VnSAT giúp nông dân Lâm Đồng phát triển cà phê bền vững

Ngày 22/12, tại TP Bảo Lộc, Ban Quản lý Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2020. Hội nghị thu hút đông đảo cán bộ, lãnh đạo và người dân trồng cà phê tham gia dự án VnSAT tại TP Bảo Lộc và 2 huyện Di Linh, Bảo Lâm tham gia.

VnSAT là Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, do Ngân hàng Thế giới tài trợ, với tổng số vốn 301 triệu USD và được đầu tư, triển khai thực hiện tại 19 tỉnh trong cả nước từ năm 2015 đến nay; trong đó, có Lâm Đồng.

VnSAT có 4 hợp phần: Hợp phần A hỗ trợ tăng cường năng lực thể chế thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có tổng kinh phí 6,36 triệu USD; hợp phần B hỗ trợ phát triển lúa gạo bền vững, có tổng kinh phí 182,58 triệu USD; hợp phần C phát triển cà phê bền vững, tổng kinh phí 98,69 triệu USD và hợp phần D quản lý dự án, có tổng số kinh phí 13,380 triệu USD.

Tỉnh Lâm Đồng tham gia Dự án VnSAT và triển khai thực hiện hợp phần C phát triển cà phê bền vững với mục tiêu “Tăng thu nhập cho nông dân và giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc áp dụng các biện pháp canh tác cà phê bền vững”.

Theo báo cáo tại hội nghị, Lâm Đồng là địa phương đứng thứ 2 cả nước về diện tích cà phê, với 174.390 ha và là tỉnh đứng đầu cả nước về năng suất, sản lượng cà phê. Hiện, năng suất cà phê Lâm Đồng bình quân đạt gần 3,2 tấn/ha và sản lượng 515.528 tấn/năm. Trong đó, cà phê vối (Robusta) chiếm 92,15% và cà phê chè (Arabica) chiếm 7,85%.

Quy mô dự án triển khai tại tỉnh Lâm Đồng là 16.500 ha cà phê của 15.000 hộ nông dân với tổng vốn được bố trí phân bổ là 9,178 triệu USD, tương đương 197,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới là 124,2 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh là 35,8 tỷ đồng và vốn người dân đóng góp là 37,4 tỷ đồng.

Dự án VnSAT tỉnh Lâm Đồng được triển khai tại 8 huyện/thành phố, gồm các huyện: Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà và Đam Rông, Lạc Dương, TP Bảo Lộc và TP Đà Lạt.

Năm 2019, từ nguồn vốn của Dự án VnSAT đã giúp nông dân Lâm Đồng tái canh, cải tạo được 8.192 ha. Riêng năm 2020, VnSAT tiếp tục hỗ trợ người dân Lâm Đồng áp dụng công nghệ sản xuất và quản lý cà phê bền vững. Theo đó, Ban quản lý Dự án đã tổ chức 63 lớp tập huấn sản xuất cà phê bền vững cho 2.133 người dân với diện tích 2.801 ha; 33 lớp tập huấn kỹ thuật tái canh cho 1.276 người dân tham gia, với diện tích 622 ha; thực hiện 58 mô hình sản xuất bền vững với diện tích 48,5 ha; 26 mô hình tái canh cà phê với diện tích 19 ha.

Tổng diện tích áp dụng biện pháp tái canh cà phê bền vững trong năm 2020 thông qua dự án là 12.613 ha; trong đó, diện tích tái canh theo đánh giá giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là 9.098 ha. Trong năm, Dự án đã hỗ trợ 5 hộ dân tại 2 huyện Di Linh và Đam Rông lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho cà phê có tổng diện tích 13,6 ha với số vốn đầu tư là 1,08 tỷ đồng; hỗ trợ mua 1 máy sấy và 3 máy tiết kiệm cho nông dân trên địa bàn tỉnh với kinh phí 488 triệu đồng.

Từ khi triển khai đến nay, VnSAT đã đầu tư nâng cấp 22,26 km đường giao thông nông thôn tại các vùng sản xuất cà phê, xây dựng 8 nhà kho với tổng diện tích 1.392 m2 có tổng sức chứa khoảng 2.780 tấn và xây dựng 6 sân phơi cà phê có tổng diện tích 3.962 m2 với tổng năng lực phơi đạt 79.240 tấn/lần phơi, có tổng kinh phí hơn 49,46 tỷ đồng (trong đó, vốn Ngân hàng thế giới là 44,7 tỷ đồng và nhân dân đối ứng hơi 4,76 tỷ đồng).

Hiện nay, dự án VnSAT đã hoàn thành đề xuất 5 tiểu dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất cà phê bền vững giai đoạn 2021 - 2022 trên địa bàn toàn tỉnh với tổng kinh phí 65,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, dự án VnSAT còn hỗ trợ cấp chứng nhận 11 vườn ươm cà phê đạt chuẩn tham gia dự án với năng lực sản xuất hơn 3,2 triệu cây giống/năm. Đồng thời, từ tháng 10/2020 đến nay, nguồn tín dụng tái canh cà phê được mở trở lại tại Agribank Lâm Đồng II và giải ngân cho hơn 340 khách hàng với vốn hơn 155 tỷ đồng để đầu tư tái canh hơn 830 ha cà phê.

Dự án VnSAT đã góp phần quan trọng giúp người dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chủ động chuyển đổi, tái canh cải tạo giống đưa năng suất và chất lượng cà phê không ngừng tăng lên. Người dân tham gia dự án đã tăng mức lợi nhuận 15,6% so với trước đây và tăng 14,9% so với người trồng cà phê ngoài vùng dự án. Đây được đánh giá là hướng đi đúng đắn, nhằm giúp người nông dân Lâm Đồng tăng thu nhập từ cây cà phê và giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường.

KHÁNH PHÚC

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202012/vnsat-giup-nong-dan-lam-dong-phat-trien-ca-phe-ben-vung-3035953/