Vở cải lương Vực sâu cạm bẫy: Hấp dẫn và nhiều tình huống bất ngờ
Khác với cách kể chuyện truyền thống, vở cải lương Vực sâu cạm bẫy (tác giả kịch bản: Nguyễn Lưu Thanh; đạo diễn: NSƯT Quế Anh) có kết cấu khá hiện đại với những nút thắt, mở và nhiều tình huống bất ngờ.
Không chỉ đề cập đến câu chuyện về nạn buôn bán người qua biên giới đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ, được cộng đồng quan tâm, Vực sâu cạm bẫy còn kể câu chuyện về phòng, chống tội phạm công nghệ cao, chuyện về gia đình, tình yêu đầy nhân văn và xúc động.
* Phản ảnh vấn đề nóng bỏng của xã hội
Mở đầu vở cải lương Vực sâu cạm bẫy, người xem được chứng kiến giấc mơ của Quỳnh (nghệ sĩ Sang Sang vào vai) bị lừa bán vào động mại dâm ở nước ngoài. Bởi hoàn cảnh khó khăn và để có tiền chữa bệnh cho cha, Quỳnh đã tin vào lời của đối tượng tội phạm mua bán người với danh nghĩa đi xuất khẩu lao động. Giấc mơ tái hiện nỗi đau, không chỉ bị giày vò, phải chịu bao nhục nhã mà đó còn là nỗi ám ảnh, khủng hoảng tâm lý suốt thời gian dài, kể từ khi được giải cứu về Việt Nam.
Quỳnh của hiện tại có cuộc sống hạnh phúc bên Tuấn - một doanh nhân thành đạt song quá khứ không thôi đeo bám cô. Những kẻ buôn bán người đã sử dụng những thước phim và clip nhạy cảm để đe dọa và tống tiền gia đình Quỳnh. Khi quá khứ bị tung lên mạng xã hội, bà con lối xóm và cả người chồng mà Quỳnh hết lòng yêu thương lại có cái nhìn dò xét, khinh bỉ cô. Tuấn đã không thể tha thứ cho Quỳnh và có hành động đuổi cô đi. Không còn cách nào khác, cô đã nhảy sông tự tử.
NSƯT QUẾ ANH, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai cho biết: “Sau đêm diễn báo cáo, ê-kíp thực hiện vở cải lương Vực sâu cạm bẫy sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của Hội đồng Nghệ thuật để hoàn thiện hơn nữa, chuẩn bị công diễn, phục vụ khán giả yêu sân khấu cải lương trong và ngoài tỉnh”.
May mắn đến với Quỳnh khi cô được Trung (nghệ sĩ Hoài Minh vào vai) - người yêu cũ và cũng là người bạn thân cứu kịp thời. Từ Trung, Quỳnh biết được để đổi lấy bình an cho cô trở về quê hương, chị gái (nghệ sĩ Hồng Gấm vào vai) phải bán đi một quả thận. Cảm xúc của nhân vật được đẩy lên cao trào khi 3 cha con Quỳnh gặp nhau, người cha đau đớn nhận hết mọi tội lỗi về bản thân mình. Ông cũng không quên dang rộng vòng tay, đón con gái trở về, đồng hành cùng các con làm lại cuộc đời. Điều này đã tạo động lực giúp Quỳnh bước ra ánh sáng, vạch trần tội ác của bọn tội phạm buôn người.
Bên cạnh câu chuyện của Quỳnh, Vực sâu cạm bẫy còn lồng ghép nhiều câu chuyện lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xuyên biên giới. Ở đó, các đối tượng tội phạm dùng nhiều chiêu trò khác nhau, từ việc làm quen, giới thiệu việc làm, giả vờ yêu đương… để đưa “con mồi” vào bẫy. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, tội phạm công nghệ cao lợi dụng internet và mạng xã hội để thực hiện các hành vi phạm tội ngày càng nhiều và tinh vi hơn, có sự liên kết giữa tội phạm trong và ngoài nước.
Kết thúc vở diễn, Quỳnh trở thành cô giáo dạy học ở vùng cao. Từ trải nghiệm của bản thân, cô đã trở thành người “truyền lửa”, hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân như mình phần nào giảm những tổn thương, cảnh tỉnh những bạn trẻ đang đứng trước cạm bẫy của bọn buôn người, tội phạm công nghệ cao.
NSƯT Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai chia sẻ: “Vở diễn mang đến nhiều thông điệp nhân văn như: gia đình là điểm tựa, là nơi để trở về trong sự bao dung và thấu hiểu; tình người, sự sẻ chia với nhau trong hoạn nạn và thổi bùng lên khát khao trở về, được yêu thương và trao đi tình yêu, đóng góp những việc có ích cho xã hội của những mảnh đời một thời lầm lỡ. Đứng trước những sự lựa chọn, mỗi người phải biết chịu trách nhiệm với bản thân, phải dũng cảm đối diện và bước qua những khó khăn, thử thách”.
* Hấp dẫn và nhiều tình huống bất ngờ
ThS Nguyễn Ngọc Khoa, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai nhận xét: “Vực sâu cạm bẫy là đề tài mang tính thời sự, lột tả chân thực những câu chuyện trong cuộc sống hiện tại. Sân khấu đa phương tiện với màn hình LED, thiết kế ấn tượng, âm thanh, ánh sáng kết hợp nhuần nhuyễn góp phần tạo dựng và thay đổi bối cảnh phù hợp với mạch của câu chuyện, đem lại cho người xem sự thích thú. Đặc biệt, nhiều đoạn ca cải lương đẩy cảm xúc đến cao trào, trữ tình, sâu lắng, như nói hộ được lòng người”.
NSƯT Lâm Bảo Thịnh (Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) cho hay: “Vở diễn không chỉ hấp dẫn mà còn có nhiều tình tiết bất ngờ, nhất là cái kết. Các nghệ sĩ, diễn viên: Sang Sang, Hoài Minh, Khánh Dư, Hoàng Việt Trang, Hồng Gấm… đã lột tả hết tính cách của nhân vật, diễn xuất đẹp, nhập vai nhuần nhuyễn và giàu cảm xúc. Cách dàn dựng khéo léo, kết hợp múa đương đại, cách xử lý âm nhạc trẻ trung, hiện đại... Điều này cho thấy đạo diễn và ê-kíp sáng tạo rất chịu khó tìm tòi các yếu tố mới nhằm chinh phục các đối tượng khán giả, nhất là người xem trẻ tuổi”.
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan đánh giá cao sự nỗ lực của tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai trong việc thực hiện vở cải lương Vực sâu cạm bẫy. Từ kịch bản, đạo diễn đến diễn xuất rất ấn tượng, mang hơi thở thời đại, có tính thời sự với những thông điệp rõ ràng, có tính giáo dục cao. Vở diễn bắt kịp với xu hướng phát triển của công nghệ hiện đại nhưng không làm mất đi nét riêng vốn có của cải lương - loại hình nghệ thuật truyền thống của vùng đất Nam bộ nói chung, Biên Hòa - Ðồng Nai nói riêng.