Vợ chồng ông chủ Trung Nguyên khiến Tòa 'chóng mặt'
Vừa đề nghị xử kín, bà Thảo lại bất ngờ đề nghị xử công khai, mong muốn cho báo chí đưa tin. Lúc này, ông Vũ lại có đơn đề nghị xử kín để bảo vệ các con và công việc kinh doanh.
Ngày 18/11, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên), theo đơn kháng cáo của cả bà Thảo, ông Vũ và kháng nghị của VKSND TP.HCM.
Trước đó, vào ngày 18/9, tòa phúc thẩm mở phiên xét xử, bà Thảo không đến. Sau phần thủ tục, HĐXX quyết định hoãn buổi làm việc theo yêu cầu của bà Thảo và luật sư, cũng như do vắng mặt nhiều người liên quan. Đồng thời, chủ tọa thông báo, bà Thảo có đơn đề nghị xin xử kín vì lý do không muốn làm ảnh hưởng tới các con cũng như việc kinh doanh của công ty.
Hơn 1 tháng sau, ngày 29/10, phiên tòa được mở lại nhưng bà Thảo tiếp tục không đến mà có đơn xin hoãn tòa.
Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo trình bày, do bị bệnh, bác sỹ chỉ định bà phải dành thời gian nghỉ ngơi để hồi phục một số chấn thương nên ngày 3/10, bà Thảo đã có đơn đề nghị Tòa không bố trí lịch xét xử phúc thẩm trong tháng 10, vì bà phải đi nước ngoài điều trị.
Mặc dù, chấp nhận tạm hoãn phiên tòa nhưng HĐXX thông báo vào phiên xét xử 18-20/11, đề nghị bà Thảo phải có mặt trong ngày xử tới, nếu không sẽ đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của bà Thảo.
Đến ngày 11/11, bà Thảo lại có đơn xin rút lại đơn đề nghị xét xử kín, mong muốn cho báo chí tới đưa tin về phiên tòa.
4 ngày sau, ngày 15/11, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ lại gửi đơn lên Tòa, đề nghị xử kín nhằm đảm bảo bí mật kinh doanh và không làm ảnh hưởng đến tâm lý các con.
Trước đó, tại phiên sơ thẩm hồi cuối tháng 3, TAND TP.HCM thuận tình ly hôn cho vợ chồng ông chủ Trung Nguyên.
Theo phán quyết của tòa, bà Thảo được nuôi dưỡng 4 con và ông Vũ cấp dưỡng cho 4 con mỗi năm 10 tỷ đồng, tính từ năm 2013 tới khi các con trưởng thành.
Tòa cũng phân chia tài sản theo tỉ lệ 6-4, tức ông Vũ được hưởng 60% và bà Thảo 40%. Về tiền, vàng có giá trị là hơn 1.765 tỷ, HĐXX nhận thấy trong trường hợp không có căn cứ chứng minh đang có tranh chấp là tài sản riêng nên coi là chung và tính đến công sức đóng góp của các bên. Tòa giao bà Thảo tiếp tục quản lý, số tiền chênh lệch được cấn trừ vào số cổ phần ông Vũ nhận lại từ bà Thảo.
Không đồng tình với bản án đã tuyên, bà Thảo có đơn kháng cáo vì cho rằng bản án vi phạm tố tụng đặc biệt nghiêm trọng. Theo bà Thảo, tại tòa, bà có quyết định rút đơn ly hôn, nhưng HĐXX vẫn cưỡng ép, đồng nghĩa với việc không cho gia đình bà đoàn tụ.
Ông Vũ cũng có đơn kháng cáo không đồng ý tỷ lệ chia tài sản như phán quyết của tòa và yêu cầu tòa phúc thẩm phân chia theo tỷ lệ ông được 70%, bà Thảo 30%.
VKSND TP.HCM cũng có kháng nghị, cho rằng bản án sơ thẩm tuyên không nhận định đầy đủ và vi phạm tố tụng khi giải quyết yêu cầu phản tố của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.