Vở cải lương kinh điển và vụ bắt cóc nghệ sĩ giữa trời Tây
Năm 1984, lần đầu tiên TPHCM cử một đoàn nghệ sĩ cải lương lưu diễn tại Tây Âu theo lời mời của UNESCO. Chuyến đi không chỉ đưa Đời cô Lựu trở thành vở diễn kinh điển mà còn gây sự chú ý đặc biệt khi các nghệ sĩ bị bắt cóc.
Chuyến đi bão táp
NSND Bạch Tuyết kể, ngày đó, những nghệ sĩ được lựa chọn đi lưu diễn tại 5 nước Tây Âu không chỉ có tài năng, phù hợp với vai diễn mà phải có tinh thần yêu nước, hết lòng với sân khấu. Vì thế, trong danh sách được cử đi đều là những nghệ sĩ tên tuổi như Diệp Lang, Thanh Tòng, Bạch Tuyết, Minh Vương, Thành Được, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Thanh Hải… “Đoàn chúng tôi gồm 12 người, cùng với một số đoàn nghệ thuật truyền thống khác như tuồng, chèo, múa rối.. lên đường đi châu Âu vào tháng 2/1984. Hành trang đoàn mang theo là vở diễn Đời cô Lựu của tác giả Trần Hữu Trang, do NSND Huỳnh Nga dàn dựng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi lưu diễn tại các nước Tây Âu. Trong bối cảnh đất nước đang bị cấm vận nên đoàn dự kiến chuyến đi sẽ gặp một số khó khăn”- Bạch Tuyết cho hay.
Tuy nhiên, có những sự cố ngoài dự kiến đã xảy ra. Trong đêm diễn tại Đức, nhiều Việt kiều quá khích tập trung hô hào, chửi bới. Không chỉ thế, họ còn xô đẩy, bắt cóc các nghệ sĩ. NSND Minh Vương hồi tưởng: “Nhóm người quá khích đó đã lôi kéo và đẩy chúng tôi vào một chiếc xe của họ. Tôi cùng mấy anh khỏe mạnh cố ngăn lại nhưng Bạch Tuyết, Ngọc Giàu và Thành Được đã bị họ đẩy lên xe rồi bỏ chạy. Hôm sau, khi Bạch Tuyết và Ngọc Giàu trở về, tôi mới biết đó là nhóm người Việt quá khích muốn lôi kéo chúng tôi ở lại Tây Đức. Trong số ba nghệ sĩ bị bắt cóc, Bạch Tuyết và Ngọc Giàu cương quyết từ chối và tìm cách chạy thoát, riêng Thành Được đã chấp nhận ở lại”.
NSND Bạch Tuyết nhớ lại, bà bị nhóm quá khích đưa vào một căn hộ cũ. Tại đây họ đã ra sức thuyết phục bà ở lại và trở thành người lưu vong. “Họ còn hứa, nếu tôi chấp nhận họ sẽ lo máy bay riêng đưa tôi qua Mỹ, cho tôi thành công dân Mỹ. Nhưng tôi vẫn không chấp nhận. Sau đó, họ lại đưa tôi lên xe chở đi tiếp. Khi xe dừng ở một quán cà phê, thấy họ lơi lỏng, tôi đã bỏ chạy. Khi cảm thấy họ không thể đuổi theo được nữa, tôi đã nhờ một thanh niên trẻ người Đức chở về khách sạn. Về tới nơi một lúc thì thấy Ngọc Giàu cũng xuất hiện. Chúng tôi ôm nhau khóc vì thoát nạn”.
Sự kiện ấy đã gây cho các thành viên trong đoàn sự bất an.
Những vai diễn bất đắc dĩ
Thành Được không quay lại đã gây khó khăn lớn cho vở diễn Đời cô Lựu bởi khuyết đi người vào vai chính - nhân vật Võ Minh Thành. NSND Minh Vương cho biết, cả đoàn phải gấp rút tìm diễn viên thay thế. “Ở trong nước, tìm một diễn viên thay thế tức thời vai diễn chính đã khó, đằng này, lại ở nước ngoài thì kiếm đâu ra người, trong khi thời gian lại chỉ còn có vài ngày nên càng khó hơn. Bàn tính mãi, cuối cùng nghệ sĩ Thanh Tòng đã đứng ra nhận vai Võ Minh Thành”- Minh Vương kể.
Nhiều người không khỏi phân vân bởi Thanh Tòng có thế mạnh về cải lương tuồng cổ, trong khi đó vai diễn Võ Minh Thành lại thuộc thể loại cải lương xã hội. Nhưng thấy Thanh Tòng quyết tâm và tập ngày, tập đêm nên mọi người cũng cảm thấy yên tâm. “Sau vụ bắt cóc, để an toàn, chúng tôi đã phải thay đổi chỗ ở thường xuyên, thậm chí có những ngày gần như chỉ ở trên xe. Anh Thanh Tòng tập kịch, cùng chúng tôi ráp lời thoại ngay trên xe. Cả đoàn quên ăn quên ngủ để tập”- NSND Bạch Tuyết kể.
Khi đảm nhiệm vai Võ Minh Thành, Thanh Tòng buộc phải bỏ lại vai Mẫn Đạt. Đây là một khó khăn không nhỏ bởi rất khó tìm người thay thế. Sau khi cân nhắc, NSND Diệp Lang với cương vị lãnh đạo đoàn đã chọn bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà-một thành viên đi theo đoàn vào vai diễn. Bác sĩ Hà là người yêu cải lương, nhưng cũng chỉ tham gia trong một số chương trình biểu diễn phong trào. Tuy nhiên, với sự chỉ dẫn của NSND Diệp Lang và nhiều anh em nghệ sĩ khác, chỉ trong mấy ngày bác sĩ Hà đã vào vai diễn của mình khá tốt.
Đêm diễn đầu tiên với những vai diễn mới tại Paris, trước hàng nghìn khán giả, cả đoàn cùng hồi hộp, lo lắng không biết cả hai nhân sự mới liệu có đủ sức đảm bảo vai diễn. Màn 1 của vở diễn là sự tung hứng của ba diễn viên Bạch Tuyết, Diệp Lang và Thanh Tòng. Thanh Tòng đã khiến cho cả đoàn hết sức bất ngờ khi ông vào vai rất ngọt, lột tả được phong thái, tính cách của nhân vật Võ Minh Thành. Từ một diễn viên chuyên vào vai các vị tướng dũng mãnh trong những vở tuồng cổ, Thanh Tòng đã xuất sắc trong vai trò diễn viên tuồng xã hội, và đó là điều khiến mọi người thán phục. “Anh Thanh Tòng xứng đáng là một nghệ sĩ lớn. Chỉ mấy ngày tập nhưng đã nắm vững lời thoại. Không chỉ thế, ông còn diễn, còn ca như thể vai diễn được viết chỉ dành riêng cho ông. Thanh Tòng đã làm nên một Võ Minh Thành khá mới mẻ, độc đáo mang dấu riêng của ông mà sau này mỗi khi nhắc tới vở Đời cô Lựu, khán giả lại nhớ tới Thanh Tòng”- NSND Ngọc Giàu nhận xét.
Với bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà, dù là vai diễn đầu tiên trên sân khấu chuyên nghiệp nhưng ông đã để dấu ấn khi nhập tâm vào vai diễn, khiến khán giả không nhận ra ông chỉ là một diễn viên nghiệp dư. Sự thành công của hai vai diễn bất đắc dĩ trong buổi đầu tiên đã giúp vực dậy tinh thần mọi người đang bị khủng hoảng sau vụ bắt cóc, khiến cho các nghệ sĩ nhập vai diễn xuất thần trong những đêm diễn tiếp theo. Những bó hoa, những tràng pháo tay không ngớt của khán giả dành tặng các nghệ sĩ sau khi mỗi đêm diễn.
NSND Bạch Tuyết kể, khi cả đoàn về nước, đã có một cuộc đón tiếp đoàn rất long trọng. Phát biểu chào mừng đoàn trở về, một vị lãnh đạo ngành Văn hóa đánh giá đoàn đã có một cuộc chiến đấu anh dũng, vì bản sắc dân tộc, vì cải lương và vì sự tiến bộ của văn hóa Việt Nam. Nhờ thành công và tiếng vang trên đất bạn, thành phố đã quyết định thành lập đoàn cải lương mang tên 2.84 (thời điểm các nghệ sĩ chinh chiến giữa trời Tây), quy tụ những nghệ sĩ đã tham gia lưu diễn và một số nghệ sĩ nổi tiếng khác. Ngoài Đời cô Lựu, Đoàn cải lương 2.84 tiếp tục thành công với nhiều vở diễn khác như Tô Ánh Nguyệt, Pha lê và cát bụi, Áo cưới trước cổng chùa, Trà hoa nữ, Lôi Vũ…
Hầu hết các nghệ sĩ trong đoàn 2.84 sau này đều sống, cống hiến hết mình, trở thành những cây đa, cây đề trong nghệ thuật cải lương và đều được phong danh hiệu NSND. NSND Bạch Tuyết cho biết, chính những khó khăn của chuyến đi bão táp giữa trời Tây đã trui rèn cho các nghệ sĩ trưởng thành hơn. Cố GS-TS Trần Văn Khê từng đánh giá: “Các nghệ sĩ đã đưa vở diễn Đời cô Lựu trở thành vở cải lương kinh điển mang dấu ấn, đẳng cấp của cải lương Việt Nam tại Tây Âu”.