'Vỡ mộng'... đổi đời

Những bữa ăn thiếu chất, giấc ngủ chập chờn, ngày lao động không ngừng nghỉ, nhiều trận đòn roi... là những gì người lao động phải trải qua khi liều mình phó thác bản thân cho 'cò mồi' môi giới xuất khẩu lao động. Bởi ai cũng nghĩ đơn giản rằng, chỉ cần sang được xứ người, có công việc để kiếm tiền thì sẽ ổn định được cuộc sống.

Những mảnh đời bất hạnh

Nhiều người mong muốn được ra nước ngoài làm việc kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Thế nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện, nhận thức để đi theo con đường chính ngạch. Họ đã tin vào những kẻ “cò mồi” xuất khẩu lao động để rồi nhận về nỗi đau, sự mất mát.

Theo chân anh cán bộ trẻ đội An ninh, Công an huyện Lâm Bình, tôi đến thăm gia đình chị Quan Thị Hậu, thôn Nặm Chá, xã Lăng Can, người may mắn trở về sau 2 tháng trốn sang Trung Quốc làm việc. Chưa hết bàng hoàng với những gì chị đã trải qua, tôi phải mất 15 phút để làm quen và được chị chia sẻ câu chuyện của bản thân.

Chị Hậu tâm sự, tháng 4-2018, chị cùng với một số người trong thôn đã nghe theo lời của một người quen ở Hà Giang rủ sang Trung Quốc làm công nhân với mức lương 10 triệu đồng/tháng, được nuôi ăn, ở và không mất chi phí đi lại. Chị cùng với 5 người nữa bắt xe xuống km 31 đường Tuyên Quang - Hà Giang và được xe con đón đi. Suốt quãng đường đi, dù chị và mọi người có hỏi rất nhiều lần địa chỉ sẽ đến, nhưng đều không nhận được câu trả lời. Bản thân chị đã cảm thấy bất an, nhưng “đâm lao phải theo lao”, chị cũng nghĩ đơn giản nếu sang đó công việc không phù hợp chị sẽ xin nghỉ và trở về nhà.

Công an xã Xã Bình An (Lâm Bình) tuyên truyền pháp luật cho người dân thôn Tiên Tốc.

Công an xã Xã Bình An (Lâm Bình) tuyên truyền pháp luật cho người dân thôn Tiên Tốc.

Nhưng thực tế không như chị hình dung, chị được đưa đến một khu nhà xưởng sản xuất thuốc lá. Tại đây, mọi người phải làm việc 16 tiếng/ngày, bị cách ly với thế giới bên ngoài, không được dùng điện thoại, mọi sinh hoạt đều nằm trong khuôn viên của nhà xưởng. Và tất nhiên, chị cùng mọi người không được trả tiền lương hàng tháng như đã hứa. Tại xưởng có khoảng 50 công nhân đều là người Việt Nam. Nhiều người đã xin nghỉ và đòi thanh toán tiền lương nhưng đều không được chấp nhận. Những người chống đối, bị đánh đập, bỏ đói. Chị Hậu thấy vậy đã rất hoảng sợ, ngày ngày nghĩ cách thoát ra ngoài. Chị đã lấy lý do con ốm và nhịn ăn 2 ngày để người chủ đồng ý cho chị về thăm con. Sau hơn 2 tháng làm việc không lương, chị đã may mắn được về đoàn tụ với chồng, con. Chấm dứt giấc mộng đổi đời mang tên xuất khẩu lao động “chui”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có cơ hội trở về lành lặn như chị Hậu. Qua cuộc trao đổi với lãnh đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh, tôi tìm đến gia đình anh Nông Văn Cóng, thôn Thia, xã Tân Trào (Sơn Dương). Qua câu chuyện với gia đình, tôi được biết anh Cóng nghe theo lời dụ dỗ của "cò mồi" trốn sang Trung Quốc từ đầu năm 2018. Tại đó, anh Cóng làm công việc ướp hoa quả. Hàng ngày, tiếp xúc nhiều với hóa chất, lại không được trang bị bảo hộ, anh đã bị hóa chất ăn mòn hết các ngón tay. Khi không còn khả năng lao động, anh được cho về gia đình. Tuy nhiên, những ngày tháng làm việc tại Trung Quốc, chất độc không chỉ ăn mòn hết các ngón tay của anh mà còn ăn sâu vào cơ thể. Sau 2 tháng trở về nhà, những cơn đau liên tục xuất hiện hành hạ anh. Anh Cóng đã mất vào cuối năm 2018 để lại cho người thân nỗi đau chưa thể nguôi ngoai...

Cán bộ Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh tuyên truyền cho người dân không tham giaxuất cảnh lao động trái phép tại thôn Đèo Mủng, xã Xuân Vân (Yên Sơn)

Còn rất nhiều những bài học đau thương từ xuất khẩu lao động “chui” trên địa bàn tỉnh như trường hợp của anh Trần Văn Ngày, thôn 8, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) đi xuất khẩu lao động “chui” đầu năm 2017, thì đến tháng 7-2017 do mâu thuẫn cá nhân bị đánh chết; anh Trần Văn Sỹ, xã Đông Thọ (Sơn Dương) làm việc tại công ty sản xuất ô, dù ở Phúc Kiến (Trung Quốc) bị ngộ độc chết… Tất cả những trường hợp chết tại Trung Quốc đều phải mất nhiều thời gian, tiền bạc để gia đình hoàn tất thủ tục và đưa xác người thân về quê nhà.

Nắm chắc tình hình, phá vỡ đường dây

Không ai có thể phủ nhận những lợi ích từ xuất khẩu lao động mang lại, tuy nhiên, để có thể xuất khẩu lao động hợp pháp thì người lao động phải bỏ ra chi phí ban đầu, đòi hỏi phải có trình độ ngoại ngữ, tay nghề chuyên môn theo yêu cầu của người sử dụng lao động. Trong khi đó, để sang Trung Quốc lại rất đơn giản, người lao động không cần tay nghề, được hỗ trợ chi phí đi lại nên nhiều người lựa chọn và coi xuất khẩu lao động “chui” như “phao cứu sinh” cho mong muốn đổi đời của bản thân và gia đình.

Đa phần các trường hợp xuất khẩu lao động “chui” thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, dân trí thấp hoặc có người quen đã từng làm việc ở Trung Quốc, hoặc thông qua môi giới. Bên cạnh đó, nhiều người lao động không có việc làm trong khi nhu cầu sử dụng lao động phía Trung Quốc lại quá lớn. Thiếu tá Phạm Thanh Sơn, Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh cho biết, tình hình xuất nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc hiện nay đang là vấn đề nhức nhối. Hàng năm, toàn tỉnh có gần 2.000 lượt người xuất nhập cảnh trái phép, nghi xuất nhập cảnh trái phép; mỗi năm tiếp nhận khoảng trên 100 lượt người bị cơ quan chức năng nước bạn trao trả. Các đối tượng cò mồi thường là những người thường xuyên qua biên giới, hoặc là chính những người đang làm việc tại Trung Quốc móc nối với người chủ bên đó để đưa người sang lao động và ăn hoa hồng từ chính những người mình đưa sang.

Các phiên giao dịch việc làm là nơi người lao động có cơ hộitìm kiếm công việc đảm bảo cho bản thân.

Để giải quyết vấn nạn xuất khẩu lao động “chui”, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đang triển khai những giải pháp cụ thể, trong đó tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh; xử lý các đối tượng môi giới, tổ chức cho công dân trốn ra nước ngoài. Năm 2018, Công an tỉnh đã điều tra, khởi tố nhiều đối tượng với tội danh “Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài”. Tiêu biểu, đối tượng Phùng Vinh Sơn, Đặng Tài Kim thôn Tân Lập, xã Thổ Bình (Lâm Bình) đã tổ chức đưa hơn 100 người trốn ra nước ngoài; đối tượng Hoàng Tuấn Tài, thôn Quân, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) đưa 14 người trốn ra nước ngoài. Để triệt phá được đường dây đưa người trốn ra nước ngoài, lực lượng công an đã tích cực rà soát, xác minh, bám nắm các đầu mối tổ chức, đường dây, thống kê, lập danh sách số người xuất cảnh trái phép, nghi xuất nhập cảnh trái phép để kịp thời có những biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Bên cạnh đó, các giải pháp ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép đang được tiến hành đồng bộ tại các địa phương. Ông Nguyễn Văn Lâm, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hàm Yên nói, bên cạnh công tác tuyên truyền thường xuyên cho người dân các xã trên địa bàn về những nguy cơ, rủi ro khi xuất cảnh trái phép, các cơ quan chức năng huyện đã phối hợp với UBND các xã và các doanh nghiệp uy tín trong nước tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu, tuyển dụng lao động đi làm việc. Từ đó, tạo cơ hội về việc làm và thu nhập ổn định cho lao động ở các xã vùng sâu, vùng xa.

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan, người lao động trên địa bàn tỉnh hãy những lựa chọn sáng suốt cho bản thân để nỗi đau mang tên xuất khẩu lao động “chui” không còn tiếp diễn, gây nên những hệ lụy cho người dân.

Phóng sự: Thu Trang

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/vo-mong-doi-doi-124532.html