Vợ chồng người Mông và hành trình thành chủ homestay từ vốn vay ngân hàng
Vợ chồng Thào A Su - Lù Thị Tàng là người dân tộc Mông ở bản Tà Chí Lừ xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái). Trong tiếng Mông, 'Su' có nghĩa là mũi tên. Đúng là cái tên vận vào người. Nghe A Su kể chuyện vợ chồng anh liều mình vay vốn ngân hàng làm du lịch cộng đồng, quả thật thấy Su giống một mũi tên đã bắn ra khỏi lẫy nỏ.
A Su mới 29 tuổi. Làm chủ một Homestay ở trên đỉnh một ngọn núi sườn phía tây của dãy Hoàng Liên Sơn được 6 năm. A Su cũng là người đầu tiên trong bản dám triển khai mô hình homestay mang đậm nét văn hóa dân tộc Mông để đón khách du lịch.
A Su Homestay được cho là homestay cao nhất ở Mù Cang Chải có view panorama cực đỉnh ở độ cao hơn 1500m. Đứng ở sân nhà A Su, ngày đẹp trời, phóng tầm mắt có thể nhìn trọn vẹn huyện Mù Cang Chải. Ngay phía dưới chân núi là thị trấn Mù Cang Chải ở độ cao 1000 m. Từ đây xuống đến quốc lộ là tầng tầng lớp lớp ruộng bậc thang. Xã La Pán Tẩn cũng là địa phương có diện tích ruộng bậc thang nhiều nhất của huyện.
A Su bảo, ở nhà mặc đồ dân tộc, đi dép tổ ong nhưng phục vụ cung cách 5 sao. Đây là điều bất ngờ đối với bất cứ ai đến trải nghiệm ở đây. Hai bữa ăn tối và sáng được tính chung vào giá phòng cho mỗi khách là 350.000 đồng/ngày. Menu rất phong phú gồm Gà - cá - lợn - rau - măng - xôi - khoai - ngô… đều là thực phẩm tại chỗ được chế biến cùng gia vị ẩm thực của người Mông. Ngoài ra, còn có mì tôm, bánh mì, mứt, sữa cà phê, nước quả, đồ tráng miệng… Mọi người nhớ thử món Pá Jìu - một món ăn đặc trưng của người Mông được làm từ thịt lợn băm nhỏ trộn với lá Jìu (một loại lá gia vị của người Mông). Đối với khách lần đầu trải nghiệm văn hóa dân tộc Mông thì món này chắc chắn là số 1. Để có được những tiêu chuẩn này, A Su may mắn được phù thủy homestay Dương Minh Bình - một người có kinh nghiệm trong việc tổ chức du lịch cộng đồng, chuyên tư vấn miễn phí giúp bà con dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa làm du lịch để xóa đói giảm nghèo đồng hành chỉ bảo.
Homestay của A Su mới có một phòng ngủ cộng đồng cho 20 người có đệm dày 20cm cho từng người, có rèm ngăn cách. Ga và chăn trắng phau, thơm tho. Nhà vệ sinh sạch sẽ, nước nóng 24/24. Không thấy bóng dáng những giai thoại về người Mông sinh sống ở nơi nước hiếm đâu cả.
A Su cưới vợ năm 25 tuổi. Vợ chồng A Su là một trong nhiều gia đình trẻ ở Mù Cang Chải góp phần đẩy lùi nạn tảo hôn. Cưới nhau xong, vợ chồng Su tập trung xây dựng homestay của gia đình. Trong gia đình Su mọi người có quyền bình đẳng như nhau nên mọi việc làm ăn Su đều bàn với vợ.
Cách đây dăm năm, bản Tà Chí Lừ của xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) có rất ít người bên ngoài vào đến đây, cho dù bản chỉ cách thị tứ và quốc lộ khoảng 6 km.
Từ khi homestay của chàng trai người Mông Thào A Su đi vào hoạt động, bản trở nên tấp nập bởi những đoàn khách trong nước và quốc tế vào bản. Điều này mang đến một sức sống mới cho một khu vực dân cư ở vị trí cheo leo.
Để có kiến thức phục vụ du khách đến trải nghiệm, A Su quyết định cho vợ về Hà Nội học một lớp nấu ăn trong thời gian 6 tháng. Còn A Su đi nhiều nơi trong tỉnh, sang cả tỉnh Hòa Bình để học tập các mô hình du lịch cộng đồng
Ở độ cao này, quanh năm thời tiết mát mẻ, độ ẩm thấp. Đặc biệt, mặc dù núi rừng nhưng không thấy có muỗi. Buổi tối, sau khi xong việc, ngồi bên bếp lửa, A Su lấy khèn ra thổi vài khúc đãi khách. Tiếng khèn Mông trong đêm nghe mới phê làm sao. Những câu chuyện về đời sống của người Mông được A Su tiết lộ là một thứ gia vị kéo gần khách với chủ.
Liều mình vay ngân hàng làm du lịch cộng đồng
Sinh năm 1994, năm 23 tuổi, tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Điện, Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, thay vì nộp đơn vào các tập đoàn công nghiệp ở Thái Nguyên làm việc thì A Su chọn cách về quê. Bởi A Su nghĩ, ở lại lương tháng 10 - 15 triệu thì không có gì khó nhưng như vậy chẳng đóng góp được gì cho cái bản nghèo ở trên độ cao gần 1600 mét của A Su. Thào A Su là một trong số ít người Mông ở đây có trình độ Đại học. Hồi còn đi học, bố mẹ chỉ muốn A Su học hết cấp 3 rồi về làm nông dân cho gần bố mẹ. Mẹ sợ A Su đi học cao rồi không về nữa. A Su trốn đi thi và học đại học.
Về quê, A Su nhận thấy tiềm năng du lịch ở Mù Cang Chải có khả năng mở rộng và phát triển. A Su nói với bố mẹ muốn mở một chiếc homestay trên mảnh đất của ông bà để lại. Lúc nghe A Su nói, bố mẹ A Su hãi lắm. Tiền đâu mà mở? Ở đây chưa có ai dám làm. Thuyết phục được bố mẹ đồng ý, thì A Su lại tiếp tục hành trình thuyết phục họ hàng cho mượn sổ hộ khẩu để đứng tên vay ngân hàng Chính sách xã hội và ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam giúp để có tiền đầu tư. Ở cái bản Tà Chí Lừ này, chưa có ai dám vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng bao giờ. Tự mình lên kế hoạch, tự thiết kế, tháng 6/2018 thì khởi công. Tháng 9/2019, có thể đón khách thì COVID – 19 ập đến. Không được vay ưu đãi, tiền A Su nhờ vay ngân hàng phải trả lãi 11%/năm. 2 năm COVID-19, A Su lại chăm chỉ làm ruộng trồng lúa, lên nương trồng ngô. Bòn nhặt từng đồng trả lãi ngân hàng. Thời gian còn lại nhẩn nha hoàn thiện cảnh quan của chiếc homestay.
Vượt qua những khó khăn của dịch dã, đến nay homestay vợ chồng trẻ người Mông này đang trở thành một điểm đến lý tưởng với khách du lịch mỗi khi đến với vùng đất này. Khi trạng thái bình thường quay trở lại, khách du lịch bắt đầu gia tăng, mùa cao điểm du lịch hoặc cuối tuần, khi khách đông, bố mẹ và các anh chị của A Su được huy động để hỗ trợ phục vụ khách. Homestay của A Su đã tạo được việc làm cho các thành viên của gia đình.
Đến nay, trong bản Tà Chí Lừ đã có thêm 2 gia đình nữa mở mô hình homestay và cũng bắt đầu đón khách và có khách đến trải nghiệm.
Ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1954 xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Ngày 9/3/2021, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch ban hành quyết định số 824 chứng nhận Lễ mừng cơm mới của người Mông, huyện Mù Cang Chải là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
31/12/2021, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải và chứng nhận Lễ mừng cơm mới của người Mông là di sản văn hóa phi vật thể.