VND tăng giá, nhóm doanh nghiệp nào hưởng lợi?
Các doanh nghiệp phải nhập khẩu nhiều nhưng doanh thu xuất khẩu thấp và nợ vay ngoại tệ lớn sẽ được hưởng lợi lớn khi tỷ giá USD/VND giảm. Ngược lại, doanh nghiệp có nguồn thu lớn từ ngoại tệ trong khi nhập khẩu nguyên liệu thấp sẽ bị ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận...
Bất chấp tác động từ cơn bão số 3, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách tiền tệ ổn định từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ hỗ trợ cho tiền Đồng tiếp tục tăng giá.
Giá USD ngân hàng lao dốc mạnh, VND tiếp tục tăng giá
Đồng USD đang trên đà mất đi toàn bộ mức tăng kể từ đầu năm 2024 đến nay do những dự báo cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất nhanh hơn dự kiến trước đây để hỗ trợ nền kinh tế nước này.
Chỉ số Dollar Index Spot (DXY) đang ở mức 100,426 - chỉ cách 0,5% so với mức thấp nhất kể từ tháng 12/2023 và gần như xóa đi mức tăng 5% từ đầu năm tới nay.
Tỷ giá USD/VND thời gian gần đây cũng liên tục giảm. Hiện, các ngân hàng thương mại niêm yết giá mua - bán USD ở mức 24.500 - 24.800 đồng/USD.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định: "Khi tỷ giá giảm như vậy tạo ra tâm lý yên tâm hơn đối với nhà đầu tư, người dân, thì hiện tượng găm giữ ngoại tệ sẽ bớt đi, qua đó lại tiếp tục bớt đi áp lực với tỷ giá và gián tiếp bớt đi áp lực đối với lạm phát của Việt Nam".
Tỷ giá hạ nhiệt được kỳ vọng giúp kiểm soát lạm phát của Việt Nam ở mức mục tiêu từ 4- 4,5%, trong khi vẫn tạo ra các động lực giúp tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt từ 6,0 - 6,5% trong cả năm nay.
Dự báo về xu hướng tỷ giá, ông Lực cho biết: Tỷ giá được kỳ vọng sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong thời gian tới, bởi theo giới phân tích quốc tế, Fed sẽ có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất trong cuối năm nay.
Đồng tình, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, áp lực lên VND sẽ tiếp tục giảm và dự kiến tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 24.700-24.900 đồng/USD trong quý IV/2024.
Các yếu tố hỗ trợ cho tỷ giá USD/VND bao gồm thặng dư thương mại tích cực (khoảng 19,1 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm), dòng vốn FDI vào ròng (14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước) và sự phục hồi của lượng khách du lịch quốc tế (tăng 45,8% so với cùng kỳ năm trước trong 8 tháng đầu năm).
"Sự ổn định của môi trường vĩ mô có khả năng được duy trì và sự cải thiện thêm sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá hối đoái trong năm 2024", bà Hiền nêu quan điểm.
Theo các chuyên gia Ngân hàng UOB (Singapore), cùng chung diễn biến với các đồng tiền trong khu vực, Đồng Việt Nam đã ghi nhận mức tăng theo quý lớn nhất kể từ năm 1993, phục hồi 3,2% để đạt mức 24.630 đồng/USD.
Áp lực bên ngoài từ sức mạnh của đồng USD đang giảm dần khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ như kỳ vọng, trong khi các yếu tố nội tại cho thấy sự ổn định hơn nữa của tiền Đồng.
Bất chấp tác động từ cơn bão Yagi, các chuyên gia tin rằng đà tăng trưởng của Việt Nam sẽ còn mạnh mẽ, chủ yếu được thúc đẩy bởi cả hoạt động sản xuất và thương mại.
Kỳ vọng về chính sách tiền tệ ổn định từ NHNN với trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng hỗ trợ cho VND, tuy nhiên, đà tăng của VND từ đây khó có thể diễn ra với tốc độ tương tự như trong quý vừa diễn ra.
“Dự báo tỷ giá USD/VND sẽ đạt khoảng 24.500 đồng/USD trong quý IV; 24.300 đồng/USD trong quý I/2025; 24.100 đồng/USD trong quý II/2025 và 23.900 đồng/USD trong quý III/2025", các chuyên gia của UOB nêu.
"Lợi kép" khi VND tăng giá?
Với các doanh nghiệp sản xuất, nhất là những doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên vật liệu, ngoài các loại thuế nhập khẩu, phí vận chuyển, phí kho bãi thì một khoản không nhỏ chính là chi phí do biến động tỷ giá hối đoái. Hồi đầu năm, có những doanh nghiệp sản xuất mỗi tháng mất thêm đến hàng trăm triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái vì tỷ giá biến động. Nhưng nay, việc tỷ giá hạ nhiệt đã giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, từ đó tìm kiếm thêm được nhiều đơn hàng mới.
Công ty Đầu tư thương mại công nghiệp Hà Nội là doanh nghiệp chuyên sản xuất khuôn và linh kiện, hiện đang cung ứng khoảng 600 sản phẩm cho các hãng sản xuất ô tô, xe máy trong và ngoài nước. Để có nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp này phải chi hàng tỷ đồng để nhập khẩu thép mỗi tháng. Theo tính toán, số tiền nhập khẩu hàng hóa bằng USD quy đổi sang VND lên đến 8 tỷ đồng. Đây cũng là phần chi phí lớn nhất của sản phẩm.
Ông Trịnh Bá Ngọc, Giám đốc Công ty cho hay: "Nguyên liệu sản xuất chiếm tới 60-70% giá trị của sản phẩm, nên tỷ giá mà thấp xuống được, chỉ một chút thôi, doanh nghiệp chúng tôi cũng đã tiết kiệm được vài chục đến cả trăm triệu. Khi đó sẽ tăng tính cạnh tranh về giá với khách hàng".
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, áp lực với VND sẽ giảm đi. "Điều này giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát tốt hơn, song nhược điểm là xuất khẩu sẽ chậm lại. Dù sao xu hướng USD yếu sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi để NHNN thực thi những chính sách hỗ trợ nhằm duy trì một mặt bằng lãi suất thấp", ông Nghĩa nhận xét.
Ngoài ra, không loại trừ khả năng NHNN có thể mua USD nhằm bổ sung dự trữ ngoại hối. Theo đó, thanh khoản tiền Đồng trên hệ thống ngân hàng thương mại có thể dồi dào hơn so với giai đoạn trước đây.
Hiện, Việt Nam vẫn đang duy trì cán cân thanh toán dương, dự trữ ngoại hối dự kiến đạt 110 tỷ USD trong năm 2024, đây là những cơ sở góp phần ổn định mặt bằng tỷ giá từ nay đến cuối năm.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng tỷ giá hối đoái hạ nhiệt và ổn định được kỳ vọng sẽ giúp thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết: "Với sự sụt giảm mạnh trên thị trường toàn cầu, đặc biệt nhất đối với thị trường chứng khoán Nhật Bản, cũng là một cơ sở để chúng ta thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài từ các thị trường khác".