Vỏ bọc nghệ thuật của cặp điệp viên Nga ẩn mình tại Slovenia

Chỉ đến khi được đưa đến Moskva và được Tổng thống Putin đón chào bằng tiếng Tây Ban Nha, hai con của cặp điệp viên này mới biết mình là người Nga.

Cha mẹ của các em là những điệp viên ngầm của Nga, đóng giả công dân Argentina sống ở Slovenia, lấy tên là Ludwig Gisch và Maria Rosa Mayer Munos. Họ là một phần của cuộc trao đổi tù nhân đa quốc gia lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh hôm 1/8.

Đại sứ quán Nga tại thủ đô Ljubljana, Slovenia. Ảnh: New York Times

Đại sứ quán Nga tại thủ đô Ljubljana, Slovenia. Ảnh: New York Times

Darja Stefancic, một họa sĩ ở Slovenia nổi tiếng với những bức tranh phong cảnh đầy màu sắc, đã cảm thấy rất kỳ lạ khi một gallery nghệ thuật trực tuyến ít người biết đến do một phụ nữ đến từ Argentina điều hành, đã bất ngờ liên lạc với cô và đề nghị cô tham gia vào danh sách nghệ sĩ hợp tác ít ỏi của họ.

Ban đầu họa sĩ Stefancic nghi ngờ về một trò lừa đảo, và cô lo lắng rằng gallery trực tuyến, nơi hầu như không ai trong nền nghệ thuật nhỏ bé của Slovenia từng nghe nói đến, “chỉ muốn lừa dối mọi người”.

Và sự thực thì đúng như vậy, nhưng theo một cách vượt xa cả những nghi ngờ đen tối nhất của cô.

Gallery trực tuyến đó hóa ra là bình phong cho tình báo Nga, một phần của mạng lưới phức tạp gồm các điệp viên được Cơ quan Tình báo đối ngoại của Nga, SVR, huấn luyện và cài cắm ở châu Âu.

Không giống như các điệp viên “hợp pháp” hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao trong các đại sứ quán Nga, các điệp viên “không hợp pháp” như cặp đôi ở Slovenia không có quyền miễn truy tố và cực kỳ khó bị phát hiện.

Chủ phòng trưng bày nghệ thuật ở Slovenia, tên thật là Anna Dultseva, đã làm rất tốt việc mạo danh một người Argentina có đam mê nghệ thuật tên là Maria Rosa Mayer Munos. Vỏ bọc của cô kín đến nỗi, theo Điện Kremlin, ngay cả hai người con của cô cũng không biết gia đình họ có bất kỳ mối quan hệ nào với Nga cho đến khi các em cùng bố mẹ bay đến Moskva hôm 1/8, như một phần của cuộc trao đổi tù nhân Đông-Tây lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Trong bức ảnh do truyền thông nhà nước Nga đăng tải, Tổng thống Vladimir Putin đã đích thân đón các công dân Nga được thả trong một cuộc trao đổi tù nhân lớn với phương Tây, bao gồm Anna Dultseva, Artem Dultsev và các con của họ, tại sân bay Vnukovo ở Moskva hôm 1/8. Ảnh: Sputnik/NYT

Trong bức ảnh do truyền thông nhà nước Nga đăng tải, Tổng thống Vladimir Putin đã đích thân đón các công dân Nga được thả trong một cuộc trao đổi tù nhân lớn với phương Tây, bao gồm Anna Dultseva, Artem Dultsev và các con của họ, tại sân bay Vnukovo ở Moskva hôm 1/8. Ảnh: Sputnik/NYT

Tổng thống Putin chào hai đứa trẻ – một cô con gái 12 tuổi và một cậu con trai 9 tuổi – bằng tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ mà gia đình đã sử dụng ở Slovenia cùng với tiếng Anh để ngụy trang mối liên hệ của họ với Nga.

“Buenas noches” (Chào buổi tối theo tiếng Tây Ban Nha) – nhà lãnh đạo Nga nói trong đoạn video về buổi lễ chào đón tại sân bay Moskva được truyền hình nhà nước công bố. Cùng có mặt ở buổi đón tiếp hai điệp viên còn có Sergey Naryshkin, người đứng đầu Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga, SVR.

Cả Dultseva và chồng đều bị bắt vào tháng 12/2022 khi chính quyền Slovenia, những người đã theo dõi cặp đôi trong nhiều tháng sau khi nhận được mật báo từ một cơ quan tình báo nước ngoài, đột kích vào ngôi nhà tiện nghi của gia đình ở Crnuce, ngoại ô thủ đô Ljubljana của Slovenia.

Một nguồn tin của tờ New York Times được thông báo tóm tắt về vụ việc cho biết, cuộc đột kích đã được sắp xếp để bắt quả tang cặp đôi này khi họ liên lạc với Moskva bằng thiết bị đặc biệt để tránh đường dây điện thoại và internet. Nguồn tin cho biết, tin báo cho Slovenia đến từ Anh, nơi cặp đôi này thường xuyên đến thăm dưới vỏ bọc công việc. Cô Dultseva đã tổ chức hai cuộc triển lãm nghệ thuật tại thành phố Edinburgh của Scotland, nhiều lần đến thăm nước Anh với vỏ bọc là Mayer Munos.

Ngôi nhà ở Ljubljana nơi các điệp viên Nga đóng giả là công dân Argentina và sử dụng tên Maria Rosa Mayer Munos và Ludwig Gisch, sống cùng con cái của họ. Ảnh: New York Times

Ngôi nhà ở Ljubljana nơi các điệp viên Nga đóng giả là công dân Argentina và sử dụng tên Maria Rosa Mayer Munos và Ludwig Gisch, sống cùng con cái của họ. Ảnh: New York Times

Những gì mà Dultseva và chồng cô, Artem Dultsev, người lấy vỏ bọc một công dân Argentina tên là Ludwig Gisch và điều hành hoạt động kinh doanh “ảo” của mình ở Slovenia, đã đạt được với tư cách là điệp viên trước khi bị bắt vào năm 2022 vẫn đang được giới chức Slovenia đánh giá.

Hai người con của họ đã theo học tại Trường Quốc tế Anh gần nhà, với học phí hơn 10.000 USD một năm cho mỗi học sinh, vượt xa những gì cặp vợ chồng này có thể chi trả dựa trên báo cáo tài chính mà họ đã nộp cho doanh nghiệp của mình. Sau khi cặp đôi bị bắt, hai người con được đưa vào cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng của nhà nước.

Gallery nghệ thuật trực tuyến của cô Dultseva, có tên là 5'14, đã báo cáo lỗ 10.827 euro (tương đương gần 12.000 USD vào năm 2019), lãi 483 euro vào năm 2020 và lãi 3.032 euro vào năm 2021, năm cuối cùng họ nộp kết quả thường niên với cơ quan chức năng.

Tevz Logar, một nhà giám tuyển triển lãm nổi tiếng người Slovenia, cho biết kết quả khiêm tốn và chất lượng thấp của các tác phẩm nghệ thuật tại gallery này lẽ ra đã phải gây ra sự nghi ngờ. Nhưng nghệ thuật ở Slovenia “là một không gian an toàn” vì “không có sự giám sát hay kiểm soát”, ông Logar giải thích.

Theo ông Logar, hầu hết các tác phẩm mà cô Dultseva rao bán “là loại tác phẩm nghệ thuật mà bạn đặt hàng từ Trung Quốc”.

Trong khi đó, công ty của chồng cô, DSM & IT, báo cáo tổng lợi nhuận chỉ vài nghìn euro mỗi năm. Cả hai doanh nghiệp đều chỉ có duy nhất một nhân viên.

Majda Kvas, cụ bà 93 tuổi sống đối diện với ngôi nhà cũ của các điệp viên Nga, một ngôi nhà ba tầng có khu vườn nhỏ bao quanh bởi hàng rào gỗ, cho biết: “Họ không bao giờ kết giao với ai và sống cuộc sống hoàn toàn riêng biệt”. Bà Kvas cũng cho hay, hàng xóm đôi khi bàn tán về việc cặp đôi này là ai và họ đang làm gì nhưng hầu hết đều cho qua vì họ cũng không bao giờ gây rắc rối. “Tôi tưởng họ đến từ Venezuela”, bà Kvas nói.

Bà Majda Kvas, người sống đối diện nhà của các điệp viên Nga tại Slovenia. Ảnh: New York Times

Bà Majda Kvas, người sống đối diện nhà của các điệp viên Nga tại Slovenia. Ảnh: New York Times

Vojko Volk, thư ký nhà nước Slovenia chịu trách nhiệm về các vấn đề an ninh và tình báo, cho biết hôm 2/8 rằng các nhà điều tra vẫn đang cố gắng xâu chuỗi những gì cặp đôi điệp viên đang âm thầm làm, trước khi bị bắt vào năm 2022, và “không còn nghi ngờ gì nữa, chúng rất, rất, rất quan trọng. ”

Việc phát hiện ra một lượng tiền mặt lớn trong nhà của cặp đôi đã làm dấy lên suy đoán rằng có lẽ họ đã liên quan đến việc tài trợ cho các hoạt động của Nga trên khắp châu Âu. Nhưng ông Volk đã hạ thấp khả năng đó.

Marjan Miklavcic, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo quân sự Slovenia, cho biết các điệp viên ngầm của Nga thường được bố trí không có nhiệm vụ rõ ràng và đóng vai trò như một lực lượng dự bị ẩn có thể được kích hoạt vào thời điểm khủng hoảng.

Cặp điệp viên mang vỏ bọc người Argentina chuyển đến Slovenia từ năm 2017 nhưng theo ông Miklavcic, hoạt động của họ có lẽ chỉ được kích hoạt hoàn toàn sau khi bùng phát cuộc xung đột toàn diện ở Ukraine 5 năm sau đó, khi một loạt điệp viên tình nghi bị trục xuất khỏi nhiều nước châu Âu.

Vào tháng 11/2022, liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, người đứng đầu cơ quan an ninh MI5 của Anh cho biết hơn 400 điệp viên Nga đã bị trục xuất khỏi khắp châu Âu, giáng “đòn chiến lược quan trọng nhất nhằm vào các cơ quan tình báo Nga trong lịch sử châu Âu gần đây”. Trong cuộc khủng hoảng ngoại giao này, Nga cũng đáp trả bằng lệnh trục xuất nhiều điệp viên của các nước phương Tây.

Ông Miklevcic cho biết, sự hỗn loạn trong mạng lưới gián điệp của Nga thời điểm đó “có nghĩa là Moskva đã mất rất nhiều nguồn thông tin thường xuyên và có thể đã kích hoạt các điệp viên ngầm” để tìm cách lấp đầy những khoảng trống.

“Nhưng tất nhiên, họ không phải là James Bond”, ông Miklevcic nói thêm, dẫn ra thực tế là họ đã bị bắt và dường như đã mắc sai lầm lớn trong quá trình làm việc của mình.

Một phòng trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Ljubljana Ảnh: The New York Times

Một phòng trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Ljubljana Ảnh: The New York Times

Khoảng cách giữa hình ảnh các điệp viên trong điện ảnh và cuộc sống thực tế thường buồn tẻ và đôi khi kém cỏi của họ đã được Nina Khrushcheva, một học giả gốc Nga ở New York, trải nghiệm trực tiếp. Vào đầu những năm 2000, bà Nina có một sinh viên tên là Richard Murphy, người này tự nhận là người gốc Philadelphia. Murphy, tên thật là Vladimir Guryev, bị bắt vào năm 2010 vì cáo buộc hoạt động gián điệp ở New Jersey cùng với vợ, và sau đó bị trục xuất về Nga như một phần của một cuộc trao đổi tù nhân khác. Bà Khrushcheva nhớ lại, vụ bắt giữ hầu như không gây ngạc nhiên vì ông Murphy “rõ ràng đã lộ liễu”.

Trong khi đó, cặp đôi giả mạo người Argentina ở Slovenia dường như là những điệp viên có trình độ cao hơn. Theo Mariken Heijwegen, một nghệ sĩ Hà Lan hợp tác với gallery mà Dultseva làm chủ, thì cô Dultseva phần lớn nói tiếng Tây Ban Nha.

Họa sĩ Heijwegen cho biết bà đã gặp Dultseva tại một hội chợ nghệ thuật ở Croatia và nhờ bán được hai bức tranh của bà. “Cô ấy trông giống người Argentina, rất ngọt ngào và tốt bụng”, bà Heijwegen nhớ lại.

Họa sĩ cho biết bà không hề biết rằng người phụ nữ mà bà chỉ biết tên là Maria Rosa Mayer Munos đã bị bắt với cáo buộc hoạt động gián điệp cho đến khi những bức tranh mà cô ấy mang đến Slovenia bất ngờ bị gửi trở lại Hà Lan.

Mặc dù bị bắt vào cuối năm 2022, nhưng đến cuối tháng 7 vừa qua, cặp đôi Artem Dultsev và Anna Dultseva mới chính thức nhận tội trong một phiên tòa chóng vánh, mở đường cho họ được đưa vào cuộc trao đổi tù nhân lớn giữa Nga và phương Tây.

Tòa án khu vực Ljubljana cho biết cặp đôi này đã nhận tội làm gián điệp và làm giả tài liệu. Tòa án đã kết án họ hơn một năm rưỡi tù giam, tương đương với thời gian đã thụ án và ra lệnh trục xuất họ khỏi đất nước. Họ cũng bị cấm quay lại Slovenia trong vòng 5 năm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đón nhà báo Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal trở về sau cuộc trao đổi tù nhân với Nga ngày 1/8. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đón nhà báo Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal trở về sau cuộc trao đổi tù nhân với Nga ngày 1/8. Ảnh: Getty Images

Washington và Moskva đã bế tắc trong các cuộc đàm phán cấp thấp trong nhiều tháng về khả năng trao đổi tù nhân, trong đó Nhà Trắng mong muốn trả tự do cho các tù nhân Mỹ bị giam giữ ở Nga, trong đó có phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal, người đã bị kết án hồi đầu tháng này với mức án 16 năm tù vì tội gián điệp, những cáo buộc đã bị Gershkovich, tờ báo chủ quản của ông và chính phủ Mỹ phủ nhận.

Cuối cùng các bên đã đạt được đồng thuận và tiến hành cuộc trao đổi tù nhân lịch sử ngày 1/8. Tổng cộng 24 người đã được Nga và các nước phương Tây trao đổi. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) thông báo đã nhận về 8 công dân Nga từ các nước phương Tây, kèm theo 2 trẻ em chính là con của cặp điệp viên ở Slovenia. Theo chiều ngược lại, Nga nói đã thả 16 người. Theo CNN, trong số 16 người được Nga thả, có 4 người là công dân và thường trú nhân tại Mỹ, 5 công dân Đức và 7 nhân vật đối lập người Nga.

Đây là đợt trao đổi tù nhân lớn nhất trong lịch sử hiện đại, chỉ ít hơn lần trao đổi năm 1985 khi 25 người Mỹ được thả để đổi 3 người Liên Xô và một người Ba Lan.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New York Times, RT)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/vo-boc-nghe-thuat-cua-cap-diep-vien-nga-an-minh-tai-slovenia-20240806202543789.htm