Vở kịch thơ 'Người đi dép cao su' lần đầu được dàn dựng tại Việt Nam
Tập kịch thơ đồ sộ 'Người đi dép cao su' của nhà thơ Algeria – ông Kateb Yacine lần đầu tiên được dàn dựng tại Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Algeria.
Nhà thơ Kateb Yacine (1929 – 1989) sống nhiều năm ở Pháp. Ông là người sáng tác thơ, viết tiểu thuyết và kịch. Năm 1967, nhà thơ Kateb Yacine đến Việt Nam. Những điều tai nghe mắt thấy về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt trên đất nước Việt Nam đã thôi thúc ông tìm hiểu lịch sử, con người Việt Nam, đặc biệt là Bác Hồ. Tình yêu, sự kính trọng đối với dân tộc Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng sáng tạo để ông viết kịch thơ “Người đi dép cao su”.
Tập kịch thơ “Người đi dép cao su” gồm 8 hồi, với trên 100 nhân vật có lời thoại. Nội dung vở kịch trải dài theo trật tự thời gian của tiến trình lịch sử đất nước Việt Nam, từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, trải qua các cuộc đấu tranh gìn giữ đất nước qua các thời kỳ cho đến ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Đan kết vào trục chính ấy là các hành động kịch diễn ra các nước như Pháp, Mỹ, Trung Hoa... và nhiều nước khác trên thế giới. Tác phẩm này đã được dàn dựng thành công trên nhiều sân khấu thế giới trong những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ 20 nhưng chưa từng được dàn dựng và công diễn ở Việt Nam.
Với sự hỗ trợ của và kết nối từ Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại sứ Algeria tại Việt Nam, ngày 15/2, Nhà hát Kịch Việt Nam đã khởi dựng vở kịch “Người đi dép cao su”.
Về tác phẩm này, TS.NGƯT Lê Mạnh Hùng – biên tập và đạo diễn vở “Người đi dép cao su” cho biết, đây là công trình lớn và là vở kịch rất khó với sân khấu Việt Nam hiện nay. Vở kịch dài hơn 300 trang với 1.800 lời đối thoại, hơn 100 nhân vật có tên và rất nhiều nhân vật khác không có tên. Kịch có vấn đề lịch sử nhưng không phải kịch lịch sử vì ở đây không nói về sự kiện lịch sử nào cụ thể. Kịch có vấn đề chính trị nhưng không phải là một vở kịch chính luận. Trong kịch có nhiều nhân vật là lãnh đạo các nước, trong đó có cả lãnh đạo các nước đế quốc, thống trị và có cả những lãnh tụ của các dân tộc bị áp bức. Nhưng tất cả chỉ mang tính biểu tượng…
Bản nguyên tác “Người đi dép cao su” có 1.800 lời thoại đã được TS. NGƯT Lê Mạnh Hùng biên tập lại ngắn gọn và súc tích, với mong muốn “khắc họa một phần nhỏ không gian lịch sử dân tộc với những chặng đường đấu tranh giành độc lập dưới góc nhìn của một nhà văn người nước ngoài”. Vở kịch biên tập vẫn giữ nguyên được không gian kịch đồ sộ, nhân vật chính là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được xây dựng khéo léo, để mọi người cảm nhận như một nội dung xuyên suốt vở kịch chứ không phải nhân vật xuất hiện thường trực trên sân khấu.
Theo Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - NSƯT Xuân Bắc, tác phẩm “Người đi dép cao su” không đơn thuần chỉ là một tác phẩm kịch thơ ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà giống như một một bản trường ca, khắc họa một cách sống động về đất nước và con người Việt Nam qua nhiều thời kỳ lịch sử, đồng thời ngợi ca tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng để bảo vệ và giữ vững nền độc lập của lớp lớp thế hệ người Việt Nam…
Về ê kíp sáng tạo, ngoài TS.NGƯT Lê Mạnh Hùng, tác phẩm có sự tham gia của rất nhiều nghệ sĩ uy tín khác như: NSƯT Bùi Phương Nga – trợ lý đạo diễn; NSND Kiều Lê – biên đạo múa, NSƯT Doãn Bằng – họa sĩ; NSƯT Hoàng Lâm Tùng – chọn nhạc; NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam – chỉ đạo nghệ thuật… Thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu dịp này có 2 nghệ sĩ: Lê Quang Đạo – vai Nguyễn Ái Quốc; Nguyễn Minh Hải – vai Chủ tịch Hồ Chí Minh.