Vợ chồng trẻ mở trang trại thuần tự nhiên vì nặng lòng với môi trường
Trang trại JoHouse của chị Nguyễn Thị Hoàng Trúc và anh Lê Ngọc Quyền (xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) thật khác biệt. Bởi lẽ, trang trại được xây dựng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là một sự đóng góp cho môi trường, cho cuộc sống 'xanh' hơn.
Chị Nguyễn Thị Hoàng Trúc từng là một cô giáo mầm non còn anh Lê Ngọc Quyền là cử nhân Tài chính kế toán. Vì yêu những làn gió mát lành từ đất mẹ và những cử chỉ ân cần của con người "xứ Tiên" – Tiên Phước mà vợ chồng chị Trúc quyết định về quê hương lập nghiệp và bảo vệ môi trường của quê hương. Họ tự tách ra khỏi ngột ngạt của phố thị, theo đuổi nông nghiệp thuần tự nhiên, lối sống tối giản, gần gũi với thiên nhiên. Trang trại JoHouse đã được "khai sinh" từ đây.
Chị Hoàng Trúc tâm sự: "Nếu đặt nặng vấn đề kinh tế, tụi em đã không thể bắt đầu, đừng nói gì theo đuổi đến tận bây giờ. Có một niềm tin mà tụi em vẫn luôn tin, là khi cái mình làm ra thực sự sạch, thuần và tinh nhất, giá trị không chỉ nằm ở lợi nhuận mà còn là một sự đóng góp cho môi trường, cho sức khỏe và cho cuộc sống xanh hơn. Từ nhỏ mới góp thành lớn, mình sẽ là người nhỏ trong cái nhỏ đó, hi vọng sẽ càng có nhiều người chung tay nhen nhóm, làm kinh tế nhưng vẫn quan tâm bảo vệ môi trường".
Để bảo vệ môi trường đất ở quê hương, hai vợ chồng Hoàng Trúc không muốn đi theo lối mòn dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật... Ở JoHouse, mọi thứ được phát triển thuận theo tự nhiên, tạo ra những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đặc biệt là thân thiện, cải tạo được môi trường sống của con người.
Vợ chồng chị Trúc bắt tay xây dựng JoHouse bằng việc trồng cỏ phủ xung quanh nông trại. Khác với suy nghĩ của bà con nông dân là cỏ thường gây hại cho cây trồng, vợ chồng chị Trúc lý giải rằng: Cỏ có thể che phủ, hạn chế xói mòn, tạo sinh khối vững chắc để bảo vệ nền đất. Cỏ cũng giúp cải thiện lượng hữu cơ trong đất khi bị phân hủy tự nhiên, bên cạnh đó, còn là môi trường thuận lợi cho hệ sinh vật đất phát triển, tránh được sự tấn công của nấm bệnh... Cùng lúc, anh Quyền đào 4 ao nước, mỗi ao có diện tích gần 100m2, vừa thả nuôi cá diêu hồng, ốc bươu đen tạo sinh kế vừa là yếu tố quan trọng trong việc cân bằng độ ẩm của nông trại. Anh Quyền trồng thêm các cây hoa họ cúc để tạo "thuốc trừ sâu tự nhiên", kiểm soát rệp rừng, sâu bướm gây hại và các loại cây đậu để cung cấp đạm hữu cơ cho đất.
Vợ chồng anh Quyền và chị Trúc lặng lẽ giữa không gian của mình nơi góc núi. Không đường, không điện, xa dân cư, vô tình lại mở ra một khoảng không gian ước mơ của riêng họ. Hai vợ chồng chăm sóc, cải tạo 10 cây thanh trà đang độ trổ hoa, ươm giống và trồng thử nghiệm các loại cây khác như mít, bơ, bồ hòn, chuối, sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, măng tre, chanh giấy... Cơ cấu vườn JoHouse được dựng lên giống như một khu rừng tự nhiên với những cây cao che tán, cây ăn trái vừa cỡ, những cây bụi, gai leo và một lớp mọc sát mặt đất gồm cỏ dại, những cây thường xuân, thảo dược, rau...
Nguồn thu chủ yếu của nông trại dựa vào 10 gốc thanh trà đang rộ trái, gần 100 con vịt đang đẻ trứng hàng ngày, xuất bán được vài lứa cá diêu hồng và một ít rau sạch... Ngoài những sản phẩm tươi sống, JoHouse còn ghi tên mình với chế phẩm do chính tay Hoàng Trúc làm ra là mứt vỏ bưởi và mứt dẻo tép thanh trà. Số lượng tuy không nhiều nhưng điều Trúc và Quyền tâm đắc là mình đem đến những sản phẩm sạch, thuần tự nhiên nhất có thể. Đặc biệt, các sản phẩm nước gội đầu, rửa chén của hai vợ chồng cũng được chế tạo từ những sản phẩm từ thiên nhiên như chanh, bồ hòn, bồ kết...
Dẫu còn nhiều khó khăn vì những vụ mùa bị dịch bệnh, trái rụng hết hai phần ba nhưng họ vẫn cảm thấy vui. Họ có một ngọn núi, một con suối, những vạt nắng xiên qua tán cây và một bầu không khí trong lành, thứ xa xỉ với người phố thị. Họ sống một cuộc đời giản dị, thi thoảng mới đi xa để giao hàng cho khách, rồi lại về, có khu vườn. Họ tự hào vì đang góp phần giữ gìn môi trường cho quê hương.