Vợ cố NSƯT Thanh Hoàng đau đớn mỗi khi nhắc đến chồng
Từ khi NSƯT Thanh Hoàng - cha đẻ kịch bản 'Dạ cổ hoài lang' mất năm 2018, chị Phương Đào trải qua năm tháng chật vật vừa nuôi con vừa vượt qua nỗi đau sinh ly tử biệt.
Ngày 26/7/2018, NSƯT Thanh Hoàng qua đời sau thời gian điều trị ung thư, hưởng dương 55 tuổi, để lại vợ - chị Phương Đào và 2 con trai.
Căn phòng vẹn nguyên
Phóng viên VietNamNet đến thăm tổ ấm của Thanh Hoàng - Phương Đào trên mặt tiền đường Võ Thị Sáu, TP.HCM. Khoảng năm 1996, Thanh Hoàng thương vợ vất vả tìm mặt bằng mở tiệm nên dồn tiền mua ngôi nhà này.
Ngôi nhà ngang 3m, dài 14m, gồm 4 tầng. Chị lấy mặt bằng và một nửa lầu 1 mở tiệm. Ngôi nhà hiếm hoi có 2 cầu thang vì gia chủ quá cố khó tính, yêu cầu có lối đi lên riêng biệt.
Ngày trước, Thanh Hoàng làm việc ở lầu 4 để yên tĩnh sáng tác, các lầu còn lại là phòng ngủ của gia đình 4 thành viên và 1 người giúp việc gần 20 năm.
Chồng mất, 2 con du học, nhiều năm nay Phương Đào ở với giúp việc, các phòng hầu như bỏ trống, thỉnh thoảng là nơi học trò chị qua đêm. Lầu 4 thành phòng thờ.
Mở căn phòng ngày xưa của vợ chồng, Phương Đào nói mọi thứ, từ những chiếc áo vest, mũ beret, thắt lưng... của Thanh Hoàng đến cây piano, bình hoa, bức liễn Dạ cổ hoài lang được lau chùi mỗi ngày và giữ nguyên vị trí vốn dĩ.
Chị lần giở từng tập album ảnh chứa đầy kỷ niệm: thời vợ chồng còn son rỗi, kết hôn, sinh con, các sự kiện, đám tiệc, ảnh chụp cùng người quen, văn nghệ sĩ...
Thứ duy nhất Phương Đào không dám động vào là album được gửi từ công ty dịch vụ tang lễ. Lần đầu tiên sau 6 năm, chị dốc can đảm mở ra xem rồi thở phào nhẹ nhõm: "Hóa ra chỉ là hình các nghệ sĩ đến viếng anh".
Chiếc tủ chứa đầy quần áo của Thanh Hoàng đã cho từ thiện một phần trước Tết Nguyên đán và đóng sẵn một kiện to cho đợt thứ 2. Càng trân trọng kỷ niệm, chị càng hạ quyết tâm đem cho đi thay vì giữ mãi rồi nhìn chúng hỏng hóc theo thời gian.
Trong những bao tải lớn, phần lớn kịch bản, ghi chép, những bài báo cũ... được xếp gọn gàng. Ngoài Dạ cổ hoài lang nổi tiếng, Thanh Hoàng còn có Cha yêu, Trầu cau, Tiết nữ ngải, Nét chữ tình yêu, Khu phố 5 sao...
Số kịch bản còn lại được lưu trong máy tính cá nhân hoặc ở Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B. Một số của các tác giả khác với đề từ: "Kịch bản ế tặng anh Hoàng xem chơi".
Chàng nghệ sĩ và cô chủ tiệm tóc
25 tuổi, Phương Đào sống gần cầu chữ Y (Quận 5) mở 1 tiệm tóc nhỏ ở Nguyễn Hữu Cầu (Quận 1), mỗi ngày lái xe Dream đi làm đều ngang đường Võ Văn Tần.
Một ngày năm 1993, người họ hàng ngồi sau xe chỉ vào chiếc Yamaha chạy song song kêu lên: "Ê, nghệ sĩ kìa". Lần đầu thấy Thanh Hoàng ngoài đời, Phương Đào thấy phong độ hơn cả trên TV lại đúng gu: cao, gầy, có râu và trông chững chạc.
Đôi bên đối đáp một lúc, Phương Đào mời lơi: "Bữa nào tới tiệm em ở số 34 Nguyễn Hữu Cầu cắt tóc nghen". Không ngờ một hôm, Thanh Hoàng đến thật. Anh nói từng đến tìm chị không gặp nên về, đây là lần thứ 2. Cắt tóc xong, nghệ sĩ mời cô chủ tiệm đến Sân khấu 5B xem kịch.
Những ngày sau đó, họ thích nhau nhưng giữ trong lòng khiến mối quan hệ không rõ ràng. Lúc này, một chàng Việt Kiều xuất hiện, công khai theo đuổi Phương Đào. Thanh Hoàng tưởng chị có bạn trai nên không đến tiệm nữa. Bẵng đi một thời gian gặp lại, khi biết Phương Đào không có người yêu, anh mới tiếp tục theo đuổi.
Hai người trải qua thời gian vui vẻ bên nhau. Mỗi dịp lễ lạt, Thanh Hoàng lại đưa Phương Đào đến họp mặt Việt Anh, Thành Lộc... chơi cả ngày.
Dù vậy, mối quan hệ tình cảm vẫn không quá tiến triển. Một mặt, cha mẹ Phương Đào không muốn con gái tiến tới hôn nhân với Thanh Hoàng vì sợ nghệ sĩ bay bướm, không thủy chung.
'Tình địch' thứ 2 của Thanh Hoàng là một người đàn ông Hàn Quốc họ Kim. Người này giàu có, nghiêm túc muốn cưới Phương Đào và được lòng cha mẹ chị. Cùng lúc, Thanh Hoàng quay phim ở Côn Đảo.
Đêm đó, Phương Đào gọi kể việc mình được cầu hôn, Thanh Hoàng trầm ngâm rồi nói: "Đợi anh về". Do mưa bão không thể về TP.HCM ngay, anh bất lực bật khóc qua điện thoại. Hai người khóc hồi lâu, không nói câu gì.
Đến lúc này, Thanh Hoàng mới nhờ mẹ, chị và em gái thay mình đến nhà xin cưới Phương Đào. Sau 3 năm tìm hiểu nhau, họ đi đến hôn nhân. Phương Đào sinh con đầu lòng Tuấn Khương năm 1998, con thứ 2 Tuấn Khôi năm 2000.
Những ngày không quên
Sau khi kết hôn, thời gian đầu, Phương Đào chưa quen việc Thanh Hoàng dành phần lớn thời gian đi làm việc bên ngoài, ít khi ở nhà, lại có nhiều bóng hồng vây quanh nên hay buồn, tủi. Đôi lúc, chị trách chồng nhưng cũng biết trấn tĩnh bản thân, dần bỏ được suy nghĩ tiêu cực.
Ăn ở nhiều năm, chị xác nhận Thanh Hoàng là người cha, người chồng, người nghệ sĩ mẫu mực. Mặt mũi 'khó đăm đăm', ai lần đầu gặp cũng ngại tiếp xúc nhưng bên trong rất lành, dễ chịu.
Về phía Phương Đào, ngoài việc hay cằn nhằn anh hút thuốc, gần như không còn điểm nào vợ chồng không thuận. Chị kể lần nào gặp nghệ sĩ Trấn Thành cũng trêu: "Bà với ông Hoàng chắc không bao giờ cãi nhau hả? Bà nhỏ nhẹ, dễ thương, tinh tế vậy mà".
Hôn nhân hạnh phúc kéo dài 22 năm, đến lúc Thanh Hoàng qua đời. Lúc phát hiện, bệnh đã ở giai đoạn cuối, anh dặn vợ giấu con trai lớn đang học ở Mỹ nhưng người em vợ là bác sĩ đã cho cháu hay. Nhờ vậy, Tuấn Khương được ở bên chăm sóc cha nửa tháng cuối cùng.
Ngày lo hậu sự cho Thanh Hoàng, Phương Đào gần như không biết làm gì, may được NSND Mỹ Uyên và nhiều đồng nghiệp hỗ trợ. Chị ghi nhớ tỉ mỉ từng ơn huệ nhỏ nhất.
Ngày trước, Phương Đào sống vô tư, chỉ biết làm việc của mình. Chồng không còn, chị làm gì cũng ngơ ngác, đến việc đổi giấy phép kinh doanh tiệm mình phải chật vật mấy phen, mới hay hóa ra ngày xưa luôn có anh gánh vác.
Hễ nhắc đến giai đoạn đó, Phương Đào liền khóc giàn giụa khiến phóng viên phải bỏ phần lớn câu hỏi. Chị phân bua: "Hiện tại tôi nguôi ngoai phần nào, ít khóc hơn xưa nhiều. Hồi anh Hoàng mới mất, tôi đi làm không ai dám hỏi thăm 1 câu vì cứ hỏi là tôi khóc ướt đẫm áo".
Những ngày tiếp theo, chị ép mình quen với việc tự làm mọi thứ, vừa xoay xở nuôi 2 con du học vừa vượt qua nỗi đau sinh ly tử biệt. Có lúc, chị tưởng chừng gục ngã vì áp lực kinh tế lớn.
Mỗi ngày mở mắt dậy, Phương Đào đều tự hỏi làm sao kiếm đủ tiền cho con. Học phí của mỗi em thấp nhất vài chục nghìn USD/học kỳ, mỗi năm 2 lần. Chị được người thân giúp đỡ, không ít lần phải vay mượn.
Cứ thế, Phương Đào sống với lòng tin Trời không triệt đường ai. Mùa dịch Covid-19, chị phải đóng tiệm tóc nhưng vô tình làm món bì heo trộn thính bán rất chạy.
Năm tháng chật vật nhất qua đi, cuộc sống Phương Đào hiện đã ổn định, công việc phát triển tốt. Một người con đã tốt nghiệp, bắt đầu đi làm.
Dù không còn hiện thế, gia tài nghệ thuật của NSƯT Thanh Hoàng vẫn mang lại nguồn thu nhập cho vợ. Mỗi năm, Phương Đào nhận được vài triệu đến vài chục triệu đồng tiền bản quyền kịch bản, âm nhạc. Lần nào, chị cũng đặt phong bì đựng tiền tiền bản quyền lên bàn thờ, thắp nhang rồi mới xin phép sử dụng lo cho con.
Hằng năm, vào mùng 2 Tết, Phương Đào ra chùa Quảng Nghiêm (Biên Hòa, Đồng Nai) coi sóc hũ cốt của Thanh Hoàng.
Mỗi ngày chị thắp nhang 2 lần, mỗi lần 4 cây cho bàn thờ Phật, cha mẹ và chồng quá cố. Xong xuôi Phương Đào nán lại trước di ảnh anh vài phút trò chuyện, kể lại những vui buồn trong ngày như thói quen bao năm nay.