Vợ chồng lấy nhau 10 năm vẫn đi ở nhờ

Hồi chị lấy anh, tuy phải sống nhà thuê nhưng căn hộ 2 phòng sạch sẽ. Hai vợ chồng lại có việc làm ổn định. Hơn 10 năm sau, mọi thứ đều không khác với xuất phát điểm là mấy.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cưới xong là chị có bầu ngay. Anh chị vẫn ở căn hộ đi thuê. Anh là con trai duy nhất, được bố mẹ cho mảnh đất ở quê nhưng với điều kiện "về quê làm nhà ở thì được, chứ không được bán". Anh cho thuê mảnh đất đó làm được một khoản tiền, đủ để trả tiền thuê nhà hằng tháng.

Chị vui vẻ lo các khoản chi phí còn lại. Lương của chị đủ chăm lo cho gia đình, cho con cái học hành. Còn anh hài lòng với cuộc sống của một công chức mẫn cán, không phải lo nghĩ gì nhiều.

Sau khi chị sinh con thứ hai, chi tiêu trong gia đình ngày càng tốn kém. Khi 2 con đến tuổi đi học, cần có bàn học, cần đàn, cần giá vẽ, không gian căn hộ 2 phòng thuê trở nên chật chội, bức bí. Sinh hoạt phí của cả gia đình vẫn chỉ từ một nguồn thu nhập của chị.

Chị bàn với anh trả nhà thuê, về nhà bố mẹ đẻ của chị sống. Nhưng anh ngại ở nhà vợ nên dọn về nhà chị gái ở. Chị cảm thấy cuộc sống của mình bế tắc. Cả nhà kéo về ở nhà chị chồng thì chỗ ở bất tiện nhưng hai vợ chồng cứ ở nhờ bên nội, bên ngoại mỗi đứa một phương thế này thì gia đình thành cái gì?

Đúng là điểm khởi đầu của vợ chồng chị thuận lợi nhưng chính vì vấn đề tài chính gia đình không được bàn bạc kỹ và sử dụng hợp lý. Sau hơn 10 năm, anh chị thản nhiên với chỗ ở thuê, không nghĩ gì đến việc thay đổi. Một phần là do tiền thuê nhà không phải do hai vợ chồng vất vả kiếm được.

Phần khác có lẽ anh chị luôn nghĩ chỉ cần bán đất bố mẹ cho thì mua nhà lúc nào chả được. Cả hai cũng vô tình tạo một điều hiển nhiên là anh không cần đóng góp gì ngoài khoản tiền thuê nhà, còn việc chi tiêu của gia đình dồn hết lên chị. Thật may là vấn đề tài chính chưa làm sứt mẻ tình cảm vợ chồng nhưng rõ ràng nó đã tạo ra một tổ ấm không vững.

Giờ là lúc hai vợ chồng chị cần ngồi lại với nhau bàn bạc cho tương lai. Hoàn cảnh của anh chị bây giờ vẫn thuận lợi. Vợ chồng mạnh khỏe, con cái đã lớn, nguồn thu nhập ổn định, lại có sự giúp đỡ hết lòng của hai bên nội-ngoại.

Cả hai người đều không tính toán, so đo tiền nong với nhau. Hai vợ chồng cũng không vì khó khăn mà cãi vã, dằn hắt nhau. Hãy cân đối lại thu-chi từ những gì hai vợ chồng đang có, từ đó có kế hoạch phấn đấu để lo cho cuộc sống ổn định lâu dài.

Theo chị kể, Thanh Tâm thấy nguồn lương của anh và nguồn tiền thuê nhà trong 1-2 năm của vợ chồng anh chị góp lại, cộng thêm sự giúp đỡ của 2 bên nội-ngoại có thể mua được 1 căn hộ nhỏ.

Vợ chồng anh chị nên mua nhà gần bố mẹ đẻ của chị để ăn chung cùng ông bà, có thể gửi nhờ một số vật dụng phục vụ cho việc học năng khiếu của các con bên nhà ông bà để các con sang đó ôn luyện. Việc này có thể giúp anh chị tiết kiệm được một khoản trong giai đoạn "thắt lưng, buộc bụng" này.

Chỉ cần chịu khó tích góp, vợ chồng anh chị có thể đổi sang nhà to hơn, đủ cho nhu cầu của gia đình trong 5 năm tới.

Sự hỗ trợ của cha mẹ dành cho con cái luôn chứa đựng mong muốn con mình được an nhàn, thoải mái, đừng để mình trở nên lười biếng và không chịu nỗ lực phấn đấu.

Thanh Tâm

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vo-chong-lay-nhau-10-nam-van-di-o-nho-2024060518511363.htm