Vỡ mộng 'về xuôi'

Nhà nghèo, không có việc làm, cuộc sống túng quẫn nên nhiều phụ nữ trẻ ở vùng cao đã rời bản làng, về xuôi, bỏ lại gia đình, đến chốn thị thành tìm cơ hội mới

Cách đây mấy ngày, 8 thiếu nữ quê ở các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi được công an giải cứu khỏi quán karaoke Hoàng Gia (xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa) khi bị chủ quán nhốt, đánh đập, ép đi tiếp khách, bán dâm…

Mỗi người mỗi cảnh

Hồ Thị B. và Hồ Thị N. (16 và 17 tuổi) là 2 trong số 8 thiếu nữ vừa được giải cứu khỏi quán karaoke Hoàng Gia. Nhà họ ở xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.

Vì nhà nghèo, đông anh em, cách đây 1 năm, khi đang học lớp 10, N. bỏ học để phụ giúp gia đình. Rồi N. được bạn rủ xuống phố tìm việc làm. Lúc đầu, N. phụ quán cà phê tại thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa. Làm được 4 tháng, N. có được ít tiền, về quê phụ giúp gia đình sắm Tết.

Nghe N. kể về cuộc sống dưới phố, B. xin nghỉ học dù cha nhiều lần ngăn cản, dọa đánh… Rồi B. nhờ người chở ra đường đón xe xuống phố, tìm tới chỗ N. Cả 2 phụ quán cà phê. Đến tháng 3-2021, nghe lời một phụ nữ rủ đến quán karaoke làm nhân viên phục vụ, lương cao gấp đôi gấp ba nên cả 2 nhận lời.

"Tụi em không biết làm karaoke là phải tiếp khách, phải uống rượu, chiều lòng khách, nên nhận lời. Có mấy chị lớn bị chủ quán ép nói dối rằng mỗi tháng làm được 40 triệu đồng nên tụi em nghe theo" - B. kể.

Làm được vài hôm, chủ quán ép các em phải đi tiếp khách. "Em sợ, xin về nhưng họ bắt phải trả 15 triệu đồng mới được về, rồi đánh nặng thêm. Nhiều lần như vậy, ai cũng bị đánh bởi đủ các lý do - không chiều chuộng khách, không chịu đi bán dâm. Có chị không nghe, bị chủ quán chích điện vào người, đau lắm" - B. nhớ lại.

Làm được 1 tuần, B. lấy cớ điện thoại hỏng, xin ra ngoài để sửa rồi gọi cho cha và tìm cách về được nhà. B. kể toàn bộ sự việc cho cha N., rồi cùng báo công an để giải cứu N. cùng những cô gái khác.

"Tụi nó còn nhỏ lắm, có biết gì đâu. Chỉ nghe người ta nói đi làm có nhiều tiền nên nghe theo. Bây giờ thân thể đầy thương tích do đòn roi của những kẻ ác để lại" - cha N. xót xa.

Rời xã Trà Sơn, chúng tôi đến làng Vui của xã Hương Trà, huyện Trà Bồng, vào nhà Hồ Thị Trang. Đấy là căn nhà xiêu vẹo, rộng hơn 10 m2, che chắn bằng những tấm phên lồ ô. Đang trưa, 3 mẹ con cô dọn qua nhà hàng xóm ở "cho đỡ nóng".

Năm 16 tuổi, Trang lấy chồng, nay 26 tuổi thì có 2 con 10 tuổi và 8 tuổi. Không có tiền mua gạo cho con, năm 2018, Trang quyết xuống núi đi làm kiếm tiền. Nhờ người quen, lúc đầu Trang phục vụ quán ăn ở huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam). Trang chắt chiu, mỗi tháng dành dụm về thăm con, mua thức ăn cho con vài ngày rồi quay về xuôi tiếp tục phụ quán.

Một lần, chồng Trang tìm tới chỗ vợ làm gọi về trông con. Trang không chịu, thế là cãi nhau. Vài hôm sau, chồng Trang uống rượu rồi ăn lá ngón tự tử. Trang một mình nuôi con. Lúc đầu, cô mang con xuống núi tìm việc nhưng trụ không nổi nên quay về. Hai đứa nhỏ thiếu thốn nên suy dinh dưỡng nặng. Giờ cuộc sống gia đình Trang trông vào chuyện đi làm keo thuê 100.000 đồng/ngày nhưng dăm ba bữa mới có người kêu, không thì lên rẫy chứ không biết làm gì hơn.

Gần nhà Trang là nhà ông Hồ Văn Sinh. Ông Sinh có 4 con. Hai con gái chưa học xong lớp 8 đã lấy chồng. Không việc làm nên cả hai để lại 3 đứa con cho ông bà ngoại nuôi, xuống núi tìm việc. Lúc đầu, vài tháng họ về một lần, sau thì ngày càng thưa, đến giờ đã gần 2 năm biền biệt. Con gái xuống núi, ông Sinh ngỡ thoát nghèo nhưng giờ càng khổ thêm. Ba đứa trẻ nheo nhóc chẳng biết trông cậy vào ai.

Già làng ở đây là ông Hồ Văn Thanh cho biết làng Vui có 300 khẩu, hơn 100 phụ nữ lớn nhỏ nhưng có hơn 20 người rời làng, xuống phố tìm việc. "Làng Vui nhưng toàn chuyện buồn. Cái nghèo không giữ chân được tụi nhỏ, nhất là con gái mới lớn. Đi làm dưới xuôi thì đủ mọi nghề. Đến lúc về, vợ chồng cãi nhau, bỏ nhau, bỏ lại con trẻ không ai chăm sóc" - ông Thanh cám cảnh.

Hồ Thị B. cùng cha trở về nhà, sau khi được giải cứu khỏi quán karaoke Hoàng Gia. Ảnh: TỬ TRỰC

Hồ Thị B. cùng cha trở về nhà, sau khi được giải cứu khỏi quán karaoke Hoàng Gia. Ảnh: TỬ TRỰC

Xử nghiêm hành vi mua bán người

Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, từ năm 2016 đến nay, khoảng 252 trường hợp ở tỉnh này bị dụ dỗ đi làm việc tại những cơ sở nhạy cảm cả trong và ngoài nước, vượt biên trái phép, kết hôn có yếu tố nước ngoài hay xuất cảnh trái phép đi lao động thời vụ tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc…

Bên cạnh đó, một số đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhu cầu cần việc làm của phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng núi, lừa gạt đi lao động hưởng lương cao nhưng lại ép hành nghề mại dâm. Đây chính là những tiềm ẩn nguy cơ để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi mua bán người nhằm mục đích bóc lột tình dục, sức lao động và các mục đích khác. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp công an, chính quyền địa phương điều tra xác minh, ngăn chặn, xử lý; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân ở khu vực biên giới.

Công an tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác xác minh, xác định, tiếp nhận và bảo vệ nạn nhân bị mua bán; không để xảy ra tình trạng nạn nhân bị mua bán và gia đình bị đối tượng tội phạm mua bán người đe dọa, trả thù, khi thực hiện việc cung cấp thông tin tố giác tội phạm.

UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các địa phương trong tỉnh hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hoặc lồng ghép thông qua hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật; thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý…

Trên cơ sở đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình phối hợp cơ quan chức năng duy trì chế độ trao đổi thông tin trong tiếp nhận, thực hiện biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tập trung cho công tác hỗ trợ nhu cầu thiết yếu ban đầu, y tế, pháp lý, học nghề và trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân bị mua bán trở về.

Ông Hồ Bảo Xuyên, Chủ tịch UBND xã Hương Trà, cho biết không chỉ ở làng Vui mà nhiều làng khác nữa, vì cuộc sống còn khó khăn nên rất nhiều người trẻ, nhất là phụ nữ, về xuôi tìm việc. Có làng vài chục trường hợp bỏ gia đình về xuôi rồi kéo theo bao hệ lụy; một số sa ngã, bỏ bê gia đình...

Tử Trực - Hoàng Phúc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/vo-mong-ve-xuoi-20210420221838764.htm