Vỡ mộng 'vàng Paris', Malaysia chỉ ra việc cần làm ngay cho Olympic 2028

Malaysia tiếp tục trông chờ vào môn thế mạnh là cầu lông, hướng tới không chỉ một mà 2 VĐV mũi nhọn cho mục tiêu huy chương vàng Olympic Los Angeles 2028.

Thể thao Malaysia kết thúc Olympic Paris với 2 huy chương đồng, không thể có được tấm huy chương vàng đầu tiên trong lịch sử như mục tiêu đề ra, dù Chính phủ treo thưởng rất lớn.

Kể từ lần đầu tham dự năm 1956, gần 7 thập kỷ qua, thể thao Malaysia mới có 8 huy chương bạc, 7 huy chương đồng.

Cầu lông - môn mũi nhọn số 1 của Malaysia với 6 huy chương bạc, 5 huy chương đồng tích lũy - tiếp tục là niềm hy vọng lớn nhất cho tấm huy chương vàng tại Olympic Los Angeles 2028.

Từ thất bại của Lee Zii Jia kéo theo thất bại của cả đoàn Malaysia, chuyên gia Datuk James Selvaraj kêu gọi hành động ngay, chuẩn bị "2 mũi tên cùng nhắm 1 đích" tại Olympic 2028

Từ thất bại của Lee Zii Jia kéo theo thất bại của cả đoàn Malaysia, chuyên gia Datuk James Selvaraj kêu gọi hành động ngay, chuẩn bị "2 mũi tên cùng nhắm 1 đích" tại Olympic 2028

Datuk James Selvaraj - cựu VĐV cầu lông vô địch quốc gia Malaysia 3 năm liên tiếp (1974-1976), cựu Giám đốc kỹ thuật Hiệp hội Cầu lông Malaysia (BAM) - cảnh báo giấc mơ "vàng" Olympic có thể thêm một lần vỡ vụn nếu BAM không tính toán, chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Theo ông Selvaraj, cầu lông Malaysia từng có Lee Chong Wei - huy chương bạc 3 kỳ Olympic liên tiếp 2008, 2012, 2016. Sau khi Lee giải nghệ để lại khoảng trống cho đơn nam cầu lông Malaysia, trước khi Lee Zii Jia - vô địch châu Á 2022 - xuất hiện.

"Malaysia sẽ lại trông cậy vào Lee Zii Jia tại Thế vận hội 2028? Chúng ta có ai khác để cạnh tranh huy chương vàng cầu lông đơn nam không? Tất nhiên Zii Jia có thể sẽ lại là hy vọng chính của Malaysia. Nhưng chúng ta cần một VĐV khác có năng lực như Zii Jia, để có '2 mũi tên cùng nhắm 1 đích', hoặc có VĐV sẵn sàng thay thế khi những tên tuổi lớn mất phong độ", ông Selvaraj nêu quan điểm.

Nhấn mạnh "không nên đặt tất cả hy vọng vào 1 VĐV", chuyên gia Selvaraj dẫn chứng tại Olympic Paris, Đan Mạch có Viktor Axelsen và Anders Antonsen, Trung Quốc có Shi Yu Qi và Li Shi Feng, Indonesia có Jonathan Christie và Anthony Ginting, còn Ấn Độ có HS Prannoy và Lakhsya Sen.

Trong khi Malaysia trông cả vào Lee Zii Jia, và khi VĐV này thất bại ở bán kết trước Kunlavut (Thái Lan), mọi hy vọng gần như chấm dứt tại đó.

"4 năm nữa, các VĐV chủ chốt của cầu lông Malaysia sẽ gần 30 tuổi và chúng ta đã thấy VĐV trẻ của các quốc gia khác chơi tốt như thế nào tại Paris. Vì vậy, cần chuẩn bị cho các VĐV trẻ của mình sẵn sàng tiến lên. Cần có một báo cáo phù hợp, từ đó xây dựng kế hoạch để giải quyết những vấn đề cần khắc phục. Nếu mọi thứ không hiệu quả, cần phải thay đổi ngay lập tức", ông Selvaraj nói thêm.

Băng Tâm

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vo-mong-vang-paris-malaysia-chi-ra-viec-can-lam-ngay-cho-olympic-2028-post585722.antd