Vợ chồng nông dân đồng lòng, đưa sản phẩm rượu truyền thống xuất khẩu

BBK -Với sự đồng lòng, nỗ lực trong phát triển kinh tế, vợ chồng anh Mùng Ngọc Hựu, chị Nông Thị Tâm ở thôn Nà Pài, xã Bằng Phúc (Chợ Đồn) đã thành công trong phát triển chăn nuôi và xây dựng thương hiệu rượu men lá Thanh Tâm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản.

Khai thác lợi thế về đất đai, vợ chồng anh Hựu bàn bạc, thống nhất đầu tư chăn nuôi lợn. Ban đầu nguồn vốn ít, nuôi quy mô nhỏ rồi tích lũy dần để nâng tổng đàn, hiện gia đình đã đầu tư quy mô chuồng trại nuôi lợn mỗi năm 02 lứa, mỗi lứa từ 50 -100 con lợn thịt. Ngoài ra, vợ chồng anh Hựu trồng cỏ để nuôi trâu, bò vỗ béo. Nhận thấy đây là hướng phát triển kinh tế mang lại nguồn thu lớn, gia đình đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại sạch sẽ, kiên cố, nuôi theo 02 hình thức sinh sản và vỗ béo, hiện gia đình duy trì trong chuồng bình quân 30 – 40 con bò.

Bằng Phúc là xã có truyền thống sản xuất men lá và nấu rượu, gia đình anh Hựu cũng tập trung sản xuất, bởi bỗng rượu có thể phục vụ chăn nuôi. Quy mô chăn nuôi ngày càng lớn, việc sản xuất rượu cũng tăng theo để cung cấp nguồn thức ăn cho chăn nuôi.

Vì vậy, để xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho rượu, năm 2017, Hợp tác xã rượu men lá Thanh Tâm được thành lập do chị Nông Thị Tâm làm giám đốc. Với việc sử dụng hoàn toàn cây dược liệu làm men lá và trải qua nhiều công đoạn lọc khử độc tố, rượu men lá của hợp tác xã đã khẳng định được uy tín trên thị trường.

Năm 2018, sản phẩm rượu men lá của hợp tác xã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và duy trì đến năm 2022 tăng hạng lên 4 sao. Vinh dự hơn, tháng 7/2022, rượu men lá của hợp tác xã ký kết thành công với Công ty KOMECO.LTD Nhật Bản đưa sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Hiện, Hợp tác xã rượu men lá Thanh Tâm sản xuất bình quân ngày 500 – 600 lít rượu, tạo việc làm thường xuyên, thời vụ cho trên 40 lao động địa phương, chủ yếu là chị em phụ nữ có thu nhập từ 6 - 12 triệu đồng/người/tháng.

Là lao động gắn bó lâu năm với hợp tác xã, chị Hà Thị Tiếp, thôn Nà Pài chia sẻ: Từ khi hợp tác xã được thành lập đã tạo việc làm cho người dân địa phương. Gia đình cũng sản xuất rượu liên kết với hợp tác xã, đời sống mọi mặt đã có những thay đổi tích cực. Có việc làm gần nhà thuận tiện việc chăm sóc gia đình, con cái, thu nhập cũng từ 8 – 10 triệu đồng/tháng.

Để ngày càng nâng cao chất lượng, giữ vững uy tín và mở rộng thị trường Hợp tác xã rượu men lá Thanh Tâm đang đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng, trang thiết bị cho sản xuất.

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Kạn vừa ban hành Văn bản số 7087/UBND-VXNV ngày 23/10/2023 về việc chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó chấn chỉnh công tác quản lý việc sản xuất, kinh doanh rượu theo quy định của Chính phủ và Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 11/12/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Đây sẽ là cơ hội cho sản phẩm rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có thương hiệu của Hợp tác xã rượu men lá Thanh Tâm có thêm thị trường tiêu thụ.

Cùng với đó, gia đình anh Hựu, chị Tâm mở rộng quy mô chăn nuôi lợn, trâu bò… nhằm tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, cùng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Sự thành công trong khởi nghiệp của vợ chồng anh Hựu, chị Tâm là sự đồng lòng, ý chí, có quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, "Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn" là câu chuyện truyền cảm hứng khởi nghiệp cho nhiều gia đình trẻ, nông dân trên địa bàn học tập./.

Hà Nhung

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/vo-chong-nong-dan-dong-long-dua-san-pham-ruou-truyen-thong-xuat-khau-post57512.html