Vợ chồng cán bộ 'gạn đục khơi trong' ở trại giam Phú Sơn 4

Quen nhau nhờ trại giam, nên duyên cũng nơi trại giam, đôi vợ chồng trẻ ấy đã cùng nhau gắn bó với Trại giam Phú Sơn 4 (thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (C10), Bộ Công an, đóng trên địa bàn xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Họ nguyện gắn đời mình để gieo mầm thiện, cải tạo những con người lầm lỡ…

Thiếu tá Trần Hoàng Mạnh, Phó Đội trưởng Đội tham mưu, Trại giam Phú Sơn 4. Ảnh: Ngọc Nga

Thiếu tá Trần Hoàng Mạnh, Phó Đội trưởng Đội tham mưu, Trại giam Phú Sơn 4. Ảnh: Ngọc Nga

Nhờ trại giam se duyên hồng

Đó là câu chuyện của vợ chồng Thiếu tá Trần Hoàng Mạnh và Thượng úy Lê Nguyễn Hoàng Minh. Thiếu tá Mạnh hiện là Phó Đội trưởng Đội tham mưu, Thượng úy Minh đang là cán bộ của phân trại số 4 (K4).

Chúng tôi gặp Thiếu tá Trần Hoàng Mạnh, Phó Đội trưởng Đội tham mưu, trong chuyến công tác tại Trại giam Phú Sơn 4. Với vẻ ngoài trẻ trung, năng động, giọng nói trầm ấm, đặc biệt với nụ cười luôn nở trên môi, khiến chúng tôi rất ấn tượng về Thiếu tá Mạnh. Anh chia sẻ về sự năng động, vui vẻ này một phần nhờ tích cực tham gia các hoạt động Đoàn (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh).

Thiếu tá Trần Hoàng Mạnh cho biết: “Ngay từ nhỏ, khi chứng kiến người cậu của tôi là một chiến sĩ công an, lập nhiều chiến công, tình yêu với màu áo Công an nhân dân trong tôi đã dần được nuôi dưỡng. Và ước mơ lớn nhất của tôi là muốn trở thành một chiến sĩ công an như chính người Cậu của mình”.

Năm 2006, nghe theo tiếng gọi của con tim, chàng trai trẻ nhập ngũ, tham gia làm chiến sĩ nghĩa vụ. Ngày đó, anh cũng chưa biết mình sẽ được phân công làm nhiệm vụ gì, và cũng chưa một lần tưởng tượng mình sẽ trở thành cán bộ trại giam.

Thế rồi “nghề chọn người”, anh Mạnh bắt đầu được tiếp xúc với các kiến thức sơ khai về trại giam. Tháng 2/2007, anh Mạnh nhận nhiệm vụ về Trại giam Phú Sơn 4 công tác. Với ước mong được đứng trong hàng ngũ chính thức của màu áo Công an nhân dân, anh vận dụng gần như 200% sức lực, vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa tiếp tục ôn luyện kiến thức để thi vào Trường Học viện Cảnh sát nhân dân.

“Nhớ thời điểm đó, ngoài công việc được giao, tôi dành toàn bộ thời gian cho việc ôn luyện. Khi nào có thời gian là thường trực quyển sách trên tay để ôn luyện. Khi đó, tôi khao khát được đứng trong hàng ngũ chính thức của lực lượng công an. Thế nhưng, hơi buồn một chút, lúc đó tôi không đỗ Học viện Cảnh sát nhân dân mà chuyển sang học Trường Trung cấp Cảnh sát Nhân dân VI (T51). Khi đi học, tôi bắt đầu tham gia các hoạt động Đoàn mạnh mẽ hơn, tham gia Ban chấp hành Đoàn của trường, rồi gắn bó với các phong trào của Đoàn từ ngày đó đến giờ”, Thiếu tá Mạnh cười kể lại.

Sau 2 năm rèn luyện tại trường với nhiều kiến thức mới, năm 2010 anh Mạnh quay trở về Phú Sơn 4 nhận nhiệm vụ mới.

4 năm sau, cũng tại nơi đây, anh Mạnh gặp được nửa kia của cuộc đời mình. Anh kể: “Năm 2014, vợ mình về Phú Sơn 4 thực tập, cảm mến cô gái trẻ trung, năng động ấy, nên tôi quyết tâm theo đuổi. Đến năm 2015, tôi mới rước được cô ấy chính thức về làm vợ. Đến giờ chúng tôi đã có 2 cháu”.

Lập gia đình với người cùng nghề là sự may mắn, bởi lẽ sự thấu hiểu từ công việc sẽ khiến cho cả 2 vợ chồng yên tâm công tác. Tuy nhiên, việc chăm con, chăm sóc bố mẹ hai bên lại là điều khó khăn, vất vả với anh và chị. “2 vợ chồng cùng công tác trong ngành rất dễ thấu hiểu cho nhau, nhưng chúng tôi cũng phải “cân não” trong việc chăm sóc gia đình và hoàn thành nhiệm vụ. Bởi lúc con ốm đau, bố mẹ 2 bên gia đình ốm yếu, chúng tôi rất vất vả. Thậm chí, có những lúc, cả 2 bạn nhỏ phải vào trại ở cùng bố mẹ. Đó là thời điểm dịch COVID-19, đơn vị yêu cầu cán bộ, chiến sĩ 100% quân số phải ở lại trại, vậy là cả 2 bạn nhỏ “đi trực” cùng bố mẹ”, Phó Đội trưởng Đội tham mưu giãi bày.

Thiếu tá Trần Hoàng Mạnh, Phó Đội trưởng Đội tham mưu, Trại giam Phú Sơn 4. Ảnh: Ngọc Nga

Thiếu tá Trần Hoàng Mạnh, Phó Đội trưởng Đội tham mưu, Trại giam Phú Sơn 4. Ảnh: Ngọc Nga

Dùng nhân tâm để cảm hóa phạm nhân

Thiếu tá Mạnh thường ví von công việc của các cán bộ, chiến sĩ tại trại giam là những người “gạn đục khơi trong”, hướng phạm nhân đến những điều tốt đẹp, giúp họ chấp hành những quy định của pháp luật, mong họ trân quý giá trị lao động. Tất cả các cán bộ, chiến sĩ của trại giam đều hướng đến một mục tiêu chung nhất là giáo dục, cải tạo phạm nhân trở thành công dân lương thiện, biết sống có ích cho xã hội và gia đình.

Có một thời gian anh Mạnh nhận nhiệm vụ làm quản giáo, dù trẻ tuổi, nhưng với kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân, anh đã từng bước, giúp phạm nhân vượt qua rào cản tâm lý, cải tạo tốt để trở về với gia đình, xã hội.

Phương pháp của anh chính là quan sát, chia sẻ, tháo gỡ những khúc mắc… với cách này, phạm nhân sẽ nhận thấy những điều tốt đẹp, từ đó có sự thay đổi về nhận thức và cải tạo. Đồng thời, anh Mạnh là một trong những người cán bộ, chiến sĩ trưởng thành từ các phong trào Đoàn nên có những khi nhờ chính những chương trình thể dục, thể thao, văn nghệ mà dần cảm hóa những con người lầm lỗi.

Hỏi anh nhớ người phạm nhân nào nhất trong 15 năm làm nghề của mình? Anh Mạnh đã kể cho chúng tôi nghe về một người nữ phạm nhân.

Ngày đó, nữ phạm nhân này 39 tuổi, đi tù vì án liên quan đến ma túy. “Suốt một thời gian dài quan sát, tôi không hề thấy người thân của phạm nhân vào thăm, tinh thần của phạm nhân này khá tiêu cực, kết quả cải tạo không được tốt lắm. Khi hỏi han tâm sự tôi mới biết, phạm nhân này vào trại lần thứ 2, vì thế nên gia đình bỏ bê, không quan tâm, vào thăm. Tôi đã liên hệ với gia đình, chia sẻ với họ về tình hình cải tạo của người thân, giải thích về tầm quan trọng của gia đình trong quá trình cải tạo. Sau cuộc điện thoại ấy, người nhà của nữ phạm nhân đã lên thăm. Và rồi chị đã có sự thay đổi rõ rệt, chị vui vẻ hơn, quá trình cải tạo cũng tốt dần lên”, anh Mạnh bộc bạch.

Cùng là nghề cảnh sát, nhưng mỗi một phần việc lại có tính chất đặc thù và điều kiện làm việc rất khác nhau. Cán bộ chiến sĩ trại giam nói chung và ở Phú Sơn nói riêng, luôn có những khó khăn, vất vả mà không thể dùng từ ngữ diễn tả hết. Dẫu vậy, vợ chồng anh Mạnh, chị Minh vẫn một lòng gắn bó với trại giam, với công việc “gạn đục khơi trong”, đánh thức “mầm thiện” ở những mảnh đời lầm lỡ.

Ngọc Nga

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/vo-chong-can-bo-gan-duc-khoi-trong-o-trai-giam-phu-son-4-post517493.html