Vờ đi thử để mua xe rồi chạy mất, lừa đảo hay cướp giật tài sản?
Qua mạng Internet, Nguyễn Đình S (SN 1990) biết được anh Trần Thế H đang có nhu cầu bán chiếc xe máy Honda SH với giá 60 triệu đồng nên nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc xe này. S gọi điện cho anh H vờ thỏa thuận giá cả và đề nghị được xem xe nhằm tìm cơ hội chiếm đoạt.
Nội dung vụ việc
Do tin tưởng S mua xe thật nên anh H hẹn gặp trực tiếp để trao đổi. S đi xe buýt đến điểm hẹn gặp anh H. Sau khi kiểm tra xe, S đề nghị được chạy thử với ý định sẽ lấy xe chạy đi luôn. Tuy nhiên, khi đi thử, anh H vẫn ngồi trên xe nên S không thực hiện được ý định. S tiếp tục đề nghị chở anh H đến ngân hàng rút tiền nhằm tìm cơ hội khác để chiếm đoạt. Trên đường đi, anh H bảo S ghé vào phòng công chứng để công chứng Giấy chứng minh nhân dân thì S đồng ý. Đến trước cửa phòng công chứng, S điều khiển xe lên vỉa hè thì xe bị trượt bánh do dốc vỉa hè cao. S bảo anh H đứng xuống đường để lái xe lên vỉa hè dễ dàng hơn. Sau đó, Nguyễn Đình S lập tức tăng ga phóng xe của anh H tẩu thoát.
Vấn đề cần đặt ra trong vụ việc này, hành vi của Nguyễn Đình S đã phạm tội gì?
Ý kiến bạn đọc
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo tôi, ngay từ ban đầu, ý thức của Nguyễn Đình S là mong muốn chiếm đoạt chiếc xe máy của anh Trần Thế H bằng thủ đoạn vờ giao dịch mua bán để tiếp cận xe nhằm tìm cơ hội chiếm đoạt. Mặc dù, S không thực hiện được hành vi như dự tính là chạy thử xe rồi chiếm đoạt luôn, nhưng S vẫn chưa từ bỏ ý định chiếm đoạt xe của anh Trần Thế H. Còn anh H hoàn toàn tin tưởng S có thành ý mua xe nên mới giao xe cho S điều khiển.
Khi anh H rời khỏi xe là đã giao xe hoàn toàn cho S, dù chỉ là để S dễ điều khiển xe lên vỉa hè. Nguyễn Đình S đã lợi dụng cơ hội này để chiếm đoạt xe như dự tính. Hành vi lúc chiếm đoạt xe của S là công khai, nhưng lại do anh H đã tin tưởng giao xe nên S mới thực hiện được. Như vậy, S đã có thủ đoạn gian dối làm cho anh H tin tưởng, giao xe cho S điều khiển và S đã chiếm đoạt chiếc xe này. Vì vậy, hành vi của Nguyễn Đình S theo tôi đã phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 - Bộ luật Hình sự 2015.
Lê Chí Công (Hà Trung - Thanh Hóa)
Công nhiên chiếm đoạt tài sản
Qua đọc nội dung vụ việc, tôi nhận thấy hành vi của S là đã công khai lợi dụng khó khăn của người khác trong việc quản lý tài sản để chiếm đoạt tài sản của người đó mà không dùng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực, hay bất kỳ thủ đoạn nào uy hiếp tinh thần người bị hại. Hành vi của Nguyễn Đình S theo tôi đã thỏa mãn dấu hiệu của tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 172 - Bộ luật Hình sự.
Bùi Đức Phương (Tứ Kỳ - Hải Dương)
Cướp giật tài sản
Theo tôi Nguyễn Đình S đã phạm tội Cướp giật tài sản theo Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015. Mặc dù ngay từ ban đầu S có ý thức và hành vi nhằm mục đích lừa đảo để lấy xe của anh H, nhưng do khi chạy thử xe, anh H vẫn ngồi phía sau nên S đã không thực hiện được hành vi chiếm đoạt như dự tính. Tôi cho rằng, tới thời điểm này, hành vi lừa đảo đã chấm dứt.
Việc ghé qua phòng công chứng và xe không lên được vỉa hè là nằm ngoài dự tính của S, tức đây không phải là hành vi gian dối của S lừa anh H để chiếm đoạt xe. Khi anh H rời khỏi xe, thì xe vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát của anh H. Khi đó, S đã thực hiện hành vi công khai là nhanh chóng chiếm đoạt chiếc xe của anh H và tẩu thoát. Do đó, hành vi của Nguyễn Đình S đã thỏa mãn dấu hiệu của tội Cướp giật tài sản.
Trần Thu Uyên (Ý Yên - Nam Định)
Bình luận của luật sư
Căn cứ vào nội dung vụ việc, chúng tôi cho rằng hành vi của Nguyễn Đình S không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi lẽ, cũng giống như các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt khác, hành vi chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu không thể thiếu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đó là hành vi cố ý dịch chuyển một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành tài sản của mình.
Trong tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Cụ thể là người phạm tội đã đưa ra những thông tin không đúng sự thật làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản do nhầm tưởng mà tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu về tài sản hoặc chuyển giao quyền quản lý tài sản cho người phạm tội. Như vậy, thủ đoạn gian dối trong tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm 2 dấu hiệu:
Thứ nhất, người phạm tội đã có hành vi gian dối như bằng lời nói, hành động hoặc những thủ đoạn khác nhằm cung cấp những thông tin sai lệch về sự việc (nói dối, trái sự thật, nói không thành có, nói ít thành nhiều, tẩy xóa con số để được nhiều hơn).
Thứ hai, chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đã nhầm tưởng, tin vào các thông tin không đúng sự thật đó nên đã tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền quản lý tài sản cho người phạm tội. Thỏa mãn 2 yếu tố này mới cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đặc biệt trong tội lừa đảo, sau khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản một khoảng thời gian nhất định, người quản lý tài sản mới phát hiện được là mình bị lừa đảo, người bị lừa đảo tự mình chuyển giao quyền quản lý tài sản hoặc chuyển giao quyền sở hữu về tài sản cho người thực hiện hành vi lừa đảo sau khi bị người phạm tội thực hiện hành vi gian dối. Trong vụ việc này, mặc dù trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản là chiếc xe máy của anh H, Nguyễn Đình S đã có các hành vi gian dối như đề nghị được chạy xe thử với ý định khi anh H cho chạy thử xe một mình thì sẽ lấy xe chạy đi luôn.
Nhưng đây chỉ là những thủ đoạn mà S dùng để dễ tiếp cận tài sản và tạo ra sự thuận lợi để dễ thực hiện hành vi chiếm đoạt. Tuy nhiên, sau đó S lại thực hiện hành vi chiếm đoạt chiếc xe máy của anh H một cách hoàn toàn công khai. Do đó, hành vi của S không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo chúng tôi hành vi của S cũng không phạm tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản. Hành vi Công nhiên chiếm đoạt tài sản gồm có các đặc điểm sau:
Thứ nhất, hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội thực hiện khi chủ quản lý tài sản, hoặc chủ sở hữu về tài sản do hoàn cảnh khách quan mà không thể bảo vệ được tài sản của mình, hoặc không ngăn cản được hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.
Thứ hai, người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản một cách công khai.
Thứ ba, sau khi chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội có thể có thêm hành vi nhanh chóng tẩu thoát. Mặc dù hành vi này không bắt buộc phải có nhưng có thể xảy ra.
Đối chiếu với vụ án này có thể thấy, trường hợp của S không thỏa mãn yếu tố thứ nhất là hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội thực hiện khi chủ quản lý tài sản hoặc chủ sở hữu về tài sản do hoàn cảnh khách quan mà không thể bảo vệ được tài sản của mình, hoặc không ngăn cản được hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội. Anh H không thể ngăn cản được hành vi chiếm đoạt chiếc xe máy của S là do S lợi dụng điều kiện chiếc xe bị trượt bánh khi lên vỉa hè (lúc đó chiếc xe vẫn đang trong tầm kiểm soát của anh H) chứ không phải do hoàn cảnh khách quan đem lại. Vì vậy, hành vi của S không thỏa mãn cấu thành của tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 172 - Bộ luật Hình sự.
Căn cứ vào nội dung vụ việc, có cơ sở để khẳng định Nguyễn Đình S đã phạm tội Cướp giật tài sản quy định tại Điều 171 - Bộ luật Hình sự. Thông thường tội Cướp giật tài sản thường biểu hiện qua các hành vi khách quan như giật lấy, giằng lấy tài sản đang trong sự quản lý của người khác rồi nhanh chóng tẩu thoát. Để mong muốn chiếm đoạt được tài sản của người khác, người phạm tội có sự chuẩn bị phạm tội cũng như thực hiện một loạt các thủ đoạn xảo quyệt khác để đạt được mục đích đó, như tìm cách tiếp cận người quản lý tài sản, tiếp cận tài sản, tạo ra sự sơ hở đối với người quản lý tài sản để dễ chiếm đoạt tài sản đó... Tội cướp giật thể hiện dưới 2 hình thức chính là: hành vi chiếm đoạt công khai và hành vi nhanh chóng tẩu thoát.
Trong vụ án này, tại ngay trong thời điểm S thực hiện việc chiếm đoạt tài sản, anh H đã nhận biết được việc chiếm đoạt đó. Trước đó S đã có hành vi lừa dối để dễ tiếp cận chiếc xe, tạo ra sự sơ hở giữa anh H và chiếc xe máy. Ở đây, anh H hoàn toàn không chuyển giao quyền sở hữu chiếc xe cho S, cũng không chuyển giao quyền quản lý chiếc xe cho S ngoài sự kiểm soát của mình, mà chỉ giao cho S điều khiển xe tạm thời khi có anh bên cạnh. Trong tình huống nêu trên, S đã lợi dụng sự sơ hở của anh H để công khai, nhanh chóng lấy tài sản rồi tẩu thoát. Do đó, theo chúng tôi, có đủ cơ sở để khẳng định hành vi của Nguyễn Đình S phạm vào tội Cướp giật tài sản theo Điều 171 - Bộ luật Hình sự 2015.
Luật sư Phạm Thái Sơn (Văn phòng luật sư Sơn Phạm)