Vợ chồng Giám đốc Hacinco 2 vi phạm quy định phòng chống dịch có thể bị xử lý như nào?
Theo luật gia, người nào vi phạm quy định, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì cần phải xử lý hình sự theo điều 240 bộ luật hình sự năm 2015 có thể đến 12 năm tù.
Sáng 13/5, CDC Hà Nội cho biết, 2 ca mắc COVID-19 tại quận Thanh Xuân được xác định là ông Nguyễn Văn Thanh (BN3634, Giám đốc Hacinco 2) và vợ (BN3633)
Hiện, rất nhiều địa điểm 2 người này từng đến trong 14 ngày qua đã phải cách ly y tế với hàng nghìn người. Số ca F1 xác định được của 2 vợ chồng đến 8h sáng 13/5 là 150, trong đó 118 đã âm tính, 2 dương tính, số còn lại chưa có kết quả.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thanh và vợ đã cố tình không khai báo y tế sau khi du lịch Đà Nẵng trở về.
Thậm chí, khi vợ chồng Giám đốc Hacinco 2 có biểu hiện ho, sốt, đau họng, họ còn cố ý không khai báo và tham gia liên hoan, ăn uống đông người.
Đánh giá về sự việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra làm rõ hành vi của 2 vợ chồng Giám đốc Hacinco 2 để có căn cứ xử lý.
Theo Luật sư Cường, trước kỳ nghỉ lễ 30/4 thì dịch bệnh đã bùng phát và diễn biến rất phức tạp tại Ấn Độ, Campuchia và một số quốc gia lân cận Việt Nam. Tiếp đó là xuất hiện một số ca lây nhiễm tại Lý Nhân, Hà Nam.
Trước tình hình đó hệ thống phòng chống dịch bệnh của Việt Nam đã được kích hoạt, các địa phương đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh như yêu cầu khai báo y tế, bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, thực hiện “khuyến cáo 5K” của Bộ y tế.
Nhiều khu du lịch đã tạm dừng các hoạt động và đưa ra rất nhiều khuyến cáo, cảnh báo, thậm chí tăng cường các quy định để thực hiện các biện pháp chống dịch.
"Trong khi cả nước căng mình chống dịch như vậy thì ông Nguyễn Văn Thanh và vợ dù vừa trở về từ Đà Nẵng sau kỳ nghỉ lễ (đây là vùng có nhiều ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng) nhưng vẫn không thực hiện việc khai báo y tế, tham gia họp, ăn uống, chơi thể thao và gặp gỡ nhiều người khiến nhiều khu vực hiện nay đã bị phong tỏa, cách ly y tế, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều người, và phát sinh rất nhiều chi phí để phòng chống dịch bệnh.
Đây là một vụ việc nghiêm trọng, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ hành vi của hai bệnh nhân này như: lịch trình di chuyển và việc thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo và yêu cầu…", Luật sư Cường đánh giá.
Trường hợp có căn cứ cho thấy hai người này đã vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, bất kể vi phạm làm gì (không khai báo y tế, không thực hiện quy định về phòng chống dịch bệnh tại bệnh viện, nơi công cộng...) nhưng làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Nghị định 101/2010/NDd- CP của Chính phủ và các văn bản của chính quyền địa phương về phòng chống dịch bệnh đã nêu rõ các trường hợp tiếp xúc với nguồn lây bệnh, đi qua vùng dịch, đi về từ vùng dịch phải thực hiện việc khai báo y tế và cách ly y tế tập trung hoặc cách đi tế tại nhà. Các trường hợp có biểu hiện như sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, những triệu chứng đã được cảnh báo của bệnh dịch này thì phải khẩn trương đến cơ sở y tế để khám, cách ly, điều trị theo quy định.
Theo Luật sư Cường, quá trình xác minh, điều tra nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy hai người này đã vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh dẫn đến làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 Bộ luật hình sự, với mức hình phạt có thể lên đến 12 năm tù.
Ngoài ra, ông Cường cho rằng cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc phòng chống dịch bệnh, trong đó có cả các cơ sở y tế.
"Trong trường hợp có căn cứ cho thấy các cơ quan, tổ chức, cá nhân này có vi phạm quy định về đảm bảo an toàn nơi đông người, làm phát sinh chi phí phòng chống dịch hoặc làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì cũng có thể xử phạt hành chính theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người hoặc tội vi phạm quy định về an toàn nơi đông người theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015", ông Cường nói.
Với biến chủng của virút lần này rất phức tạp, khả năng lây lan nhanh, ảnh hưởng đến các hoạt động chính trị, xã hội của đảng và nhà nước, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế và tính mạng của người dân.
Mặc dù đã có rất nhiều khuyến cáo, nhiều quy định và cảnh báo, nhiều trường hợp đã bị xử lý nhưng những trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh vẫn diễn ra làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, phát sinh chi phí chống dịch, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội và đe dọa đến tính mạng của nhiều người.
Bởi vậy những trường hợp vi phạm như thế này thì việc xem xét xử lý hình sự là cần thiết. Với những người có trình độ nhận thức, có hiểu biết mà cố tình vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng thì cần phải áp dụng chế tài nghiêm khắc hơn đối với những người bình thường.