Vở kịch vĩ đại của Triều Tiên và ông Kim Jong-un 'thắng tuyệt đối'
Theo AP, trong một thế giới đan xen những răn đe quân sự, cuộc chơi này mang về chiến thắng tuyệt đối cho ông Kim Jong-un.
Sau tất cả những đe dọa ồn ào vừa qua, nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không thực sự phóng tên lửa tấn công đảo Guam thì cũng chẳng tổn hại gì tới hình ảnh của quốc gia cô lập nhất thế giới này.
Thế nhưng, từ góc độ của Triều Tiên và trong mắt của nhiều chuyên gia quân sự Mỹ, nhà lãnh đạo họ Kim và các tướng lĩnh của ông đã thắng vòng đấu này, theo hãng thông tấn AP.
Hãng thông tấn của Mỹ cho rằng dù phóng tên lửa hay không thì Bình Nhưỡng đã tạo ra vở kịch vĩ đại và cảm giác bất an, khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump giận dữ và báo động các đồng minh của Mỹ tại Tokyo và Seoul. Điều này cũng có thể tạo ra một tiền lệ cho chính sách "bên miệng hố chiến tranh" hung hăng hơn phía trước.
Không có gì ngạc nhiên khi trong ngày 15-8, truyền thông Triều Tiên công bố các bức ảnh cho thấy nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên và các quan chức quân đội nước này kiểm tra kế hoạch phóng tên lửa, với điểm nhấn là các bức ảnh về lộ trình bay của tên lửa và hình ảnh vệ tinh lớn của căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, song lại có những biểu hiện khác. Chính hãng thông tấn của Triều Tiên khẳng định rằng ông Kim Jong-un muốn theo dõi thêm trước khi ra quyết định.
Theo giới chuyên gia, ngay từ đầu Bình Nhưỡng đã tính toán một lối thoát lớn cho chính mình. Nước này chưa bao giờ tuyên bố sẽ tấn công trực diện vào đảo Guam. Thêm vào đó, Bình Nhưỡng chưa từng tuyên bố thời điểm phóng chi tiết.
"Chính quyền (Triều Tiên) đang sáng tạo ra mối đe dọa theo cách cho phép nhà lãnh đạo họ Kim rút lui mà không mất mặt" - chuyên gia chiến lược hạt nhân Adam Mount, tại Trung Tâm Tiến bộ Mỹ nhận định. Cũng theo lời ông, mối đe dọa vào Guam của Triều Tiên tinh vi và lợi hại hơn bất kỳ lời cảnh báo mơ hồ nào mà tổng thống Mỹ đưa ra hồi tuần trước.
Tất nhiên, Bình Nhưỡng cũng có thể đang nuôi những ý đồ khác. Họ có thể muốn phóng thử tên lửa theo một góc độ gần sát với "đường đi thật" của một cuộc tấn công thực tế, khác với quỹ đạo đã bị họ điều chỉnh trong các cuộc thử nghiệm trước đây để tránh bay qua các nước láng giềng.
Nếu bị thúc ép hơn nữa, hoặc để đáp trả các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn sẽ bắt đầu vào tuần tới, Triều Tiên cũng có thể muốn tận dụng vụ phóng để cho cả thế giới thấy rằng nước này có thể làm gì và mọi chuyện có thể đi xa tới đâu.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quan sát cho rằng ông Kim không việc gì phải vội.
"Có vẻ như họ vẽ ra kịch bản này, có lẽ muốn ông Donald Trump thua thiệt nhiều lợi ích" – chuyên gia về kiểm soát vũ khí Jeffrey Lewis tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, California nhận định.
"Đó không chỉ không phải một lời đe dọa trống rỗng, mà còn mang lại lợi ích khá cao. Tôi cho rằng Triều Tiên sẽ bỏ qua kế hoạch tấn công nếu cuộc khẩu chiến xuống thang" - vị chuyên gia cho biết thêm.
Bình Nhưỡng nói rằng quyết định của ông Kim tùy thuộc vào việc Mỹ triển khai máy bay ném bom chiến lược B-1B từ đảo Guam tới không phận bán đảo Triều Tiên.
Nếu Washington ngừng triển khai các máy bay này thì ông Kim có thể tuyên bố chiến thắng. Còn nếu những chiếc B-1B vẫn được triển khai trên bầu trời bán đảo Triều Tiên thì Bình Nhưỡng sẽ có cớ để phóng tên lửa.
Hoặc nước này có thể tỏ ra "cao thượng" không thực hiện động thái cứng rắn này, trong khi vẫn bảo lưu quyền tiến hành cuộc tấn công tên lửa sau này.
Theo AP, trong một thế giới đan xen những răn đe quân sự, cuộc chơi này mang về chiến thắng tuyệt đối cho ông Kim Jong-un.