Võ Công Hậu mê hát tuồng

Võ Công Hậu (thứ 3 từ phải sang) và các thành viên CLB Nghệ thuật Tuồng 10/5 biểu diễn trích đoạn trong vở tuồng Ngũ Hổ Bình Tây. Ảnh: THIÊN LÝ

Sinh năm 1996, chàng trai trẻ Võ Công Hậu ở thôn Đồng Lãnh, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa được đánh giá là một nhân tố triển vọng trong nghệ thuật tuồng. Mỗi khi xuất hiện trên sân khấu, Công Hậu thực sự khiến khán giả phải ngỡ ngàng trước chất giọng đầy nội lực, phong cách biểu diễn tự tin, rất “nhà nghề”.

Tại Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc tỉnh Phú Yên năm 2019 vừa qua, Võ Công Hậu đã để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả khi hóa thân vào nhân vật Lưu Khánh trong trích đoạn thuộc vở tuồng Ngũ Hổ Bình Tây. Những động tác rất khó, khi thì chân trái bò ngửa ra, chân phải xếp vào mông; khi thì chân phải xếp vào mông, rồi chân phải bò ngửa ra, chân trái xếp vào mông; khi thì giăng hai tay, hai chân thì bê đầu... từ động tác lạy đến bay, Công Hậu đã thực hiện một cách nhuần nhuyễn. Ở tiết mục này, ngoài những lời ngợi khen về mặt diễn xuất và giọng hát, Công Hậu còn được ban giám khảo, khán giả ghi nhận ở sự nỗ lực của một diễn viên trẻ.

Con “nhà nòi”

Võ Công Hậu là con trai út của diễn viên tuồng có tiếng Thu Sen (tên đầy đủ là Đào Thị Thu Sen) của Câu lạc bộ (CLB) Nghệ thuật Tuồng 10/5 huyện Phú Hòa. Chính diễn viên Thu Sen là người phát hiện năng khiếu của cậu con trai út trong các đứa con của bà. Công Hậu lớn lên trong những câu chuyện kể, tích tuồng và những đêm hát làng, hát hội của mẹ. Những câu hát “ứ ự...” đã thấm vào máu thịt Hậu từ thuở còn thơ ấu.

Công Hậu kể, năm lớp 10, Công Hậu bắt đầu theo mẹ tham gia CLB Nghệ thuật Tuồng 10/5. Không chỉ được các bậc tiền bối tận tâm chỉ dạy mà Công Hậu còn được giao đảm nhận một số vai nhỏ. Đam mê nhưng sau đó Công Hậu phải tạm dừng tham gia CLB để tập trung cho việc học tập. Năm 2014, Công Hậu thi đậu vào Trường cao đẳng Điện lực Miền Trung (Quảng Nam). Theo học gần 3 năm, Công Hậu quyết định vào Nam lập nghiệp. Sống ở đất phương Nam - cái nôi của đờn ca tài tử, cải lương nhưng niềm đam mê tuồng vẫn canh cánh trong lòng nên đến cuối năm 2016, nhận thấy đã hội đủ điều kiện Công Hậu quyết định quay về theo đuổi môn nghệ thuật truyền thống này.

Diễn viên tuồng Thu Sen thổ lộ: “Tuồng là một loại hình nghệ thuật dân gian rất kén người hát, đòi hỏi phải có sự tôi luyện, cảm thụ âm nhạc sâu sắc. Người hát tuồng không chỉ phải hát theo tiết tấu, giai điệu mà còn phải biết múa. Được lớn lên trong môi trường diễn xướng là một lợi thế của Hậu, may mắn hơn nữa là Hậu lại được sự truyền dạy trực tiếp từ gia đình, nhưng tôi muốn Hậu tự quyết định, lựa chọn ngành nghề mà mình yêu thích nhất. Chỉ có như vậy, Hậu mới đủ sức dấn thân và cháy hết mình với con đường đã chọn”.

Trái ngọt đam mê

Công Hậu chia sẻ: “Ban đầu theo mẹ đi hát tuồng rồi hóa trang, em bị bạn bè gọi là thằng “ứ ự”. Nghe vậy em rất buồn, đôi lúc cũng chán nản, muốn bỏ hát. Nhưng niềm đam mê cứ thôi thúc em theo đuổi môn nghệ thuật này. Em nghĩ đó cũng là một cái duyên để em đến với nghệ thuật tuồng. Em mong muốn sau này có thể trở thành một truyền nhân kế thừa và phát huy vốn quý của quê hương, dân tộc và truyền thống của gia đình”.

Vượt qua rào cản của bản thân, Công Hậu đang tiếp tục nỗ lực bên cạnh sự hỗ trợ, động viên của gia đình và dần tạo dấu ấn riêng bằng khả năng biến hóa đa dạng qua từng vai diễn từ trẻ đến lão, từ phản diện đến chính diện. Lúc thì Công Hậu vào vai Lưu Khánh bộc trực, trung với chúa, thích uống rượu trong vở Ngũ Hổ Bình Tây, lúc lại hóa thân thành Châu Văn - một người con có hiếu trong trích đoạn Triệu Bình Minh cứu chúa, khi thủ vai phản diện Diệm Thiên Hùng trong trích đoạn Tam Anh Kiệt (hay còn gọi là Diệm Thiên Hùng sử bá đao)…

Người trẻ theo đuổi bộ môn nghệ thuật truyền thống không nhiều, để được đánh giá cao lại càng hiếm. Vì vậy, chúng tôi luôn tạo điều kiện cho Công Hậu cũng như những người trẻ tuổi khác có điều kiện phát huy tài năng của mình qua các hội diễn văn nghệ, nghệ thuật quần chúng trong và ngoài huyện.

Qua đó giúp các em phát triển năng khiếu, niềm đam mê, trở thành những người thực sự có trách nhiệm với nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Phú Hòa Nguyễn Thành Sơn

Mỗi nhân vật trong từng trích đoạn, Công Hậu đều thể hiện cảm xúc hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục (vui, giận, buồn, sợ, thương, ghét, ưa muốn) khác nhau, lúc thì hùng tráng khi hát theo thể: bạch, xướng...; lúc thì vui vẻ, sung sướng khi hát theo điệu: nam xuân, nói lối...; lúc thì đau buồn khi hát theo điệu: khách, nói lối...

Bằng sự nỗ lực và đam mê của mình, Công Hậu đã tham gia và đóng góp nhiều thành tích cho CLB Nghệ thuật Tuồng 10/5 và phong trào nghệ thuật quần chúng huyện Phú Hòa như: giải B tại Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc tỉnh Phú Yên năm 2016, HCV Hội diễn Sân khấu Tuồng không chuyên toàn quốc 2018 tại Bình Định, giải A tại Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc tỉnh Phú Yên năm 2019…

Ông Huỳnh Trọng Thống, Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Phú Hòa, Phó Chủ nhiệm CLB Nghệ thuật Tuồng 10/5, cho biết: “Công Hậu là thành viên trẻ nhất CLB, có tố chất về nghệ thuật tuồng, có bản lĩnh sân khấu rất tốt; đặc biệt, bộ điệu phát triển ngoài sự mong đợi của gia đình và CLB. Công Hậu biến hóa đa dạng và thành công với nhiều vai như: kép rằn, kép trung...

Đây là một diễn viên trẻ đầy triển vọng, hứa hẹn sẽ còn mang đến những điều mới mẻ cho khán giả trong thời gian tới. Tuy nhiên, con đường nghệ thuật phía trước của Công Hậu còn rất dài, rất cần sự định hướng đúng đắn của gia đình và bản thân để năng khiếu tuồng được tỏa sáng”.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/225803/vo-cong-hau-me-hat-tuong.html