Vở kịch múa xuất sắc về khí phách người cộng sản

Tổng đội Văn công, rồi Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) là đoàn văn công đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, thành lập ngày 15-3-1951. Từ thực tế cuộc sống và chiến đấu của quân dân ta, cùng với sự tìm tòi, sáng tạo của người nghệ sĩ-chiến sĩ, đoàn đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị văn hóa nghệ thuật cao, nhận được sự mến mộ, ngợi khen của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Chỉ mấy năm sau tiếp quản Thủ đô, đoàn đã có tác phẩm để đời là vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”. Tôi đã được Đại tá, họa sĩ Văn Đa, sinh thời công tác ở Phòng Văn hóa văn nghệ (Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị)-người thiết kế mỹ thuật của vở kịch cho biết: Vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” được trình diễn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (năm 1960) trong 3 đêm liên tục tại Nhà hát Lớn Hà Nội, được các đại biểu và nhân dân Thủ đô hoan nghênh, cổ vũ nhiệt liệt. Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Xô viết Nghệ Tĩnh và mừng sự kiện Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh ra đời tại “thành phố đỏ” anh hùng, vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” được biểu diễn phục vụ hàng vạn quần chúng tại Nghệ Tĩnh, đặc biệt là phục vụ quân và dân vùng "đất lửa" Vĩnh Linh, Quảng Trị suốt 7 đêm.

Cảnh trong vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”.Ảnh tư liệu.

Cảnh trong vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”.Ảnh tư liệu.

Vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” có đề tài cách mạng, mô tả phong trào đấu tranh của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong những năm 1930-1931, chống lại thực dân Pháp và phong kiến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mới ra đời, nhân dân hai tỉnh đã đoàn kết đứng lên phất cờ khởi nghĩa và giành được chính quyền (xã bộ nông). Đây là chính quyền Xô viết đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhưng đế quốc, phong kiến đã tập trung lực lượng đàn áp, khủng bố trắng. Vào một đêm ảm đạm bên bờ sông Lam, các chiến sĩ Xô viết hiên ngang bước ra pháp trường. Họ bị xử bắn, nhưng tinh thần của các chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam. Để tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh như ngọn lửa thiêng, có sức lan tỏa vào đời sống nhân dân trong cả nước, Tổng cục Chính trị đã mời GS, NSND Kim Tế Hoàng của Triều Tiên sang giúp đỡ dàn dựng và cho ra mắt vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”. Đây là vở kịch múa lớn đầu tiên ở nước ta, kết hợp hài hòa nghệ thuật múa Việt Nam và thế giới.

Cuối năm 1961, đầu năm 1962, Tổng cục Chính trị đã cử biên đạo múa Trọng Lanh làm tổng đạo diễn, cùng một số biên đạo múa của đoàn nghiên cứu, chỉnh lý lại kịch múa nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng nghệ thuật của vở diễn. Tại Hội diễn văn nghệ toàn quốc lần thứ hai, kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” được tặng 6 huy chương vàng cho các hạng mục: Kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, ánh sáng, phục trang và vai chính là nữ diễn viên Thanh Nga.

Với tầm nhìn của một nhà văn hóa kiệt xuất, thấy trước giá trị của tác phẩm, Bác Hồ đã chỉ thị cần phải lưu giữ vở kịch để phát huy tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau, bằng cách dựng lại để quay thành phim. Nhưng ngày ấy, nước ta chưa có điều kiện để xây dựng thành phim, vì vậy ta đã đề nghị Xưởng phim Bát Nhất (Trung Quốc) giúp đỡ. Mùa hè năm 1964, Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị sang Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ. Đoàn đang lưu diễn ở Quảng Châu thì nhận được thư Bác. Trong thư, Bác khen ngợi và khuyên cán bộ, chiến sĩ trong đoàn: "Đoàn kết nội bộ, đoàn kết với anh em chuyên gia nước bạn; Giữ gìn tốt kỷ luật; Cố gắng biểu diễn tốt; Cố gắng học hỏi; Thẳng thắn tự phê bình để không ngừng tiến bộ; Giữ gìn sức khỏe"... Và cuối cùng, Bác chúc đoàn có chuyến lưu diễn thành công.

Để xứng đáng với niềm tin của Đảng, của Bác, anh chị em trong đoàn hăng say lao động nghệ thuật không kể sớm khuya, giá rét, cực nhọc và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chỉ sau ít ngày về nước, dịp 22-12-1964, đoàn đã vào báo cáo với Bác. Ngay hôm đó, Bác và cán bộ, diễn viên của đoàn cùng xem phim “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”. Bác rất vui và khen ngợi cán bộ, nghệ sĩ-chiến sĩ của đoàn.

Phim “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh" hiện vẫn được lưu giữ tại Điện ảnh Quân đội nhân dân, còn bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh được lưu giữ tại phòng truyền thống của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Bức thư và những thước phim quý là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Năm 2000, vở kịch “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Nhà văn NGÔ VĨNH BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/vo-kich-mua-xuat-sac-ve-khi-phach-nguoi-cong-san-650797