VNPT từng bước khẳng định vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số quốc gia
Nhấn mạnh chuyển đổi số không chỉ là khẩu hiệu, mà là yêu cầu bắt buộc theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (DN), ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, đơn vị này đã bắt tay thực hiện nhiệm vụ với vai trò dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, những “dấu chân” vững chắc trên hành trình chuyển đổi số quốc gia của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) trong năm 2020 đang từng bước thể hiện vai trò dẫn dắt của Tập đoàn này.
Cách đây hơn một năm, Cổng Dịch vụ công quốc gia do Văn phòng Chính phủ điều hành trên nền tảng do Tập đoàn VNPT xây dựng và phát triển được khai trương. Từ 8 dịch vụ công được cung cấp từ thời điểm khai trương, đến ngày 30/12/2020, Cổng đã có 2.700 dịch vụ công được tích hợp.
Nhiều thủ tục, giấy tờ hành chính, nộp phạt vi phạm giao thông, chứng thực bản sao điện tử, đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, gia hạn thẻ Bảo hiểm y tế cho đến cấp đổi giấy phép lái xe cấp độ 4, xin giấy phép xây dựng nhà ở, đăng ký biển số xe và nộp thuế trước bạ khi mua ô tô..., người dân chỉ cần ngồi nhà đăng ký qua mạng, tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí, thay vì phải đi lại, xếp hàng, mất nhiều thời gian để giải quyết trực tiếp như trước.
Minh chứng này được thể hiện qua con số biết nói, đó là tiết kiệm chi phí xã hội được hơn 6.700 tỉ đồng/năm khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
"Sau một năm vận hành, đến nay Cổng Dịch vụ công quốc gia ngày càng trở thành cầu nối tin cậy, thiết thực và hiệu quả giữa cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa thủ tục hành chính, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ và là một trong những giải pháp quan trọng phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam", Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá.
Tháng 6/2020, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV lần đầu tiên được triển khai bằng hình thức trực tuyến. Mô hình này được đánh giá là một bước đổi mới, là tiền đề để cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp của Quốc hội trong thời gian tới và thích hợp để mở rộng các hoạt động của Quốc hội trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại.
“Với vai trò là đơn vị triển khai, việc tổ chức thành công phiên họp trực tuyến đầu tiên của Quốc hội này là tiền đề quan trọng để VNPT tiếp tục đồng hành với Quốc hội Việt Nam trong triển khai quốc hội điện tử, đồng thời một lần nữa khẳng định uy tín và năng lực, kinh nghiệm của VNPT trong các dự án trọng điểm quốc gia”, ông Phạm Đức Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc VNPT cho biết.
Trong các ứng dụng nền tảng chuyển đổi số của Quốc gia và Cơ sở dữ liệu, VNPT cũng đã tham gia triển khai các dự án cốt lõi như Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Cổng Dịch vụ công Quốc gia kết nối 95 đơn vị Bộ, ngành địa phương và 63 tỉnh/thành phố với Chính phủ. Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư kết nối xử lý dữ liệu với quy mô gần 11.000 xã, hơn 700 quận, huyện đến Trung ương; Trung tâm điều hành thông minh IOC triển khai trên gần 30 tỉnh, thành phố…
Vượt qua những thách thức của dịch bệnh COVID-19, thiên tai, lũ lụt, với tinh thần chủ động "biến thách thức thành hành động" cùng sự chung sức, đồng lòng, năm 2020, với quyết tâm song hành cùng Chính phủ triển khai mục tiêu kép "phòng chống dịch" và phát triển kinh tế, VNPT đã kịp thời vận dụng toàn bộ hệ sinh thái của mình, chủ động cung cấp hạ tầng mạng lưới viễn thông - công nghệ thông tin phục vụ điều hành chỉ đạo của nhà nước cũng như phục vụ người dân, hàng triệu khách hàng được bổ sung dung lượng đáp ứng nhu cầu làm việc từ xa, làm việc và học tập trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội.
“Chuyển đổi số không phải là khẩu hiệu và VNPT tin rằng, VNPT đang thực hiện vai trò dẫn dắt trong vấn đề chuyển đổi số chính quyền. Đối với kinh tế số, VNPT cũng sẽ phải bắt tay ngay vào thực hiện. VNPT sẽ là một hợp phần cùng các cộng đồng các doanh nghiệp thực hiện. Vì vai trò dẫn dắt chuyển đổi số của VNPT là tập trung vào phát triển các nền tảng và hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ để phát triển các ứng dụng”, ông Phạm Đức Long chia sẻ.
Với những cơ sở vững chắc trên, VNPT sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chiến lược, đưa Tập đoàn phát triển đúng tầm nhìn trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á.
Trong năm 2021, VNPT sẽ tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như phát triển hạ tầng và dịch vụ số bao gồm hạ tầng mạng cáp quang tới từng hộ gia đình; thử nghiệm và sẵn sàng triển khai hạ tầng di động 5G, hạ tầng điện toán đám mây; Tập trung xây dựng tài nguyên số bao gồm hệ sinh thái dữ liệu và nền tảng số cung cấp ở quy mô quốc gia giúp hình thành Chính phủ số và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.