Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của nhân dân

PTĐT - Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-4/10/2013) là một nhà chỉ huy quân sự và chính trị giỏi. Ông là Đại tướng đầu tiên, là vị Tổng tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là một trong những người góp công thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

PTĐT - Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-4/10/2013) là một nhà chỉ huy quân sự và chính trị giỏi. Ông là Đại tướng đầu tiên, là vị Tổng tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là một trong những người góp công thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chỉ huy chính trong chiến tranh Đông Dương (1946 - 1954) và chiến tranh Việt Nam (1960 - 1975). Ông trực tiếp hoặc tham gia nhiều chiến dịch quan trọng như: Cuộc chiến chống Pháp, Nhật; Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954); Chiến dịch Tết Mậu thân (1968); chiến cục năm 1972; Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975); chống bọn xâm lược bành trướng Trung Quốc (1979).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một nhà Nho yêu nước, hiếu học. Xuất thân là một giáo viên dạy Sử, ông được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất của lịch sử Việt Nam. Ông cũng là một trong những vị tướng nổi tiếng trên thế giới. Ông được báo chí và nhân dân tôn sùng là người anh hùng của dân tộc, vị Tướng của nhân dân…Trọn cuộc đời hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Võ Nguyên Giáp tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Được sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, trực tiếp chứng kiến cảnh đồng bào bị bè lũ thực dân và tay sai đàn áp, bóc lột đã nung nấu trong ông một ý chí sôi sục và quyết tâm giành lại độc lập cho dân tộc. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã cùng bạn bè tham gia tổ chức bãi khóa, hưởng ứng phong trào yêu nước, đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, đám tang cụ Phan Chu Trinh… Kết quả ông bị đuổi học, trở về quê hương trong sự bế tắc. Chính lúc đó người bạn - người đồng chí của ông, ông Nguyễn Chí Diểu đã lặn lội từ Huế về làng An Xá tìm gặp ông. Được sự giới thiệu của bạn, Võ Nguyên Giáp thoát ly hoạt động cách mạng và trở thành đảng viên của Đảng Tân Việt (Tân Việt Cách mạng Đảng).Trong thời gian đầu hoạt động, Võ Nguyên Giáp tập trung vào sự nghiệp làm báo… Tác phẩm đầu tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bài “Đả đảo tên bạo chúa ở Trường Quốc học!” được viết vào cuối tháng 7 năm 1927, gửi tờ báo L’ An nam xuất bản bằng tiếng Pháp ở Sài Gòn nhưng không được đăng. Năm 1929, ông vào làm biên dịch tin tức cho báo Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng là chủ nhiệm. Với bút danh Vân Đình, ông tích cực viết báo cho các chuyên mục Thế giới thời đàm, Thế giới tọa đàm, phê phán “sự nghiệp quốc tế liên minh”. Đàm luận về tình hình thế giới, Võ Nguyên Giáp có tới 9 bài chuyên luận sâu và 3 bài bình luận về những cuộc hỗn chiến liên miên giữa các tập đoàn quân phiệt Tưởng Giới Thạch, Phùng Ngọc Tường, Diêm Tích Sơn đưa ra những dự báo chính xác về cuộc cách mạng giải phóng do Đảng Cộng sản Trung Quốc khởi xướng và lãnh đạo. Qua những bài bình luận sắc sảo của ông viết về các vấn đề quốc tế, về các vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội, chứng tỏ tác giả có kiến thức sâu rộng và bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy khoa học, cách mạng… Ngày 3 tháng 5 năm 1940, Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng Phạm Văn Đồng lên Lào Cai rồi vượt biên giới sang Trung Quốc để gặp Hồ Chí Minh. Chỉ một thời gian ngắn, Hồ Chí Minh đã thấy Võ Nguyên Giáp là người có triển vọng nên liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc và cử ông đi học quân sự căn cứ địa Diên An. Trên đường tới Diên An, ông được Hồ Chí Minh gọi quay trở lại vì tình hình thế giới có nhiều thay đổi lớn. Ở châu Âu Phát xít Đức đã xâm chiếm Pháp. Hồ Chí Minh nhận định tình hình Đông Dương sẽ chuyển biến nhanh, cần gấp rút trở về nước chuẩn bị đón thời cơ…Tết Nguyên đán Tân Tỵ, Võ Nguyên Giáp cùng Hồ Chí Minh trở về Cao Bằng. Trong thời gian ở hang Pắc Bó, Hồ Chí Minh tiên đoán cách mạng sẽ thành công vào năm 1945. “Trong 5 năm nữa, cách mạng sẽ thành công, điều chúng ta mong đợi sẽ tỏa sáng”. Niềm tin sắt đá đó đã giúp Võ Nguyên Giáp và các đồng chí có thêm niềm tin vào tương lai. Trong thời gian này ông tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng, trong bối cảnh vô cùng khó khăn về cơ sở vật chất, đặc biệt chưa thể có súng đạn để trang bị cho vũ trang khởi nghĩa.Ngày 22 /12/1944, theo hướng dẫn của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 người, được trang bị 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy. Đây là tổ chức tiền thân của quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau 3 ngày thành lập, ngày 25/12/1944 Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy đội quân này lập chiến công đầu tiên là tập kích diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần.Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Võ Nguyên Giáp trở thành Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương sau đó là Ủy viên Thường vụ Trung ương, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.Hội nghị toàn quốc họp ở Tân Trào ngày 13 tháng 8 năm 1945 đã nhận định những điều kiện cho Tổng khởi nghĩa đã chín muồi và chuẩn bị lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa.Ngày 14 tháng 8, một số cán bộ Đảng Cộng sản và Việt Minh dù chưa nhận được lệnh khởi nghĩa nhưng căn cứ vào tình hình hiện tại và chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã quyết định cùng nhân dân khởi nghĩa, khởi nghĩa lan rộng ra các xã, các tỉnh đồng bằng Sông Hồng.Ngày 16 tháng 8 năm 1945, một đơn vị giải phóng quân của Việt Minh do Võ Nguyên Giáp chỉ huy từ Tân Trào (Tuyên Quang) kéo về bao vây, tấn công quân Nhật ở thị xã Thái Nguyên mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 nổi dậy giành chính quyền trong cả nước.Ngày 19 tháng 2 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ lựa chọn và phân công phụ trách hoạt động quân sự. Là thành viên trong Bộ Chính trị ông là người trực tiếp tham gia hoạch định những quyết định lớn của Đảng và Nhà nước về đường lối cách mạng qua từng giai đoạn của cuộc kháng chiến. Ông cũng là người xây dựng đường lối quân sự, chiến lược quân sự, đề ra những chủ trương lớn về kế hoạch tác chiến và cũng chính ông là người tổ chức việc thực hiện cụ thể đường lối chiến tranh, phát động chiến tranh giải phóng dân tộc toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tổ chức lực lượng vũ trang thứ quân nòng cốt cho đấu tranh vũ trang của quần chúng. Chiến tranh nhân dân thần thánh phát triển đến một đỉnh cao ở Việt Nam đã đánh bại Chiến tranh xâm lược của hai “đế quốc to” giàu mạnh hơn Việt Nam gấp nhiều lần. Trong cuộc chiến tranh này, chiến thuật du kích đã được ông nâng lên tầm vóc một chiến lược thực sự, hữu hiệu và sự kết hợp giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy được phát triển đạt đến một trình độ cao.Không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào trước đó và cũng phải trải qua các bậc quân hàm trong quân đội, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28 tháng 5 năm 1948, ông trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam khi 37 tuổi.Như các danh tướng Việt Nam trong lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chú trọng nghệ thuật “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại”. Tư tưởng quân sự nổi tiếng của ông có tên gọi là Chiến tranh nhân dân, kế thừa quan điểm quân sự Hồ Chí Minh, tinh hoa nghệ thuật đánh giặc của tổ tiên… được đúc rút từ kinh nghiệm cá nhân trong suốt chiều dài của các cuộc chiến tranh mà nổi bật là chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.Trong lịch sử quân sự Việt Nam thế kỷ XX, Võ Nguyên Giáp là một vị tướng huyền thoại và tài năng thao lược của một vị tướng cầm quân luôn sáng ngời.

Tâm Đắc (Biên soạn)

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/201912/vo-nguyen-giap-dai-tuong-cua-nhan-dan-168383