VN-Index 'vuốt nhẹ' mốc 1300 điểm, loạt trụ phá đám

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nỗ lực tăng khá tốt trong sáng nay nhưng chưa đủ để tạo đột phá cho VN-Index. Sự thiếu đồng thuận ở nhóm trụ là nguyên nhân chính khiến cơ hội vượt mốc 1300 điểm tuột khỏi tầm tay. Áp lực chốt lời xuất hiện khá mạnh, đẩy thanh khoản hơn 21% trên HoSE so với sáng hôm qua...

VN-Index cần sự đồng thuận tốt hơn ở nhóm cổ phiếu trụ để có thể đột phá đỉnh 1300 điểm.

VN-Index cần sự đồng thuận tốt hơn ở nhóm cổ phiếu trụ để có thể đột phá đỉnh 1300 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nỗ lực tăng khá tốt trong sáng nay nhưng chưa đủ để tạo đột phá cho VN-Index. Sự thiếu đồng thuận ở nhóm trụ là nguyên nhân chính khiến cơ hội vượt mốc 1300 điểm tuột khỏi tầm tay. Áp lực chốt lời xuất hiện khá mạnh, đẩy thanh khoản hơn 21% trên HoSE so với sáng hôm qua.

VN-Index đạt đỉnh lúc 9h47 lên cao nhất 1300,31 điểm (+8,82 điểm). Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2024 chỉ số chạm trở lại mức 1300 điểm. Tuy nhiên chỉ số duy trì mốc này chỉ trong vài phút là trượt dốc. Chốt phiên sáng VN-Index còn 1293,7 điểm chỉ tăng 2,21 điểm (+0,17%) so với tham chiếu.

Nguyên nhân khiến chỉ số không duy trì được đà tăng tốt nhất sáng nay là sự “rã đám” của một số cổ phiếu vốn hóa lớn. VHM xuất hiện đảo chiều rõ nhất. Cổ phiếu này đột ngột quay đầu giảm 1,68% trong phiên, từ xanh thành đỏ, mất 1,24% so với tham chiếu lúc chốt phiên sáng. VHM đang là cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 5 của VN-Index. MWG tuy chưa phải là trụ lớn nhất nhưng biên độ giảm sáng nay cũng rất đáng kể. Cổ phiếu này đảo chiều -1,75% so với giá đỉnh và chốt phiên giảm 1,32% so với tham chiếu. Ngoài ra FPT, GAS cũng là hai trụ lớn gây thất vọng khi quay đầu giảm đỏ.

Với các mã ngân hàng, sức mạnh cũng không duy trì được tối đa khiến lực đỡ chỉ số suy yếu. BID đang là trụ mạnh nhất, tăng 1,2%, CTG đứng thứ 2 tăng 1,65%. Thế nhưng BID đã từng tăng tới 3,4% và CTG tăng 3,16% trong phiên. Trụ lớn nhất VCB cũng để mất khoảng 0,96% so với giá đỉnh và hiện chỉ còn tăng nhẹ 0,22%. MBB, ACB, STB, TCB, TPB, VPB vẫn đang xanh nhưng mất đáng kể động lực so với thời điểm mạnh nhất.

Mở rộng ra toàn sàn HoSE, tại thời điểm VN-Index đạt đỉnh, độ rộng ghi nhận 197 mã tăng/130 mã giảm và cuối phiên còn 182 mã tăng/190 mã giảm. Số lượng cổ phiếu đảo chiều cũng không phải là nhiều, nhưng bao gồm hầu hết các blue-chips, là nguyên nhân chính khiến chỉ số mất đà. Phần còn lại chủ yếu trượt giá trong vùng xanh.

Thanh khoản hai sàn đã tăng trở lại 22% so với sáng hôm qua, đạt 10.872 tỷ đồng giá trị khớp lệnh. Sàn HoSE tăng hơn 21% với 10.286 tỷ đồng. Mức giao dịch lớn này cho thấy mua bán rất cởi mở. Diễn biến chủ đạo là giá trượt giảm dần phản ánh áp lực bán mạnh lên. Tuy nhiên lượng tiền vào mua đỡ cũng không nhỏ mới có thể duy trì được trạng thái độ rộng giằng co và cổ phiếu điều chỉnh theo hướng co hẹp biên độ tăng thay vì đảo chiều giảm hẳn so với tham chiếu.

Phía tăng giá sàn HoSE hiện có 44 mã đang tăng trên 1%, nhiều mã thanh khoản rất tốt bao gồm nhóm ngân hàng như VPB, CTG, SHB, EIB. Ngoài ra là DXG tăng 2,45% khớp 257 tỷ; VND tăng 1,99% khớp 240,5 tỷ; DIG tăng 1,3% với 203,7 tỷ VRE tăng 1,56% với 46,9 tỷ. Tổng giá trị giao dịch nhóm tăng tốt nhất này chiếm 33,1% sàn. Phía giảm cũng có 43 mã đang rơi hơn 1% nhưng thanh khoản chỉ chiếm 8,7% sàn. Ngoài VHM, MWG, chỉ 6 cổ phiếu khác đạt thanh khoản quá 10 tỷ là TDC, CTR, BMP, PVP, BFC, PVD. Mở rộng hơn nữa thì tổng giao dịch của nhóm tăng giá sáng nay chiếm 65,4% giá trị khớp sàn HoSE và tổng nhóm giảm chiếm 25,9%. Như vậy nhìn từ góc độ phân bổ vốn cũng phù hợp với trạng thái thị trường điều chỉnh ở vùng giá xanh là chính.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm cường độ giao dịch, mua vào 885,9 tỷ đồng trên HoSE, giảm 19% so với sáng hôm qua. Mức ròng là -39,1 tỷ đồng. Giao dịch bán ròng đáng chú ý xuất hiện tại HPG -94,9 tỷ, MWG -80,5 tỷ, VPB -68,1 tỷ. Mua ròng có TPB +95,8 tỷ, CTG +42,8 tỷ, EIB +33 tỷ, SSI +25,3 tỷ, VNM +22,3 tỷ.

Kim Phong

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vn-index-vuot-nhe-moc-1300-diem-loat-tru-pha-dam.htm