VN-Index vượt đỉnh lịch sử, thiết lập kỷ lục mới trên 1.531 điểm
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/7, VN-Index tăng hơn 10 điểm, lên 1.531 điểm - mức cao kỷ lục mới, chính thức vượt qua đỉnh lịch sử 1.528 điểm thiết lập năm 2022. Đây là cột mốc quan trọng phản ánh tâm lý tích cực và dòng tiền mạnh đang quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Phiên sáng 25/7 mở đầu với diễn biến phân hóa rõ rệt giữa các nhóm cổ phiếu. Trong khi nhóm vốn hóa vừa và nhỏ ghi nhận dòng tiền sôi động thì nhóm VN30 - đại diện các mã vốn hóa lớn lại chịu áp lực điều chỉnh, khiến chỉ số chung tăng không đáng kể.
Thanh khoản nhóm VN30 sụt giảm, phản ánh sự thận trọng từ các nhà đầu tư tổ chức. Nhiều mã lớn như VHM, VIC, VNM, SAB, FPT, HPG và các ngân hàng lớn giao dịch trong sắc đỏ hoặc chỉ đi ngang. Tuy vậy, hai mã ngân hàng là VPB và HDB lại ghi điểm khi được khối ngoại mua ròng mạnh, góp phần nâng đỡ chỉ số ngành và duy trì tâm lý tích cực.

Kết phiên sáng, VN-Index chỉ nhích hơn 2 điểm. Tuy nhiên, sang phiên chiều, thị trường bứt phá mạnh, có lúc chạm mốc 1.536 điểm. Dù sau đó có điều chỉnh nhẹ, chỉ số vẫn đóng cửa với mức tăng hơn 10 điểm. Đáng chú ý, cổ phiếu VJC của Vietjet Air tăng kịch trần, giúp nhóm VN30 có sự cân bằng giữa số mã tăng và giảm.
Sự bứt phá mạnh mẽ đến từ các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Nhiều mã trong hệ sinh thái GEX như VCG, VIX, GEX tăng hết biên độ, tạo lực đẩy đáng kể cho thị trường. Tâm điểm dòng tiền tiếp tục tập trung vào các mã đầu cơ, với tổng thanh khoản trên toàn thị trường đạt gần 42.000 tỷ đồng - mức cao so với trung bình những tuần trước.

Diễn biến các ngành trong phiên 25/7
Kết thúc tuần, dù có phiên điều chỉnh đầu tuần, VN-Index vẫn tăng gần 34 điểm, tương đương gần 2,3%. Thanh khoản duy trì ổn định trên 30.000 tỷ đồng mỗi phiên, cho thấy dòng tiền đang ở lại thị trường, dù khối ngoại và tự doanh có dấu hiệu chốt lời.
Theo khuyến nghị từ Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu trong bối cảnh thị trường duy trì xu hướng tăng mạnh. Đồng thời, có thể cân nhắc giải ngân từng phần vào những cổ phiếu có tín hiệu tích cực sau thời gian tích lũy hoặc vừa vượt ngưỡng kháng cự.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, dòng tiền vẫn chủ yếu tập trung vào một số ngành, trong khi nhiều nhóm khác như sản xuất, bất động sản vừa và nhỏ hay dịch vụ vẫn giao dịch kém sôi động, ít sự bứt phá rõ rệt. Một điểm cần lưu ý là chỉ số P/E của VN-Index hiện đã vượt mức 15 lần - tiệm cận ngưỡng trung bình 10 năm. Đây là mức định giá từng nhiều lần trở thành rào cản tâm lý khiến thị trường khó duy trì đà tăng mạnh mẽ trong quá khứ.
Triển vọng ngắn hạn của thị trường sẽ phụ thuộc vào sự lan tỏa của dòng tiền. Nếu dòng vốn mở rộng sang các nhóm cổ phiếu phi tài chính, đặc biệt là nhóm đi ngang trong tuần qua, VN-Index nhiều khả năng sẽ duy trì ổn định trên mốc 1.530 điểm và củng cố xu hướng tích cực trong trung hạn.
Ngược lại, nếu dòng tiền tiếp tục tập trung vào nhóm tài chính, trong khi các nhóm còn lại không có lực cầu mới, thị trường có thể bước vào giai đoạn “lướt sóng” ngắn hạn. Khi đó, tâm lý chốt lời sớm sẽ chiếm ưu thế, khiến thị trường khó giữ được sự ổn định và đối diện nguy cơ điều chỉnh trong các phiên tới.