Vợ chồng 8 năm được chọn thực hiện nghi thức 'tình phộc'
Năm nay là năm thứ 8 vợ chồng anh Chử Đức Chiến (45 tuổi) và chị Bùi Thị Thanh Huyền (33 tuổi) được người dân trong làng tín nhiệm giao nhiệm vụ thực hiện nghi thức 'tình phộc'.
Ông Nguyễn Quốc Mường, Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ cho biết, sau 3 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, xã Tứ Xã chỉ tổ chức phần lễ ở miếu Trò.
Năm nay, được sự đồng ý của các cấp chính quyền địa phương và các bô lão trong làng, lễ hội Linh tinh tình phộc sẽ được tổ chức đầy đủ với cả phần lễ và phần hội.
Lễ hội được tổ chức vào ngày 1-2/2/2023 (tức 11-12 tháng Giêng).
Phần hội ngày 11 tháng Giêng bao gồm các trò chơi như: bóng chuyền, cầu lông, cờ người,... Tối 11 tháng Giêng sẽ diễn ra trò tứ dân chi nghiệp hay còn gọi là bách nghệ khôi hài - một màn kịch dân gian vui nhộn về 4 nghề chính trong đời sống là sĩ, nông, công, thương.
Điểm hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của người xem hơn cả là lễ Mật được thực hiện vào 0h ngày 12 tháng Giêng tại miếu Trò (hay còn gọi là miếu Đụ Đị).
Ông Mường cho biết thêm, năm 2023, vợ chồng anh Chử Đức Chiến (SN 1978) và chị Bùi Thị Thanh Huyền (SN 1990) tiếp tục được người dân trong làng tín nhiệm, giao thực hiện nghi thức "tình phộc". Đây đã là năm thứ 8 anh chị thực hiện nghi thức quan trọng này.
Theo tín ngưỡng, việc thực hiện nghi thức "tình phộc" thành công hay không sẽ ảnh hưởng tới việc mưa, gió, làm ăn trong một năm của người dân.
Đúng 0h, khoảnh khắc giao thời giữa đêm 11 sang ngày 12 tháng Giêng, chủ từ sẽ mở khóa mang hòm thiêng bên trong chứa sinh thực khí của nam (Nõ) và sinh thực khí của nữ (Nường). Sau đó, cụ chủ từ trao cho cặp vợ chồng anh Chiến, chị Huyền.
Ngay khi đèn, nến vụt tắt, cụ chủ từ hô khẩu lệnh “linh tinh tình phộc”, 2 nhân vật chính là nam cởi trần đóng khố cầm Nõ, nữ mặc váy đeo yếm đào cầm Nường đâm vào nhau. Dân làng quan niệm, 3 lần Nõ Nường đâm trúng sẽ có mùa màng tươi tốt, bội thu.
Sau lễ Mật, sáng ngày 12 tháng Giêng là lễ Rước lúa thần cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Những bông lúa thu hoạch từ vụ trước thờ trong miếu được lấy ra và rước đến đền Xa Lộc thờ vị tướng Phùng Lân Hổ thời Trần, rồi tiếp tục được rước xung quanh làng.
Trong khi rước lúa trên đường làng, các trò diễn vẫn tiếp tục thực hiện tại miếu Trò để tạo không khí lễ hội. Lễ Cúng thập bái thực hiện cuối cùng tại miếu Trò để kết thúc lễ hội.