Vô lương thế là cùng
Những sản phẩm phòng dịch từ khẩu trang đến găng tay y tế đều đã bị làm giả. Nhiều kẻ chỉ vì cái lợi trước mắt đã không quan tâm đến sức khỏe, tính mạng của người dân, nhất là đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.
Quản lý thị trường phối hợp với công an vừa phát hiện, thu giữ 2,1 triệu găng tay thành phẩm (đã đóng gói) được sản xuất từ găng tay y tế đã qua sử dụng, cùng gần 2,5 tấn găng tay y tế đã qua sử dụng chưa kịp tái chế, trong một kho hàng tại tỉnh Bình Dương. Vậy là những sản phẩm phòng dịch từ khẩu trang đến găng tay y tế đều đã bị làm giả. Nhiều kẻ chỉ vì cái lợi trước mắt đã không quan tâm đến sức khỏe, tính mạng của người dân, nhất là đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.
Thử hình dung, hơn 2 triệu găng tay y tế được sản xuất từ sản phẩm đã qua sử dụng, nếu đến tay các y bác sĩ dùng để khám chữa bệnh cho người dân thì hậu quả sẽ như thế nào. Giả sử, chỉ là giả sử thôi, trong số những chiếc găng tay y tế đó, có một vài đôi mang theo virus các loại bệnh truyền nhiễm, bao gồm cả SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, thì hậu quả sẽ ra sao? Đó là còn chưa kể gần 2,5 tấn găng tay y tế đã qua sử dụng được thu gom về mà các đối tượng chưa kịp tái chế, đóng gói sản phẩm.
Theo quy định của pháp luật, rác thải y tế phải được quản lý chặt chẽ, đồng thời có quy trình xử lý riêng, không được phép để lẫn với rác thải sinh hoạt và đổ ra môi trường bên ngoài bệnh viện. Quy trình xử lý rác thải y tế, trong đó có găng tay đã qua sử dụng hết sức chặt chẽ, khắt khe. Vậy nhưng không hiểu bằng cách nào, các đối tượng ngoài xã hội vẫn có thể thu gom được hàng tấn găng tay y tế đã qua sử dụng?! Điều đó chỉ có thể lý giải: Có nhân viên y tế của không ít bệnh viện tiếp tay tuồn rác thải y tế ra ngoài.
Cũng theo quy định của pháp luật, hành vi xả rác thải y tế ra môi trường bên ngoài bệnh viện, hoặc tiếp tay tuồn rác thải y tế ra ngoài nhằm trục lợi đều sẽ bị xử lý nghiêm khắc, nhẹ thì xử phạt vi phạm hành chính, nặng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Song, vấn đề là lâu nay có khác nhiều vụ việc sản xuất khẩu trang y tế, găng tay y tế và nhiều sản phẩm y tế khác từ rác thải y tế, nhưng rồi chẳng có ai, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm cả. Đó chính là lý do mà người ta không biết sợ, cố tình phạm luật.
Nói có sách, mách có chứng. Vào thời gian diễn ra làn sóng Covid-19 đầu tiên, lực lượng công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cũng đã phát hiện được một xưởng sản xuất khẩu trang y tế từ sản phẩm đã qua sử dụng. Tại thời điểm lực lượng chức năng phát hiện, trong kho của xưởng sản xuất đó có hàng tấn khẩu trang y tế, cả thành phẩm và sản phẩm chưa kịp xử lý tái chế. Vào thời điểm đó, lực lượng công an nhiều địa phương cũng đã phát hiện, thu giữ nhiều khẩu trang y tế được các đối tượng vô lương thu gom về để tái chế kiếm lợi.
Song, cuối cùng thì sao? Chẳng ai bị làm sao cả. Cũng chẳng có bệnh viện nào phải chịu trách nhiệm về hành vi tuồn khẩu trang y tế đã qua sử dụng ra ngoài cho các đối tượng sản xuất khẩu trang y tế giả. Đó là “tiền lệ” để tới làn sóng Covid-19 lần thứ hai này, các đối tượng tiếp tục thu gom khẩu trang y tế, găng tay y tế đã qua sử dụng để tái chế lại thành sản phẩm “mới” bán ra ngoài thị trường kiếm lời. Và nếu như lần này, doanh nghiệp làm giả găng tay y tế vẫn “thoát êm”, tin rằng sẽ chẳng có ai tuân theo luật nữa.
Dư luận không chỉ đòi hỏi cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm minh cá nhân, doanh nghiệp thu gom găng tay y tế đã qua sử dụng để sản xuất hàng giả, mà còn yêu cầu truy cho bằng ra những bệnh viện nào đã tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật này. Doanh nghiệp tái chế găng tay y tế đã qua sử dụng thành mới đã là hành vi vô lương, nhưng việc một số bệnh viện tuồn rác thải y tế ra ngoài môi trường chính là hành vi coi mạng người như cỏ rác, vì cái lợi của bản thân sẵn sàng bất chấp hậu quả dịch bệnh lan rộng ngoài xã hội.
Vậy nên, nếu lần này cơ quan chức năng lại giơ thật cao nhưng đánh thật khẽ, phạt doanh nghiệp làm bậy vài triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng, rồi tha bổng, thì khó mà khiến cho dư luận tâm phục, khẩu phục. Nếu chỉ đơn giản là phạt một ít tiền rồi cho qua, không truy đến tận cùng nguồn gốc số găng tay y tế đã qua sử dụng từ đâu, ai tiếp tay để xử lý, làm sao có thể răn đe, phòng ngừa những cá nhân, doanh nghiệp khác “noi gương” làm ẩu? Lúc đó người ta sẽ đua nhau làm giả sản phẩm y tế từ rác thải y tế vì lợi nhuận cao.
Công cuộc “chiến đấu” với đại dịch Covid-19 còn kéo dài, nếu luật pháp không nghiêm, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp không có gì để sợ, tha hồ sản xuất sản phẩm y tế từ những rác thải y tế, thì làm sao có thể chiến thắng “giặc dịch” đây? Chưa kể đến nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 từ rác thải y tế, chỉ nguyên các loại bệnh truyền nhiễm khác như bạch hầu, lao, viêm gan B... cũng đã là những mối nguy hại khôn lường. Đừng để sự nhờn luật của một số kẻ vô lương để rồi dịch chồng dịch sẽ không thể kiểm soát được.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vo-luong-the-la-cung-504571.html