Vỡ mộng đến xứ sở Kangaroo

Mặc dù đã được cơ quan chức năng Australia phối hợp với cơ quan chức năng Việt Nam cảnh báo rất nhiều lần về việc bị lừa đi lao động tại Australia, nhưng nhiều người bất chấp, vẫn muốn đến xứ sở Kangaroo để mong đổi đời. Họ đã bỏ ra hàng chục ngàn USD để được đi, nhưng đã bị dính những quả lừa, tiền mất tật mang, nợ nần chồng chất…

Nhiều người bị lừa sang Australia lao động hợp pháp trong đường dây của Lê Duy Anh, trình bày sự việc với các phóng viên

Nhiều người bị lừa sang Australia lao động hợp pháp trong đường dây của Lê Duy Anh, trình bày sự việc với các phóng viên

Hơn 400 người bị lừa

Chị Trần Khánh Nhung (trú phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) cho biết, sau khi được người quen giới thiệu, chị đã mượn sổ đỏ đất của mẹ và lấy sổ đỏ của gia đình đem thế chấp vay ngân hàng, rồi đến gặp bà Trần Thị Thành (ở đường Trần Huy Liệu, phường Hưng Phúc, TP Vinh, Nghệ An) nhờ tư vấn làm thủ tục để sang Australia lao động. Chị Nhung đã đóng cho bà Thành 3.000 USD và 45 triệu đồng. Sau đó, bà Thành giới thiệu chị đến Công ty Polimex (tại số 9, ngõ 212 Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) do ông Lê Duy Anh (trú ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Tại đây, chị đã nộp cho ông Anh 17.500 USD để ông này lo thủ tục đi Australia lao động hợp pháp. Nhưng, từ năm 2016 đến nay, sau 3 lần sang Malaysia và 1 lần vào TPHCM để đáp chuyến bay sang Australia đều không được, chị Nhung đến nhà bà Thành và ông Anh đòi tiền nhưng không có kết quả.

Chị Nhung bức xúc: “Ngoài việc tiền đã nộp, riêng khoảng thời gian từ tháng 4-2018 đến tháng 9-2018, tôi phải bỏ tiền túi cả trăm triệu đồng ăn nhờ, ở đậu tại Malaysia và TPHCM để chờ đi Australia”.

Cùng hoàn cảnh như chị Nhung, bà Vũ Thị Bình (ở xã Nam Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) cho hay, con trai bà sau khi học hết cấp 3, có người giới thiệu nên tháng 3-2017, bà Bình đến gặp bà Trần Thị Thành tại nhà. Qua trao đổi, bà Thành cho biết muốn đi Australia chi phí hết 4.000 USD. Nhưng sau đó, bà Thành và ông Lê Duy Anh đã yêu cầu bà Bình phải nộp 4 đợt với tổng số tiền là 31.000 USD; ngoài ra, khi sang Malaysia con trai bà Bình còn phải đóng thêm 1.200 USD để đợi chuyến bay.

Bà Bình kể: “Con tôi sang Malaysia gần 1 năm nhưng không đi được đến Australia, ăn uống cực khổ, bị quản thúc. Thấy không thể đi được, tôi đã gặp bà Thành yêu cầu bà can thiệp đưa con về và đòi lại tiền. Cuối cùng con tôi cũng được về nhưng còn số tiền thì bà Thành khất hết lần này đến lượt khác”.

Từ đơn tố cáo của người dân, sau quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Nghệ An, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Duy Anh (40 tuổi), Trần Thị Thành (60 tuổi), Hồ Thị Hằng (54 tuổi, trú phường Trường Thi, TP Vinh) và Trần Thị Hà (45 tuổi, trú thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) về hành vi: Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài. Bước đầu, cơ quan công an làm rõ đường dây này đã lừa đảo hơn 400 người tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…

“Còng lưng” gánh nợ

Anh Nguyễn Công Hoàng (40 tuổi, ở xóm Chùa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) phản ánh, anh có nguyện vọng sang Australia lao động nên nhờ Công ty CP Xuất khẩu đầu tư xây dựng thương mại Intercoop.vn (gọi tắt Công ty Intercoop, có địa chỉ tại số 78, đường Trần Thủ Độ, TP Vinh) làm thủ tục. Công ty này do bà Đàm Thị Trường (trú huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm giám đốc. Tháng 11-2012, anh Hoàng đặt cọc 40 triệu đồng cho Công ty Intercoop, đến tháng 12-2012, anh nộp tiếp 300 triệu đồng. Bà Trường hứa sẽ đưa anh Hoàng xuất cảnh đi Australia trong quý 1-2013, nếu không đi được sẽ hoàn trả lại số tiền trong vòng 1 tháng. Nhưng, hết quý 1-2013, anh Hoàng vẫn chưa đi được, bà Trường lại hứa sang năm 2014, và cho đến nay thì vẫn ở… nhà.

Anh Hoàng bức xúc: “6 năm qua, bằng nhiều cách tôi mới đòi lại được 120 triệu đồng. Hiện nay, việc đi Australia không thành đã khiến gia đình tôi trở thành con nợ của ngân hàng, mỗi tháng phải trả cả gốc lẫn lãi 10 triệu đồng. Bản thân tôi giờ không có việc làm, vợ mắc bệnh ung thư 4 năm nay, không biết lấy gì xoay xở”.

Cùng xã với anh Hoàng có anh Phan Hậu (36 tuổi, trú xóm Xuân Tiêu) cũng lâm hoàn cảnh tương tự. Công ty của bà Trường đã thu của anh Hậu 340 triệu đồng. Không đi được Australia, 6 năm qua anh đã phải nhiều lần đòi mới lấy lại được 120 triệu đồng. 200 triệu đồng vay ngân hàng còn lại đến nay “lãi mẹ đẻ lãi con” khiến anh lâm cảnh cùng cực, phải đi làm thợ xây, chắt bóp dành ra 5 triệu đồng mỗi tháng để trả nợ dần. Cùng hoàn cảnh, đến nay anh Nguyễn Duy Đức (ở xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đang phải đi bốc gạch thuê để trả nợ.

Tháng 2-2013, anh nộp cho Công ty Intercoop 339 triệu đồng để được đưa sang Australia lao động. Đến nay, việc đi Australia bất thành nhưng anh cũng mới đòi được 30 triệu đồng. Hiện Công ty Intercoop không còn ở địa chỉ cũ và số điện thoại của bà Đàm Thị Trường cũng không liên lạc được.

DUY CƯỜNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vo-mong-den-xu-so-kangaroo-628019.html