Vợ cao tay trị chồng gia trưởng, chồng phải lên mạng viết thư khẩn cầu vợ quay về
'Anh phải đứng cả ngày và chưa nói chuyện với ai trên 5 tuổi suốt 2 ngày qua. Anh cảm thấy kiệt quệ cả về tinh thần lẫn thể chất và không hiểu sao em đã làm được điều này những năm qua...'- Lá thư với những lời cảm động của người chồng viết mong vợ sớm trở về nhà.
Chuyên gia Tư vấn Hạnh phúc Gia đình Tuệ An (CEO Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo Hạnh phúc) chia sẻ lá thư cảm động của một người chồng gửi tới nhờ "gọi" giúp vợ về nhà.
Người chồng kể rằng, hôm đó sau ngày làm việc mệt mỏi trở về anh như thường lệ ngồi lên ghế sopha êm ái xem bóng đá giữa hai đội cầu yêu thích. Anh biết vợ đang cố gắng dỗ con trai nhỏ mè nheo, khóc, còn con gái mới 2 tuổi chạy quanh phòng và bày bừa đồ chơi. Vì quá ồn nên anh bật to âm lượng của tivi lên.
Người vợ gần như ngay lập tức bước tới vặn nhỏ tiếng tivi và nói với chồng vẻ trách móc: "Anh sẽ không chết nếu giúp em một chút đâu!"
Người chồng cảm thấy tức giận liền đáp trả: "Anh đã làm việc cả ngày mệt mỏi, còn em chỉ ở nhà và chơi với lũ trẻ. Hãy để anh nghỉ ngơi và xem tivi trong yên bình!"
Người vợ không nói gì nữa, bởi không phải là lần đầu tiên họ cãi nhau. Cô đưa các con lên gác và dỗ cho con ngủ. Sau đó, cô lặng lẽ sắp xếp đồ và đóng vali lặng lẽ rời khỏi nhà. Người chồng không hề hay biết bởi anh đang mải mê với trận đấu.
Sau khi trận bóng đá kết thúc, người chồng đi lên gác và phát hiện vợ không ở nhà, điện thoại thì tắt và không có lời nhắn nào. Sáng hôm sau vợ vẫn chưa về nhà nên người chồng phải xin sếp nghỉ làm để ở nhà chăm sóc bọn trẻ. Anh phải nấu ăn, dọn dẹp, chơi với con để chúng không quấy khóc và nhớ mẹ. Cả ngày anh phải đuổi theo lũ trẻ và dọn dẹp khắp nhà, còn đến đêm lại phải dỗ cho chúng ngủ.
Lúc này anh mới thấm thía công việc của vợ hàng ngày, nhưng anh không biết bao giờ vợ sẽ trở về. Hôm sau cũng không có tin tức gì của vợ nên anh lại phải xin nghỉ làm. Chỉ sau 2 ngày ở nhà với con anh đã viết lá thư đăng lên mạng.
"Gửi vợ thân yêu của anh,
Anh đã đánh giá quá thấp những gì mà em đã làm cho mái ấm gia đình, những việc em làm để chăm sóc các con và cả anh nữa. Anh không thể biết được em đã lấy sức mạnh và lòng kiên nhẫn từ đâu khi phải giải quyết những vấn đề này một mình vì anh hầu như chẳng giúp gì em cả.
2 ngày qua anh cảm thấy bị giam hãm trong nhà. Sáng sớm thức dậy để nấu ăn, chăm sóc các con và làm các việc vặt. Anh phải đứng cả ngày, và cứ sau 3 giờ con trai lại thức dậy khóc đòi ăn, và anh chưa nói chuyện với ai trên 5 tuổi suốt 2 ngày qua. Anh cảm thấy kiệt quệ cả về tinh thần lẫn thể chất và không hiểu em đã làm thế nào trong mấy năm qua. Mới 2 ngày mà anh cảm thấy cần phải ngủ 20 tiếng mới có thể hồi phục sức khỏe.
Giờ thì anh hiểu vì sao em quá thất vọng về anh, còn anh thì thất vọng với chính mình bởi không giúp đỡ em khi anh có thể. Anh đã hiểu được sự hy sinh của em cho gia đình, và sự kiệt sức của anh sau ngày làm việc không thể so sánh với những gì em phải trải qua hàng ngày.
Anh sẽ không bao giờ từ bỏ sự nghiệp của mình. Nhưng em đã hy sinh rất nhiều, đã phải từ bỏ sự nghiệp vì không còn lựa chọn nào khác. Em làm tất cả mà không được trả công, cũng không cần được công nhận. Em không thể đi chơi với bạn bè, đi tới phòng tập hay ngủ một giấc yên bình ban đêm - bởi 24 giờ trong cả 7 ngày em làm nội trợ. Anh đã hiểu em là người phụ nữ phi thường nhưng anh lại chưa bao giờ trân trọng.
Anh nhớ em, anh cũng muốn em biết rằng em là không thể thay thế được. Anh sẽ mãi mãi mang ơn em vì đã hy sinh những gì yêu em yêu thích để vun vén cho mái ấm gia đình. Anh đang đợi em về".
Chuyên gia Tuệ An cho rằng, ngày nay khá nhiều cặp vợ chồng phải đối mặt với sự căng thẳng, phải vật lộn để mưu sinh và chăm sóc con cái. Trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng thì một gia đình khó có thể chỉ dựa vào tiền lương của một người. Vì vậy cả hai vợ chồng đều phải làm việc cật lực để trang trải cho cuộc sống. Nhưng thực tế có nhiều phụ nữ phải hy sinh sự nghiệp để ở nhà làm nội trợ, và bị coi đó là điều hiển nhiên, không được chồng và người thân trân trọng công sức mà còn bị rẻ rúng cho là ăn bám chồng.
Nội trợ là công việc mệt mỏi, dễ kiệt sức vì phải thường xuyên đứng, bế con, làm việc nhà... Trong khi người chồng cậy mình đi kiếm tiền về nuôi gia đình mà rẻ rúng sức lao động của vợ, không giúp đỡ vợ việc nhà.
Trong hôn nhân, vai trò và trách nhiệm của vợ và chồng như nhau. Nhưng thực tế công việc nhà không hề dễ dàng và không thể đặt thành tên việc. Người vợ ở nhà làm nội trợ như bị giam lỏng, ít giao lưu với thế giới bên ngoài, mệt mỏi vì chăm sóc con cái, hơi tí phải ngửa tay xin tiền chồng... loay hoay cả ngày cũng không hết cả đống việc nhà, chưa kể khi con này đau, đứa kia ốm... khiến họ dần kiệt sức, stress tâm lý...
Nếu chồng không thấu hiểu, chia sẻ nỗi đau buồn âm ỉ của người vợ ở nhà làm nội trợ, mà chỉ biết chê bai, phán xét... thì chả mấy mà hôn nhân sẽ rạn nứt, tình yêu biến mất, thay vào là giận dỗi, bất đồng, xa cách... và nguy cơ tan vỡ rất có thể xảy ra.
Kẻ thù của hôn nhân không phải là "tiểu tam", là quan hệ xấu giữa "mẹ chồng - nàng dâu", mà là những xung đột nho nhỏ mỗi ngày giữa hai vợ chồng. Vì vậy người chồng cần hiểu là trong khi anh vật lộn trong xã hội để kiếm tiền, thì người vợ ở nhà phải vất vả chăm con, làm việc nhà để tổ ấm thêm êm ấm, và anh mới có thời gian xây dựng sự nghiệp, giao lưu với xã hội... Hai vợ chồng có nghĩa vụ, trách nhiệm như nhau và người chồng cần chia sẻ, đỡ đần vợ việc nhà thì hôn nhân mới bền vững.