VNDirect báo lãi 369 tỷ đồng trong quý 2/2025
Chứng khoán VNDirect ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 2/2025 đạt 369 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Mảng môi giới, đầu tư và cho vay ký quỹ đều phục hồi mạnh, trong khi cổ phiếu VND bật tăng trên thị trường...

Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (mã chứng khoán: VND) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2025 với những con số tích cực, cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ nét sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi sự cố tấn công mạng vào cuối quý 1/2024.
Cụ thể, trong quý 2/2025, VNDirect ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.698 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 369 tỷ đồng, tăng 7%. Trong đó, lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 834 tỷ đồng, tăng nhẹ 3%, trong khi khoản lỗ FVTPL giảm 15%, chỉ còn 456 tỷ đồng. Mảng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM), chủ yếu là tiền gửi kỳ hạn cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể 21%, đạt 140 tỷ đồng.
Sau khi từng bị gián đoạn giao dịch gần 10 ngày do sự cố tấn công mạng vào quý 1/2024, mảng môi giới chứng khoán của VNDirect trong quý 2/2025 cho thấy dấu hiệu phục hồi mạnh. Doanh thu mảng này đạt 219 tỷ đồng, tăng 20%, đưa thị phần môi giới trên sàn HoSE lên 6,36%, mức cao nhất trong 4 quý gần đây. Trước đó, VNDirect từng là một trong ba công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất trên cả ba sàn HOSE, HNX và UPCoM, đạt đỉnh 8,01% vào quý 1/2022.
Doanh thu từ cho vay ký quỹ đạt 298 tỷ đồng, duy trì ổn định nhờ đà phục hồi thị phần. Đồng thời, mảng tư vấn tài chính và lưu ký đóng góp tổng cộng 154 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với quý 2/2024. Tuy nhiên, dư nợ margin cuối quý 2/2025 giảm nhẹ 4%, xuống còn 10.379 tỷ đồng, cho thấy nhà đầu tư vẫn đang thận trọng trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính.
Hoạt động tự doanh của VNDirect cũng ghi nhận một số thay đổi lớn. Giá trị danh mục FVTPL cuối quý 2/2025 đạt 20.711 tỷ đồng, giảm 21% so với quý trước. Danh mục cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thu hẹp chỉ còn khoảng 2.660 tỷ đồng.
Đáng chú ý, công ty tiếp tục tăng tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu VPB của VPBank, nâng giá trị gốc từ 493 tỷ đồng lên 516 tỷ đồng. Ngoài ra, cổ phiếu HSG của Hoa Sen Group cũng đang được nắm giữ với giá gốc 483 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản đầu tư vào STB (Sacombank) và CTG (VietinBank) không còn được liệt kê trong danh mục đầu tư lớn. Ở chiều ngược lại, danh mục trái phiếu tăng từ hơn 14.700 tỷ lên trên 18.000 tỷ đồng, trong khi lượng chứng chỉ tiền gửi giảm từ hơn 8.000 tỷ còn hơn 5.800 tỷ đồng.
Điểm đáng chú ý trong báo cáo là sự gia tăng mạnh của các khoản phải thu khó đòi, từ mức thấp trong quý 1/2025 lên tới 1.925 tỷ đồng vào cuối quý 2/2025, gấp 4 lần chỉ trong 3 tháng. Trong đó, khoản phải thu liên quan đến Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam, thuộc hệ sinh thái Trung Nam Group, tăng mạnh gấp 7,3 lần, lên 1.695 tỷ đồng. Điều này buộc VNDirect phải trích lập dự phòng thêm 77%, đưa tổng dự phòng phải thu khó đòi lên 342 tỷ đồng.

Diễn biến cổ phiếu VND trong phiên giao dịch ngày 22/7
Mặc dù đối mặt với nhiều áp lực, cổ phiếu VND vẫn thu hút mạnh sự quan tâm từ thị trường. Kết phiên giao dịch ngày 22/7, mã này tăng 5,23%, lên mức 19.100 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch vượt 53 triệu đơn vị, tương đương 987 tỷ đồng.