Võ Nhai: Đánh thức tiềm năng vùng cây ăn quả

Nhờ chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, người dân Võ Nhai có thể thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm

Ông Đỗ Quốc Nam, ở xóm Hiên Minh, xã La Hiên, chia sẻ kinh nghiệm trồng na trên đất sỏi cơm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa.

Ông Đỗ Quốc Nam, ở xóm Hiên Minh, xã La Hiên, chia sẻ kinh nghiệm trồng na trên đất sỏi cơm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa.

Gần 10 năm trước, ông Hoàng Văn Thắng, ở xóm Phượng Hoàng, đã mạnh dạn làm đơn và được chính quyền xã Phú Thượng (Võ Nhai) chấp thuận cho chuyển đổi hơn 3.600m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ổi cao sản. Trên diện tích này, mỗi năm, gia đình ông thu hoạch được khoảng 15 tấn ổi, với giá bán trung bình 10.000 đồng/kg, đem về lợi nhuận 100-140 triệu đồng. Cá biệt, năm 2017 thu được hơn 200 triệu đồng lợi nhuận.

Ông Thắng chia sẻ: Trên cùng diện tích, trồng ổi cao sản cho giá trị cao hơn nhiều so với trồng lúa. Người trồng ổi có thể áp dụng kỹ thuật, chia đều lịch sản xuất. Đồng thời sử dụng kỹ thuật giúp cho cây ổi ra quả quanh năm, nâng cao giá trị thương phẩm khi xuất bán trái vụ.

Tương tự ông Thắng, ông Đỗ Quốc Nam, ở xóm Hiên Minh, xã La Hiên đã mạnh dạn chuyển đổi gần 1.500m2 đất trồng lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng na đặc sản từ năm 2008. Diện tích này cho thu hoạch trên 2 tấn na thương phẩm, với lợi nhuận đạt 50-60 triệu đồng mỗi năm.

Ông Nam cho hay: Trên đất sỏi cơm này, việc canh tác lúa rất khó do đất nhanh chóng cứng. Nhưng khi chuyển sang trồng na, đất sỏi cơm lại giúp cây sinh trưởng thuận lợi nhờ khả năng thoát nước tốt và bảo đảm dinh dưỡng cho cây. Sau khi chuyển đổi cây trồng, trên cùng diện tích, cây na cho giá trị kinh tế cao hơn gần 10 lần so với sản xuất lúa.

Gia đình ông Hoàng Văn Thắng, ở xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng (Võ Nhai) chuyển đổi 1 mẫu đất lúa sang trồng ổi cao sản, thu lợi nhuận 100-140 triệu đồng/năm.

Gia đình ông Hoàng Văn Thắng, ở xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng (Võ Nhai) chuyển đổi 1 mẫu đất lúa sang trồng ổi cao sản, thu lợi nhuận 100-140 triệu đồng/năm.

Những năm gần đây, huyện vùng cao Võ Nhai được biết đến là vùng chuyên canh cây ăn quả lớn của tỉnh, với một số cây đặc sản như: na, nhãn ở xã La Hiên; bưởi ở xã Tràng Xá; ổi ở xã Phú Thượng…

Toàn huyện hiện có khoảng 1.700ha cây ăn quả, tăng hơn 700ha so với năm 2015. Diện tích này vẫn đang tiếp tục được mở rộng theo định hướng của tỉnh. Trong số đó, diện tích cây ăn quả cho sản phẩm trên địa bàn hiện đạt khoảng 1.300ha, gồm một số loại cây chính như: na, nhãn, bưởi, cam, quýt, ổi..., tập trung tại các xã: Tràng Xá, La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Dân Tiến…, với sản lượng đạt gần 12.000 tấn/năm.

Diện tích cây ăn quả tăng trưởng trong những năm gần đây cơ bản do bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu trong nội bộ đất nông nghiệp. Qua đó, hàng trăm ha đất sản xuất kém hiệu quả đã được bà con chuyển đổi sang trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao.

Việc chuyển đổi cơ cấu trong nội bộ đất nông nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn quả, được các địa phương trong huyện thực hiện nghiêm túc theo quy định. Các hộ có nhu cầu chuyển đổi phải đến UBND xã đăng ký và làm giấy cam kết không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa.

Huyện Võ Nhai cũng yêu cầu việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm phải theo quy hoạch, nhằm hình thành các vùng sản xuất tập trung, khai thác hiệu quả hạ tầng sẵn có. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng thường xuyên kiểm tra việc chuyển đổi ở từng hộ, nghiêm cấm làm nhà ở, công trình không phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất chuyển đổi…

Như tại xã Phú Thượng, trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, diện tích trồng cây ăn quả đã tăng tới hơn 7 lần. Nếu như năm 2011, Phú Thượng mới chỉ có 22ha diện tích trồng cây ăn quả thì đến nay, toàn xã có 150ha cây ăn quả các loại. Trong đó có gần 36ha na, 23ha ổi, 21ha quýt, 42,7ha nhãn và 27ha cam, bưởi, thanh long, dứa, hồng... Ước tính, diện tích trồng các loại cây ăn quả đem lại cho người dân xã Phú Thượng tổng thu nhập trên 35 tỷ đồng/năm.

Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Như Hoa, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng, cho biết: Việc các hộ dân mở rộng, hoặc chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang thâm canh cây ăn quả những năm gần đây đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai, diện tích và sản lượng cây ăn quả tăng trong những năm gần đây đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt.

Ông Nông Minh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai, thông tin: Nếu như năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện chỉ đạt trung bình hơn 57 triệu đồng/ha, thì đến năm 2020 đã đạt 71 triệu đồng, tăng 24,13%. Tính đến hết năm 2022, giá trị này đạt 102 triệu đồng/ha, tăng 78%.

Theo quy hoạch chung, huyện Võ Nhai đặt mục tiêu phát triển thành vùng trọng điểm cây ăn quả của tỉnh, với diện tích trồng cây ăn quả đạt khoảng 2.500ha vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, huyện sẽ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn đến năm 2030. Trong đó, đề xuất chuyển đổi trên 1.343ha đất trồng trọt nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong cơ cấu nội ngành Nông nghiệp. Đây cũng là điều kiện cần để Võ Nhai hoàn thành mục tiêu Đề án phát triển vùng sản xuất cây ăn quả tập trung.

Theo Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Võ Nhai có trên 7.400ha đất rất thích nghi với cây na; gần 7.100ha rất thích nghi với cây nhãn; gần 7.100ha rất thích nghi với cây bưởi.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202307/vo-nhaidanh-thuc-tiem-nang-vung-cay-an-qua-55837d2/