Vợ ông Dũng 'lò vôi' - CEO Nguyễn Phương Hằng: Không có giá trị nào bằng tình yêu thương
Đó là thông điệp ý nghĩa mà CEO Nguyễn Phương Hằng (phu nhân của Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng – ông Dũng 'lò vôi') đã chia sẻ cùng Báo Công lý & Xã hội trước thềm talk show lần 9 diễn ra vào ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 tới đây.
PV: Chào bà, tại sao bà lại chọn chủ đề của talk show lần này là “Giới hạn nào cho sự yêu thương” và tổ chức đúng vào ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10?
CEO Nguyễn Phương Hằng: Có lẽ ngày tôi chọn thực hiện talk show cũng đã phần nào lý giải ý nghĩa của chủ đề “Giới hạn nào cho sự yêu thương”. Với talk show này, tôi muốn mang đến cho các chị em phái đẹp, đặc biệt là những ai đã bước vào cuộc sống hôn nhân một “món quà” tinh thần bất ngờ, phù hợp và ý nghĩa nhất. Bởi, phụ nữ sinh ra là để được yêu thương, nhưng có mấy ai được yêu thương trọn vẹn khi bước vào cuộc hôn nhân? Mà đa số là họ cam chịu, không dám nói lên tiếng nói của lòng mình trước những ngang trái cuộc đời.
Vì sao vậy? Có lẽ vì danh dự, sĩ diện, vì các mối quan hệ ràng buộc, nhất là sợ ảnh hưởng đến con cái. Họ sợ hôn nhân tan vỡ sẽ mang tai tiếng nên bản thân luôn cố âm thầm oằn mình gánh chịu. Vì thế, khi hôn nhân đã đổ vỡ, đồng nghĩa với sức chịu đựng của người phụ nữ đã vượt ngưỡng chịu đựng, tất yếu phải đi đến cái kết cục này.
Tôi chọn tổ chức talkshow đúng vào ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, bởi đây là dịp thuận lợi để tôi bày tỏ sự chia sẻ, đồng cảm cùng những niềm vui, nỗi buồn, sự hi sinh xen lẫn những thiệt thòi của người phụ nữ. Đồng thời, tôi cũng hy vọng ở một góc độ nào đó có thể thay họ nói lên tiếng nói của lòng mình. Qua đó, tôi mong rằng sẽ nhóm lên đóm lửa sưởi ấm tâm hồn cho tất cả chị em phụ nữ và mong muốn các “đức lang quân” suy nghĩ để sống sao cho trọn vẹn tình yêu thương, trách nhiệm, tình nghĩa, tình người dành cho bạn đời của mình.
PV: Trong thời đại mà nhiều người cho rằng cuộc sống ngày càng thực dụng và chủ nghĩa vật chất lên ngôi, bà nhìn nhận như thế nào về vai trò và giá trị của sự yêu thương? Và cần có “giới hạn sự yêu thương” như thế nào để có thể làm thay đổi chủ nghĩa vật chất, dần trả lại giá trị đích thực của cuộc sống là sự nhân văn, đúng tinh thần “người với người sống để yêu nhau”?
CEO Nguyễn Phương Hằng: Tôi đồng tình với bạn rằng, cuộc sống bây giờ quá thực dụng, gần như đại đa số chỉ quan tâm đến vấn đề “tình” và “tiền” đi đôi với nhau. Nhận thức được những mặt trái đó, nên từ chính bản thân Phương Hằng tôi chưa từng nghĩ mình đẹp là sẽ được tặng hoa hồng, hay sẽ có ai đó sẽ phải cung phụng cho mình những thứ phù du, mà tôi luôn nỗ lực trên nhiều phương diện để khẳng định giá trị sống của chính mình và nhận được sự thấu cảm, yêu thương son sắc, sự tin tưởng tuyệt đối từ ông xã khó tính của mình (cười).
Nói thế để thấy được rằng, chỉ có sự yêu thương được xây dựng trên nền tảng của lòng tự trọng, tự tôn, biết vun vén cho hạnh phúc gia đình mới chế ngự được chủ nghĩa vật chất lên ngôi và cuộc cuộc sống mới được trả lại giá trị nhân văn đích thực là sự sẻ chia, tình yêu thương ấm áp dành cho nhau.
Khi đã sống thực dụng thì đôi bên đều lợi dụng lẫn nhau và hệ lụy là không biết bao nhiêu cái kết cay đắng đã xảy ra. Khi họ đến với nhau, chưa phải là vì tiền, nhưng đa số khi li hôn đều là vì tiền. Vậy thì tình và tiền hoàn toàn là hai đường thẳng song song. Làm thế nào để cân bằng được cuộc sống lứa đôi, tình - tiền, tình nghĩa, tình yêu thương được trọn vẹn? Nó đòi hỏi phụ nữ phải trí tuệ, có chút lí trí, có chút khí chất, lẫn dũng cảm để bảo vệ, vun đắp cho hạnh phúc của mình.
Theo tôi, để hạnh phúc gia đình được bền chặt thì cả hai phía vợ chồng cùng phải biết trao cho nhau, không thể chỉ có một bên cho đi, còn một bên chỉ biết thụ hưởng. Nếu không thì hạnh phúc sẽ không thể tồn tại, vì cuộc sống có muôn vàn khó khăn, có muôn vàn khổ đau cần sự sẻ chia, động viên nhau.
Ví như đời doanh nhân, khi một trong hai người vợ hoặc chồng đã bước ra thương trường thì hậu phương phải vững chắc, nếu không, thì người ở thương trường sẽ luôn là một chiến binh cô độc. Khi có giông tố và biến cố, một người không thể chịu đựng được, thì hạnh phúc đôi lứa cũng sẽ lung lay, dẫn đến nhiều bi kịch, để rồi phải xa nhau với vô vàn lí do cay đắng.
Theo Phương Hằng tôi, trong cuộc sống không có giá trị nào bằng tình yêu thương, sự sẻ chia, thấu hiểu, để cùng nhau hướng đến một tương lai tốt đẹp. Vì “một bàn tay không vỗ được tiếng kêu”, nên tinh thần sống và sự thấu hiểu, văn hóa yêu, văn hóa thương, văn hóa sống, để đối đãi với nhau là yếu tố then chốt, là cốt lõi của hôn nhân hạnh phúc.
PV: Theo bà, để nuôi dưỡng yêu thương và hạnh phúc, việc xác định giới hạn yêu thương cần thiết hơn đối với nam hay nữ? Vì sao?
CEO Nguyễn Phương Hằng: Theo tôi, để nuôi dưỡng tình yêu thương thì với nam hay nữ đều cùng cố gắng như nhau, phải biết trân trọng bạn đời, biết cổ vũ và trên hết là niềm tin dành cho nhau. Khi có niềm tin tuyệt đối, thì sẽ không có những giông tố đem vào đời nhau. Còn khi không có niềm tin, thì có vô vàn lí do để đọa đày nhau, ray rứt, dày vò nhau cho đến cạn kiệt sức lực. Có khi cả một đời sống với nhau chỉ để xé nát đời nhau, rồi mới buông tha cho nhau, thì còn đâu nữa là yêu với thương.
Cho nên tôi muốn nói “giới hạn yêu thương” ở đây là phải biết kiểm soát cảm xúc của mình. Khi yêu quá, sẽ bị “ngộ độc”, giống như khi ăn nhiều quá sẽ bị “bội thực”. Cách yêu thương trân trọng chính là hạnh phúc. Còn cách yêu thương chiếm đoạt và sở hữu, để tùy nghi sử dụng hay nhân danh tình yêu để bạo hành, đó là cách yêu thương “bệnh hoạn”, “kém văn hóa”, là sự ích kỷ, tội lỗi.
Phụ nữ sinh ra là để được yêu thương, nếu không được yêu thương, xin chớ đày đọa và giết chết tuổi thanh xuân, thời gian, sắc đẹp và tâm hồn của họ. Bởi phụ nữ luôn mềm yếu, luôn nhẹ dạ cả tin, nhưng khi mất đi niềm tin, mất đi hi vọng sống, thì đa số họ sợ hôn nhân. Họ sợ phải một lần lặp lại và trốn chạy tình yêu. Vì sao vậy? Vì sau một lần hôn nhân tan vỡ, họ nhìn lại mình, vì đâu nông nỗi? Vì yêu đây sao? Sự hi sinh có giá trị gì, khi gặp phải một người chồng vô tâm, vô cảm và tàn nhẫn.
PV: Là một nữ CEO nổi tiếng và thành công, chưa hề thất bại, bà nghĩ và vận dụng “giới hạn yêu thương” trong cuộc sống và điều hành công việc như thế nào để đạt được thành công trọn vẹn?
CEO Nguyễn Phương Hằng: Tôi là nữ CEO nổi tiếng với chữ “Nhẫn”. Nhờ biết “nhẫn” nên tôi luôn tỉnh táo để xác định đúng giới hạn yêu thương, từ đó đạt được những thành công trong công việc và sự an yên trong tâm hồn. Cuộc đời đã toi luyện cho tôi biết “nhẫn” từ lúc còn rất nhỏ, biết cái gì nên nói, cái gì nên không, có thể biến những đau thương thành yêu thương. Bởi tôi hiểu một điều, tinh thần và năng lượng sống tích cực mới là nguồn sống thực sự, chứ không phải vật chất là tất cả.
Giới hạn yêu thương của tôi là cố gắng không làm tổn thương ai, mà luôn cố gắng để chia sẻ với tất cả mọi người bằng tình thương yêu đích thực, không làm ai đau lòng, luôn cho đi năng lượng tích cực. Và tôi luôn áp dụng giới hạn yêu thương đó cả trong cuộc sống, công việc và tất cả các mối quan hệ. Một Nguyễn Phương Hằng ấm áp, chân thành, sống thiện lương, luôn biết lắng nghe, luôn biết chia sẻ, đó là tố chất đã giúp tôi có được thành công trọn vẹn cả trong cuộc sống lẫn công việc.
Bên cạnh những điều tốt đẹp nhận được, tôi cũng luôn thầm cảm ơn những nghịch cảnh, biến cố cuộc đời, bởi nếu không có những “đòn bẩy” biến cố đó thì làm sao tôi biết được tôi đã chịu đựng những điều tưởng chừng không thể chịu đựng, biết tha thứ những điều tưởng chừng không thể thứ tha, để sống trọn vẹn hơn, biết yêu thương nhiều hơn, để thành công trong sự nghiệp và quan trọng hơn là sống cuộc sống an yên đầy ắp tình yêu thương, không oán hận. Và đây cũng chính là những bài học giá trị, trải nghiệm thực tế mà tôi muốn được chia sẻ với tất cả chị em phụ nữ nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Vâng, xin cám ơn bà!