Vợ ốm 2 hôm chồng tức tối quăng vỡ mâm bát: 'Cô coi tôi là osin à', một tuần sau nhìn tờ giấy với con số khủng cô đưa mà anh ta xám mặt
Cô khỏe mạnh và cáng đáng mọi việc trong nhà từ lớn đến nhỏ, vậy mới là bình thường và là điều nên làm. Cô ốm và Khang phải thay vợ làm việc nhà, đó là lỗi của cô.
Phụ nữ khi bước chân vào hôn nhân, ai cũng cố gắng hết sức để vun đắp cho gia đình. Thế nhưng nhiều khi người chồng lại coi sự vất vả của vợ như một lẽ đương nhiên, không hề có giá trị gì.
Ngọc (31 tuổi) chia sẻ vợ chồng cô kết hôn được 4 năm và sinh được một bé gái đầu lòng năm nay lên 3 tuổi.
"Thời gian đầu chung sống, tôi cố gắng hướng chồng chia sẻ việc nhà với mình. Kết quả, một là anh ấy làm rất ẩu đoảng, hai là anh ấy thường tụ tập với bạn bè sau giờ làm không về sớm, ba là chồng không hề vui vẻ khi bị vợ giao việc nhà. Tôi suy đi nghĩ lại, cảm thấy vợ chồng nếu xích mích, mâu thuẫn về chuyện cơm nước, nội trợ thì không đáng", Ngọc nói.
Chính vì thế từ sau đó Khang - chồng cô phụ được việc gì thì phụ, còn lại một tay cô làm hết. Khang vui vẻ, thoải mái, còn Ngọc tuy hơi mệt nhưng thấy tình cảm vợ chồng êm ấm, cô lại đành dặn mình cố gắng.
Khi con đầu lòng ra đời, ngày đi làm tối về nhà lại quay cuồng với chăm con, làm việc nhà, nội trợ, Ngọc gần như kiệt sức. Cô đề xuất với chồng thuê người giúp việc toàn thời gian. Khang gạt đi vì anh không thích người lạ sống chung nhà, quan trọng hơn cả vợ chồng cô không đủ sức trả lương cho người giúp việc. Ngọc hiểu hoàn cảnh của hai vợ chồng, đành tiếp tục thuê người theo giờ những lúc cô phải đi làm, còn tối về nhà và cuối tuần cô vẫn tự mình trông con, làm hết mọi việc.
Ngọc kể suốt mấy năm qua cô không bị ốm, nói cách khác là không được ốm. Bởi cô ốm thì con không ai chăm, nhà cửa không ai dọn và cơm nước không ai nấu. Nhiều khi ốm sơ sơ hay cảm xoàng, cô coi như không, vẫn làm việc bình thường.
"Nhưng lần vừa rồi thì tôi bị ốm nặng, không thể gượng dậy nổi nữa, chỉ có thể nằm bẹp một chỗ. Mọi việc trong nhà giao cho chồng, may là con tôi đã 3 tuổi không còn quá nhỏ nên một người bố vụng về cũng có thể chăm sóc được", Ngọc nói.
Khang phải chăm con từ ăn, mặc, ngủ, chơi, đưa con đi học rồi mới tới công ty, chiều không được bù khú với bạn mà phải về sớm đón con. Anh phải dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị cơm nước cho vợ con và đủ thứ việc không tên khác trong nhà. Mới hết 1 ngày, Ngọc nằm trong phòng đã phải nghe đủ thứ âm thanh Khang quát tháo con, con sợ hãi lại khóc lóc ầm ĩ. Rồi Quang cằn nhằn, bực dọc, đá thúng đụng nia khi phải làm việc nhà.
Sang ngày thứ hai, cơm tối Khang mua sẵn ngoài hàng, Ngọc đầu váng mắt hoa nên nhờ chồng mang cháo vào phòng giúp. Lúc sau Khang đi qua, cô nhờ anh mang bát ra ngoài. Một việc rất bình thường, thậm chí Ngọc không cần thiết phải lên tiếng nhờ vả mới đúng. Bởi trong nhà có hai vợ chồng, cô ốm thì người phải chịu trách nhiệm chăm sóc cô và gánh vác mọi việc còn lại đương nhiên là Khang.
Ai ngờ Khang đùng đùng vào phòng, bê mâm bát quăng mạnh xuống sàn nhà vỡ tan tành rồi chỉ thẳng vào mặt vợ quát: "Cô coi tôi là ô sin à? Cái gì cũng sai, chỉ sai chồng là giỏi! Cô nằm 2 ngày thế chưa đủ à, sao cứ vin vào ốm mà nằm mãi thế? Bình thường có thấy ốm đau gì đâu, giờ tự dưng lại dở chứng?".
"Mấy năm liền tôi làm tất cả mọi việc, gia đình lúc nào cũng vui vẻ, êm ấm. Tôi vừa ốm được 2 ngày, chồng đã khiến tôi có cảm giác mình mắc lỗi lớn vậy...", Ngọc chia sẻ.
Ngọc nhận ra khi cô càng nhún nhường và hy sinh thì chồng càng coi đó là lẽ đương nhiên. Cô khỏe mạnh và cáng đáng mọi việc trong nhà từ lớn đến nhỏ, vậy mới là bình thường và là điều nên làm. Cô ốm và Khang phải thay vợ làm việc nhà, đó là lỗi của cô. Đến ốm cũng là lỗi của cô, Ngọc càng nghĩ càng chua xót.
Một tuần sau Ngọc khỏi ốm, dù vẫn còn hơi mệt nhưng cô quyết định dậy làm việc nhẹ nhàng. Khang đang vui mừng, nhẹ nhõm vì vợ đã khỏi bệnh thì tối ấy về nhà, Ngọc đưa cho anh một tờ giấy.
"Thật lòng tôi chưa bao giờ nghĩ những việc mình làm chẳng khác gì người giúp việc, tôi nghĩ là mình đang vun vén, chăm sóc cho gia đình. Nhưng nếu anh coi trách nhiệm với gia đình như thể đang đi làm giúp việc thì anh xem rồi trả công cho tôi đi", Ngọc rành rọt nói.
Trong tờ giấy đó Ngọc thống kê số tiền công mà một người giúp việc toàn thời gian đáng nhận được trong 4 năm. Vừa làm việc nhà vừa trông trẻ nhỏ, không nghỉ cuối tuần hay lễ Tết, cô tính rẻ cũng 7 triệu/tháng, tổng 4 năm con số lên đến hơn 300 triệu. Khang nhìn mà choáng váng không thể tin nổi.
"Tôi cũng đi làm có thu nhập và đóng góp kinh tế cho gia đình chứ không hề ở nhà phụ thuộc vào chồng. Vậy nên từ giờ trở đi việc nhà là của chung, anh cũng phải chia sẻ, gánh vác. Anh không trả tiền cho tôi thì mấy năm tới anh phải làm việc nhà thay vợ để bù lại", Ngọc tuyên bố đanh thép.
Cô kể cuộc "cách mạng" của cô ban đầu rất khó khăn vì Khang đã quen với việc không cần động tay làm gì khi về nhà. Ngọc kiên quyết không nhượng bộ, dần dần Khang cũng buộc phải thay đổi. Cô bảo vợ chồng với nhau cô thật sự không muốn phải quá rạch ròi nhưng bởi Khang không tự thông suốt nên cô đành dùng biện pháp cứng rắn.
Vợ chồng nhiều lúc cần hy sinh vì nhau, nhường nhịn và bao dung thì tình nghĩa mới được bền chặt lâu dài. Nhưng chắc chắn sự hy sinh và cho đi ấy phải xứng đáng, đối phương biết ghi nhận, thấu hiểu và có động thái đáp lại, nếu không sự cho đi của bạn cuối cùng sẽ chỉ rước về nỗi hối hận và tổn thương.