Vờ mượn điện thoại rồi nhân cơ hội bỏ chạy
Bạn đọc hỏi: Tôi là lái xe taxi, trong dừng trả khách, nam thanh niên đi xe vờ hỏi mượn tôi điện thoại gọi người nhà ra trả tiền nhưng sau đó bỏ chạy mất hút... Mới đây, đối tượng bị truy tố về tội cướp giật tài sản nhưng tòa lại xác định đó là tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Xin hỏi luật sư, tội nào mới đúng? Ngô Tự Học (Hà Nội)
Luật sư trả lời:
Theo như tình huống bạn nêu ở trên thì có hai luồng ý kiến về việc trách nhiệm hình sự đối với người đã chiếm đoạt chiếc điện thoại của bạn. Một là tội “Cướp giật tài sản” và hai là “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”. Trong trường hợp này, do bạn không nêu rõ độ tuổi của đối tượng nên chúng tôi cứ coi như họ có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định luật hình sự. Chúng tôi xin phân tích và so sánh hai loại tội phạm này như sau.
Tội “Cướp giật tài sản” được quy định tại Điều 171- BLHS 2015 với đặc điểm nổi bật, đặc trưng là người phạm tội lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản để nhanh chóng giật lấy tài sản mà người quản lý khó có thể giữ được hoặc giằng lại được (trong một khoản thời gian rất ngắn, thường chỉ trong một vài giây là đã thực hiện xong hành vi chiếm đoạt) làm cho người bị hại không kịp ứng phó. Điều luật không mô tả hành vi khách quan của tội cướp giật tài sản, nhưng căn cứ vào khái niệm, vào các yếu tố cấu thành tội cướp giật tài sản thì người phạm tội cướp giật tài sản phải có hành vi giật tài sản.
Có thể khẳng định, đặc trưng của tội cướp giật tài sản là hành vi giằng giật, tức là giằng mạnh lấy tài sản về mình một cách nhanh chóng (ngay tức khắc). Tuy nhiên, trong một số trường hợp người phạm tội muốn tạo ra yếu tố bất ngờ đối với chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản nhưng thủ đoạn phạm tội không làm cho chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản bị bất ngờ nên người phạm tội không thực hiện được hành vi giật tài sản. Để thực hiện hành vi giật tài sản, người phạm tội có thể sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau như: lợi dụng chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản không chú ý bất ngờ giật lấy tài sản, lợi dụng chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản đang bị vướng mắc hoặc đang điều khiển phương tiện giao thông để giật tài sản…
Trong khi ấy, tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 172 -BLHS năm 2015 là trường hợp người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản nên đã công khai chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Ví dụ: một người bị ngã xe máy và bất tỉnh, người phạm tội lợi dụng nạn nhân bất tỉnh (không có điều kiện để ngăn cản hành vi chiếm đoạt tài sản của mình) để chiếm đoạt tài sản (điện thoại, túi xách, xe máy...) của nạn nhân. Người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản một cách công khai, sau khi chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội có thể có thêm hành vi nhanh chóng tẩu thoát.
Đối chiếu với các yếu tố cấu thành tội phạm của hai tội danh này như đã phân tích ở trên, chúng tôi đồng tình với quan điểm của tòa án khi quy kết người lấy chiếc điện thoại của bạn là phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” vì rõ ràng người này không có hành động "giật" chiếc điện thoại từ tay bạn mà thực tế là họ mượn điện thoại của bạn. Nghĩa là bạn tự nguyện đưa cho người đó, rồi mới bị chiếm đoạt vì họ biết bạn không thể ngăn cản được việc bị chiếm đoạt chiếc điện thoại.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vo-muon-dien-thoai-roi-nhan-co-hoi-bo-chay-post443482.antd