Vỡ gạch tại Tượng đài Mẹ VN anh hùng: 'Bảo đảm', 'rất yên tâm' (!)

Những vị trí có gạch bị vỡ, bong tróc tại công trình tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam đã được sửa xong trong ngày 1-4

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, sáng 1-4, trước khu vực hồ nước gắn kết với khối tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng có nhiều công nhân đang làm vệ sinh nền gạch. Tại 2 vị trí bị bong tróc trước đó, đơn vị thi công đã khắc phục xong vào chiều 31-3 và có chừa “khe nhiệt” co giãn rộng gần 1 cm. Tuy nhiên, tại một vài điểm khác trong hồ nước vẫn còn những viên gạch bị vỡ, hỏng.

Sở Xây dựng: Gạch men không ảnh hưởng tượng đài

Đang kiểm tra tại hiện trường, ông Nguyễn Phú, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, khẳng định những viên gạch hỏng cần phải thay vì không bảo đảm. Nếu đơn vị thi công không thay thì chắc chắn khi nghiệm thu sẽ không đạt yêu cầu. Ông Phú nhìn nhận sự cố gạch bong tróc cũng là chuyện thường xảy ra trong quá trình thi công. Riêng hệ thống khung bê-tông cốt thép của tượng đài, thanh tra sở đã kiểm tra trước khi lắp đá nên rất yên tâm. Hơn nữa, khung tượng đài và các hạng mục sân vườn có hệ thống nền riêng, việc gạch bị bong tróc ở trước nền không ảnh hưởng đến chất lượng của khối tượng đài.

Đơn vị thi công đã lát gạch trở lại và có chừa khe nhiệt co giãn

Đơn vị thi công đã lát gạch trở lại và có chừa khe nhiệt co giãn

“Việc lát gạch men trước chân tượng đài thay vì dùng đá granit không ảnh hưởng đến chất lượng công trình vì đây là hồ nước, gạch men bảo đảm việc không thấm nước. Theo hồ sơ thiết kế loại gì thì nhập về loại đó; chủ đầu tư, đơn vị giám sát kiểm soát trước, sau đó chuyển giao cho nhà thầu lắp” - ông Phú nói thêm.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Như Công, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam (BQLDA), cho biết hồ nước trước tượng đài được thiết kế hình bán nguyệt, rộng khoảng 1.060 m2, lát gạch ceramic trên lớp bê-tông cốt thép dày 30 cm với 4 lưới thép D12. Do diện tích hồ lớn nên phải bố trí 2 khe co giãn và được chống thấm bằng các vật liệu hiện đại. Thời gian qua, do bị khô nước trong thời gian dài, dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời nên một số viên gạch giãn nở dọc khe co giãn bị phồng lên, kết hợp với việc lắp đặt các trang thiết bị lễ đài vào hôm khánh thành tượng đài vừa qua đã gây vỡ khoảng 30 viên gạch ở đáy hồ. BQLDA đã sửa chữa xong và làm vệ sinh, ngày 2-4 sẽ bơm nước vào hồ.

Ông Công cho biết thêm hiện vẫn còn một số thiết bị đèn đá, cây xanh, thảm cỏ bị hư hỏng sau buổi lễ vừa qua, BQLDA cũng đang khắc phục để bàn giao cho đơn vị quản lý vận hành trước ngày 27-7.

Khâu nào cũng chặt chẽ (!)

Về việc thi công khối tượng chính, theo ông Nguyễn Như Công, móng khối tượng chính được làm với 866 cọc có tiết diện 25x25 cm, đóng sâu vào đất từ 16-18 m. Bệ móng bằng bê-tông cốt thép có diện tích 1.378 m2, dày 1,3 m với 1.791 m3 bê-tông. Do đây là kết cấu bê-tông khối lớn nên khâu bảo dưỡng được triển khai chặt chẽ và đúng quy trình, đạt chất lượng cao.

Móng tượng này đỡ khối tượng chính có chiều dài theo đường thẳng là 86,5 m, chiều dài cung 120 m; chiều cao lớn nhất 18 m; chiều dày khối tượng lớn nhất là 21,6 m. Về kết cấu: móng, khung, sườn bê-tông cốt thép; bên ngoài ốp đá granite với tổng khối lượng trên 3.000 m3 (tương đương 9.000 tấn). Vì hạng mục khung tượng có kết cấu phức tạp nên BQLDA đã đề nghị Viện Khoa học và Công nghệ - Bộ Xây dựng thẩm tra kết cấu và được giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình thi công. Khâu lắp đá cũng được thực hiện nghiêm ngặt dưới sự giám sát của kỹ sư tư vấn giám sát và cán bộ kỹ thuật của nhà thầu, nhờ đó khối tượng chính được Hội đồng Nghệ thuật trung ương đánh giá rất cao về mỹ thuật và chất lượng.

Đừng nói “vì khách đông nên gạch vỡ”

TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng đối với những công trình có quy mô tương đối lớn, có ảnh hưởng sâu rộng như tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng thì phải coi trọng việc lấy ý kiến các chuyên gia cũng như xã hội. “Ở những công trình này, việc đóng góp ý kiến từ các chuyên gia ngành xây dựng rất quan trọng để tránh xảy ra các sự cố, sai sót. Nếu chưa tham vấn kỹ càng thì địa phương cần xem xét lại bởi việc tính toán đến sức chịu lực của nền quảng trường cũng như toàn bộ công trình cần được xem xét kỹ càng” - ông Liêm nêu ý kiến.

Một chuyên gia khác trong ngành xây dựng cho rằng lý do đưa ra là do khách đến đông dẫn đến hiện tượng nền gạch bị vỡ là không thỏa đáng. “Việc thực hiện một công trình lớn không thể nói là không lường trước được lượng khách đến tham quan sẽ đông. Như vậy, vấn đề ở đây là cần xem xét việc tính toán kỹ thuật chưa chuẩn hay việc lựa chọn nguyên vật liệu có vấn đề” - vị này nói.

Th.Dương

Bài và ảnh: Quang Vinh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/vo-gach-tai-tuong-dai-me-vn-anh-hung-bao-dam-rat-yen-tam--20150401223023175.htm