, tăng gấp đôi sau 11 phiên tăng trần.

Trong công văn giải trình ngày 12/12, Thép Vicasa cho biết, ngày 27/11/2024, Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel, mã TVN, cổ đông lớn sở hữu 65% cổ phần VCA) đã công bố nghị quyết HĐQT phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn tại Thép Vicasa. Sau đó, từ phiên giao dịch ngày 28/11/2024 đến ngày 11/12/2024, cổ phiếu VCA đã tăng trần 10 phiên liên tiếp.

Thép Vicasa khẳng định giá cổ phiếu VCA biến động hoàn toàn được quyết định bởi cung – cầu của thị trường chứng khoán; công ty không tham gia, can thiệp hoặc thực hiện bất kỳ hành động nào có thể gây ảnh hưởng.

Nhóm ngành giảm đáng kể trong phiên hôm nay là công nghệ - viễn thông, với FPT giảm nhẹ, CMG -2,3%, VGI -3,1%, YEG -2,4%, MFS -8,1%, TTN -2,6%... VTP thuộc “họ Viettel” cũng giảm mạnh hơn 4%. Sau khi leo lên vùng đỉnh trên 150.000 đồng/cp, cổ phiếu của Viettel Post chịu áp lực điều chỉnh trong những phiên gần đây.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vn-index-van-trang-thai-linh-xinh-mot-ma-thep-tang-tran-11-phien-36562.html