Vợ bán hàng online 'có 1 nói 2', chồng không dám nhìn mặt bạn bè, người thân là khách hàng của vợ
Thấy vợ say sưa ôm điện thoại trả lời các khách hàng cả thân cả sơ rồi điều phối shipper mà Tú lo lắng.
Vợ chồng Tú không được liệt vào dạng đại gia nhưng cũng có "của ăn của để" với căn nhà gần 100m2 ở ngõ phố trung tâm quận Hai Bà Trưng, nhà cửa không thiếu thứ gì. Tú là nhân viên tín dụng ngân hàng nên thu nhập khá. Hương – vợ Tú – có hình thức xinh xắn, làm văn phòng cho một công ty thuộc tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam, tiền lương cũng được gần 10 triệu. Cả hai có có một cậu con trai 4 tuổi ngoan ngoãn, đẹp trai, ai nhìn vào cũng phải tấm tắc khen gia đình Tú vợ đẹp, con ngoan, là gia đình hạnh phúc, kiểu mẫu.
Cách đây gần 1 năm, một buổi tối đi làm về, cơm nước xong xuôi, Hương thủ thỉ với Tú là sẽ nghỉ việc ở công ty để ở nhà bán hàng online, dành thời gian nhiều hơn cho gia đình. Bất ngờ với quyết định của vợ, Tú không khỏi đắn đo, anh nói: "Em suy nghĩ kỹ để sau này không phải ân hận bởi em chưa có kinh nghiệm buôn bán". Hương nghe chồng nói ra vẻ gật gù: "Anh yên tâm, em đã cân nhắc lâu rồi".
Nói là làm, Hương xin nghỉ việc ngay sau đó và bước vào hành trình công việc bán hàng online. Những ngày đầu bán hàng trên facebook cá nhân và các hội nhóm, Hương khá mát tay. Lúc đầu, Hương chỉ bán những món đặc sản địa phương như: ram tôm Bình Định, chả mực Hạ Long, cam Xoàn, sầu riêng, xoài… và các món ăn gán mác "nhà làm" như: nem, giò. Tuy nhiên, việc bán hàng thực phẩm khá vất vả để bảo quản và vận chuyển, về sau Hương mở rộng ra các mặt hàng khác như quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và hàng hóa xách tay.
Để phát triển công việc buôn bán của mình, Hương tận dụng hết các mối quan hệ thân thiết bao gồm nội ngoại hai bên, kể cả bạn bè đồng nghiệp của chồng. Phần lớn khách hàng đều là người quen mua để ủng hộ cho cô.
Nhìn kết quả bán hàng ban đầu đem lại lợi nhuận gấp 2-3 lần đi làm nhà nước nên Hương rất hăng say. Cô muốn mở rộng mô hình bán hàng với việc thuê mặt bằng kinh doanh. Hàng ngày, ngoài lúc đi ngủ và cho con đi học, Hương liên tục bận rộn với việc điều phối shipper và cả livestreams bán hàng trên facebook.
Tuy nhiên, thấy vợ say sưa cầm điện thoại trả lời tin nhắn khách hàng cả thân cả sơ rồi điều phối shipper mà Tú lo lắng. Anh chỉ sợ càng ngày, những người thân và bạn bè anh sẽ mất đi sự gần gũi với vợ chồng anh vì từ lúc bán hàng online, Hương chăm chỉ hỏi thăm mọi người và thường xuyên nhắn tin, mời gọi tư vấn cho họ các sản phẩm mà cô đang bán.
Có điều, để ý về nguồn gốc hàng hóa và cách bán hàng của Hương, Tú đâm lo bởi giá cô nhập vào và bán ra quá chênh lệch và thường xuyên cao hơn của những người bán cùng mặt hàng. Đơn cử như ram tôm Bình Định loại nhỏ, các chị em khác chỉ bán 210 nghìn/kg thì Hương bán đến 280 nghìn/kg. Đó là chưa kể, Hương thường xuyên đăng bán các loại giò chả, nem chua, khô gà lá chanh… là do chính tay cô và mẹ đẻ làm nhưng kỳ thực là do cô nhập từ những mối hàng khác.
Đối với mặt hàng mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, Hương luôn nói là đi nước ngoài mua dịp sale hoặc do chị, em gái xách tay về song thực tế thì lấy hàng từ những người khác, không biết rõ nguồn gốc chính xác. Chính vì Tú biết rõ vậy nên anh cảm giác rất ngại và sợ nhỡ người thân quen có ai dùng bị làm sao thì không biết ăn nói như thế nào. Trao đổi với vợ là thôi đừng bán hàng kiểu này nữa thì Hương đùng đùng nổi giận bảo: "Anh này sĩ hão, lo vớ lo vẩn, ai buôn bán chả thế, hàng mình nhập giá có rẻ và là của ôi đâu".
Tuy nhiên, chính điều này làm Tú cảm thấy áy náy và day dứt. Anh cho rằng làm như vậy có khác gì là lừa đảo, kiếm tiền bằng sự nể nang ở những người quen thân và sự cả tin của những người lạ. Thực tế cho thấy, nhiều người quen bên nội ngoại của vợ chồng Tú chỉ mua một lần ủng hộ rồi sau đó họ không mua thêm một lần nào nữa và tỏ ra không vui vẻ, mặn mà nói chuyện với Tú như ngày xưa.
Buổi trưa thứ Hai tuần trước, đi ăn trưa về phòng, Tú thấy mấy cô đồng nghiệp đang nói chuyện với nhau, nhìn thấy Tú mọi người im bặt. Mãi sau đó mới có một cô nói nhẹ nhàng: "Anh Tú ơi, hôm trước em đặt mua giò nhà anh về mà nó có mùi, ăn bở bùng bục ấy, chưa kể chị Mai (chị làm cùng phòng với Tú) cũng bảo hôm trước mua 3 hộp Collagen của chị Hương mà giá mắc hơn ở ngoài gần những 1 triệu". Tú không biết giải thích sao, đành gượng cười bảo: "Cái này anh chịu, để anh về bảo chị nhà anh xem".
Thật sự Tú cảm thấy xấu hổ vì sự việc này. Bản thân Tú không cực đoan với việc vợ bán hàng online. Anh biết vợ anh hàng ngày cũng vất vả với công việc để kiếm tiền cho gia đình. Tuy nhiên, việc kinh doanh cần phải cho đàng hoàng, tử tế, đúng nguồn gốc, chất lượng dù lợi nhuận thấp, đằng này cách kinh doanh như Hương không lâu bền được và làm sứt mẻ đến tình cảm của những người thân thiết. Càng nghĩ Tú càng thấm thía câu: Tiền có bao nhiêu rồi cũng tiêu hết, quan trọng vẫn là cái tình dành cho nhau.