Võ đường giữa trùng khơi…

Ở Song Tử Tây ngoài tiếng tiếng sóng vỗ rì rào, tiếng gió lao xao trên tán cây bàng vuông cổ thụ, còn vang vọng cả nhịp hô một hai, của một võ đường đặc biệt. Đó là võ đường của những công dân nhí trên đảo.

Xã đảo Song Tử Tây nằm ở phía bắc quần đảo Trường Sa, với diện tích rộng hơn 10 ha và thuộc huyện Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa. Giữa mênh mông sóng biển, hòn đảo nổi lên như một khu rừng thu nhỏ với đủ loại cây đặc trưng như phong ba, bão táp, keo lá tràm, nhầu, phi lao, bàng vuông, tra biển… Không chỉ có thế, đảo còn là nơi sinh sống của hàng đàn gia súc, gia cầm được đưa ra từ đất liền.

Nhưng điều đặc biệt hơn cả là mỗi buổi chiều hoàng hôn ở Song Tử Tây, lại ríu rít tiếng cười nói của những võ sinh nhí theo thầy giáo ra sân tập luyện. 8 công dân tí hon, đứa nhỏ chưa đầy 5 tuổi, đứa lơn vừa mới lên 10. Cả lớp diện những bộ võ phục cổ truyền, hiên ngang đứng trên kè chắn sóng, miệng líu lo nhịp hô một hai, luôn để lại những xúc động khó tả đối với mỗi vị khách từ đất liền ra thăm đảo.

 Thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc cùng các em học sinh của mình

Thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc cùng các em học sinh của mình

Phụ trách lớp học đặc biệt ấy là thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc (sinh năm 1993) quê ở Khánh Sơn, Khánh Hòa. Đã qua những ngày đầu say sóng say gió, giờ đây thầy giáo 9x đã quen với nếp sống nhà binh, tác phong người lính.

Những lúc rảnh rỗi, anh thích nhất là bày trò chơi cho học trò, dạy chúng tập viết trên nền cát, tập đếm bằng vỏ sò và hát những bài ca về biển đảo. “Ở đây, xa cách với công nghệ, đôi khi lại hay. Các cháu rất tập trung vào học tập, vui chơi lành mạnh” – Thầy Ngọc chia sẻ.

Không chỉ đứng lớp dạy các em nhỏ cách đánh vần từng con chữ, tận dụng lợi thế từng là HLV Võ thuật cổ truyền ở Trung tâm đào tạo tài năng trẻ Hà Nội, thầy Ngọc là người đầu tiên mang tinh thần thượng võ của dân tộc ra giảng dạy miễn phí cho các em nhỏ trên đảo Song Tử Tây.

 Buổi chiều của các em học sinh bên chùa Song Tử Tây

Buổi chiều của các em học sinh bên chùa Song Tử Tây

Trong mỗi một buổi tập, mỗi một bài học người giáo viên trẻ ấy luôn coi đó là cách để các em nhỏ rèn luyện sức khỏe. Lớp học này còn đặc biệt ở chỗ chưa một thành viên nào chịu vắng mặt bao giờ! Đây như là những buổi sinh hoạt ngoại khóa và sâu xa hơn là cách mà người thầy giáo trẻ muốn dạy cho các thế hệ tương lai của Song Tử Tây về tinh thần dân tộc, ý thức gìn giữ quê hương của cha ông.

Sân tập võ của thầy và trò trên đảo khi thì ở trước cửa chùa Song Tử Tây, lúc lại bên bờ kè chắn sóng… Nhiều hôm, các cháu còn đi theo bộ đội tới tập võ tại chân cột mốc chủ quyền.

 Các 'cô cậu' học sinh chưa một lần chịu vắng mặt trong những buổi tập

Các 'cô cậu' học sinh chưa một lần chịu vắng mặt trong những buổi tập

Với những người thầy giáo trẻ như Nguyễn Bá Ngọc, việc được gieo chữ ở nơi đầu sóng ngọn gió, được truyền lại tinh thần dân tộc cho các em nhỏ qua mỗi bài quyền là niềm vinh dự, cũng chính là nhiệm vụ thiêng liêng bản thân khao khát từ khi còn đứng trên bục giảng ở đất liền. Nhìn từng gương mặt trẻ thơ rạng ngời, coi trường lớp như mái ấm đủ hiểu các thầy giáo nơi đảo xa đã dạy dỗ học trò bằng tình yêu thương và trách nhiệm đậm sâu, thiết thực đến nhường nào!

Giữa biển đảo bao la, hình ảnh những em nhỏ ríu rít lên lớp và tập luyện khiến nhiều đoàn khách thăm đảo vô cùng xúc động. Đó là sự nối tiếp trong niềm tự hào dân tộc, cùng nhau vun đắp ý chí vượt qua khó khăn, chung tay xây dựng biển đảo quê hương giữa muôn trùng sóng gió.

Vũ Mừng

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/vo-duong-giua-trung-khoi-4051257-v.html