Vợ bước qua tuổi 40 đã sợ 'chuyện ấy'

Bước sang tuổi 40 nhưng gần nửa năm qua, chuyện phòng the của chị H. gặp trục trặc. Mặc dù hai vợ chồng đã thực hiện đủ màn dạo đầu nhưng khi 'lâm trận' vẫn không được suôn sẻ. Chị H. cảm thấy đau rát vì âm đạo khô.

Chị không còn ham muốn, thậm chí vô cùng "sợ" mỗi khi gần chồng. Khi đến gặp bác sĩ, chị được biết mình đang bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Chính những xáo trộn tâm sinh lý trong giai đoạn này là nguyên nhân lớn nhất khiến chuyện ái ân ở phụ nữ gặp trục trặc, cụ thể là chứng khô âm đạo, giảm ham muốn.

Rào cản “chuyện yêu”

Nếu như ở nam giới độ tuổi 40-50 là thời kỳ phong độ nhất thì đây lại là độ tuổi mà nhịp sinh học của nữ thường giảm nhanh ,khiến chị em sớm bước vào giai đoạn “thoái trào” trước chồng.

Lượng estrogen của phụ nữ tiết ra ở mức bình thường sẽ giúp duy trì độ ẩm của âm đạo và có tác dụng chống vi khuẩn lọt vào sâu bên trong. Mặt khác, trong cơ thể nữ giới, hormone progesterone, DHEA có vai trò kích thích não bộ, truyền ham muốn. Ngoài chu kỳ kinh nguyệt, kể cả khi estrogen ở mức ổn định, nếu chị em có hứng thú tình dục sẽ khiến họ tiết dịch âm đạo nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, trong thời kỳ bước sang tuổi 40, chị em khó tránh những rắc rối do buồng trứng suy giảm hoạt động. Khi đó, sự rối loạn bộ 2 hormone nữ gồm progesterone, estrogen gây ra những triệu chứng thường gặp là âm đạo sẽ bị mỏng đi và teo lại, bài tiết dịch nhờn kém. Điều này gây khó khăn trong mỗi lần giao hợp và cũng khó để cả hai cùng nhau “lên đỉnh”.

Chị không còn ham muốn, thậm chí vô cùng "sợ" mỗi khi gần chồng. Ảnh minh họa

Chị không còn ham muốn, thậm chí vô cùng "sợ" mỗi khi gần chồng. Ảnh minh họa

Sự sụt giảm estrogen còn có thể gây ra một số khó chịu về sinh lý như cảm giác bốc hỏa, nóng rát, đổ mồ hôi về đêm. Tình trạng này khiến phụ nữ cảm thấy mệt mỏi và giảm hưng phấn.

Bệnh khô âm đạo có thể mắc phải ở bất kỳ phụ nữ nào nhưng bệnh thường gặp hơn ở phụ nữ tiền mãn kinh. Theo thống kê, khoảng 1/5 phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh mắc bệnh khô âm đạo. Ngoài ra, nếu cơ thể không sản xuất được nội tiết tố nữ estrogen trong 5 năm cũng sẽ dẫn đến tình trạng khô hạn ở phụ nữ.

Bổ sung và cân bằng nội tiết tố

Để tránh tình trạng khó chịu này, chị em cần vệ sinh đúng cách, tránh sử dụng các sản phẩm có nồng độ axit cao, các loại sữa tắm hay xà phòng để vệ sinh âm đạo, các sản phẩm để thụt rửa âm đạo. Phụ nữ nên đặc biệt quan tâm tới nội tiết tố, bổ sung và cân bằng nội tiết tố cho cơ thể. Chị em nên uống đủ nước 2 lít/ngày để bổ sung lượng nước cho cơ thể, tạo môi trường cho âm đạo. Chế độ ăn cần được chú trọng, chị em cần nói “không” với các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê… đồng thời, tăng cường ăn nhiều rau xanh, bổ sung các loại vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6, B12), bổ sung thực phẩm giàu axit béo Omega 3 như cá thu, cá ngừ, cá kiếm, cá mòi, dầu ôliu, vừng… Thực đơn giàu đậu tương cũng có tác dụng cải thiện chứng khô âm đạo.

Bên cạnh đó, phụ nữ nên tập luyện các động tác thể thao nhẹ nhàng hoặc tập Yoga, khí công dưỡng sinh đúng cách để cải thiện khí huyết, giảm căng thẳng mệt mỏi. Ngoài ra Yoga còn giúp người phụ nữ thư giãn và có tâm lý thoải mái trước khi quan hệ tình dục. Hãy thử thay đổi địa điểm và thời gian “yêu”, kéo dài màn dạo đầu, thay đổi các vật dụng trang trí trong phòng cũng là những cách tạo tâm lý thoải mái cho người phụ nữ làm tăng ham muốn, tăng cường chất nhờn và dịch âm đạo.

Hiền Lương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hon-nhan-gia-dinh/vo-buoc-qua-tuoi-40-da-so-chuyen-ay-post63079.html