VN-Index vượt ngưỡng 1.300 điểm trong chớp mắt, khối ngoại bao giờ trở lại?

'Ở thời điểm hiện tại, thị trường không giảm là điểm tích cực. Những mã tăng giá mở rộng ra bao gồm ngân hàng, chứng khoán, xây lắp – vật liệu xây dựng', ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận định.

Tín hiệu tích cực khi thị trường vượt 1.300 điểm

Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu Chứng khoán VPBank (VPBankS)

Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu Chứng khoán VPBank (VPBankS)

Tại chương trình Khớp lệnh – Tài chính thịnh vượng do VTV cùng Chứng khoán VPBank (VPBankS) tổ chức mới đây, ông Đào Hồng Dương đưa ra thống kê, VN-Index tăng khoảng 14% từ đầu năm đến nay, nhưng số mã đánh bại VN-Index là 145 mã trên tổng số 391 mã trên HoSE.

Do đó, ông Dương cho rằng, tính sôi động của thị trường rất quan trọng. Năm 2021, giai đoạn thị trường tăng mạnh nhất về mặt chỉ số, 3 ngành ngân hàng, chứng khoán, thép đồng loạt lên. Nhà đầu tư có tiền chỉ nắm giữ 1 trong 3 ngành, hoặc giàn trải ra 3 ngành, sẽ có cơ hội rất ít. Còn khoảng thời gian từ 1.100 – 1.300 kéo dài rất lâu, tạo nhiều cơ hội cho nhà đầu tư kiếm tiền, chiến thắng được chỉ số. Tính sôi động của thị trường có lẽ sẽ khiến nhà đầu tư hạnh phúc hơn là việc bứt phá một mạch về mặt chỉ số, nhưng chưa chắc đã là chỉ báo tốt. Tuy nhiên, thị trường vượt 1.300 như pháo hiệu để nhà đầu tư tham gia thị trường ở góc nhìn tích cực hơn.

"Thị trường hiện tại có nhiều cơ hội, và dù VN-Index vượt ngưỡng 1.300, vẫn còn khả năng xuất hiện những cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn sau đó. Tôi cho rằng nhà đầu tư nên cập nhật thông tin, diễn biến thị trường và có hành động phù hợp. Mọi hành động tại mỗi thời điểm chỉ cần đúng thôi đã có thành quả tốt", ông Dương nói.

Khối ngoại bao giờ trở lại?

Thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến khối ngoại đã bán ròng rã thời gian qua. Nếu xem mối liên quan giữa chênh lệch lợi tức trái phiếu chính phủ của Mỹ và Việt Nam với việc khối ngoại bán ròng sẽ thấy có sự tương quan. Nếu gap nở ra thì bán ròng mạnh, mạnh nhất ở giai đoạn lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lên đỉnh 5%. Đến hiện tại, khi chênh lệch thu hẹp về 1% thì đà bán ròng giảm đáng kể.

Sự chênh lệch lãi suất giữa 2 bên giảm đi thì sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần tăng lên trong mắt của nhà đầu tư nước ngoài. Ông Dương kỳ vọng gap này tiếp tục thu hẹp nữa thì theo một chu kỳ khối ngoại sẽ quay trở lại thị trường Việt Nam trong thời gian ngắn tới.

Ngoài ra, nền lãi suất Việt Nam tiếp tục duy trì mức thấp. Trong đó, nền lãi suất tiết kiệm bắt đầu hạ từ tháng 9/2023 đến tháng 4/2024 có dấu hiệu nhích nhẹ trở lại. Tuy nhiên, so sánh lãi suất tiết kiệm của ngân hàng quốc dân gần như không thay đổi trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, các ngân hàng thương mại nhích nhẹ nhưng không đáng kể.

Lãi suất cho vay của các ngân hàng tại quý II/2024 đã giảm nhiều so với năm 2023, từ 9,84%/năm xuống 8,68%/năm.

Chênh lệch giữa lãi suất cho vay đầu ra bình quân và trái phiếu Chính phủ 10 năm giảm từ 7%/năm về 6%/năm và đang trong xu hướng tiếp tục giảm. Điều này thể hiện sự cải thiện rất mạnh trong môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng như niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Đây là chỉ báo để đánh giá mức độ hấp dẫn của thị trường Chứng khoán Việt Nam với nước ngoài.

Cẩm Vân

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/vnindex-vuot-nguong-1300-diem-trong-chop-mat-khoi-ngoai-bao-gio-tro-lai-127582.html