Vỡ quy hoạch, người trồng hồ tiêu điêu đứng

Trong một thời gian dài, do giá hồ tiêu tăng cao, người dân Tây Nguyên bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, ồ ạt mở rộng diện tích trồng hồ tiêu, phá vỡ quy hoạch của ngành nông nghiệp. Hậu quả đã thấy rõ khi những năm gần đây, giá hồ tiêu xuống thấp, chi phí sản xuất cao, dịch bệnh nhiều, người dân đang rơi vào cảnh 'bỏ thì thương, vương thì tội', thậm chí phải chặt bỏ cây hồ tiêu...

Người dân tỉnh Ðác Lắc chăm sóc cây hồ tiêu.

Người dân tỉnh Ðác Lắc chăm sóc cây hồ tiêu.

Sau giai đoạn phát triển "nóng"

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Ðác Lắc Nguyễn Hoài Dương cho biết: Từ năm 2015 trở về trước, do giá hồ tiêu ở mức cao, có thời điểm lên mức hơn 200.000 đồng/kg, người dân ồ ạt trồng, dẫn đến diện tích cây tiêu tăng trưởng quá "nóng", vượt xa so quy hoạch. Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2020, diện tích hồ tiêu chỉ khoảng 20.000 ha nhưng đến năm 2018 đã tăng vọt lên hơn 40.000 ha. Thời gian gần đây, do giá tiêu giảm mạnh, người dân ít chăm sóc và nhiều diện tích bị ngập úng, dịch bệnh gây hại, cho nên đến nay toàn tỉnh giảm còn khoảng 38.500 ha.

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi về huyện Cư M’gar (Ðác Lắc), khi vụ thu hoạch hồ tiêu vừa kết thúc. Không khí ở các vùng quê khá ảm đạm. Anh Trần Văn Minh ở xã Quảng Hiệp cho biết: "Gia đình tôi trồng 1.300 trụ tiêu xen trong vườn cà-phê, trong đó hơn 1.000 trụ tiêu đang ở giai đoạn kinh doanh. Vài ba năm trước, khi giá tiêu hạt lên cao, tôi đầu tư hàng trăm triệu đồng trồng tiêu xen trong vườn cà-phê. Tuy nhiên, hiện giá hồ tiêu chỉ còn khoảng 45.000 đồng/kg. Do giá giảm sâu, hai năm nay, việc đầu tư chăm bón vườn cây cũng hạn chế, cho nên năng suất vụ này giảm đáng kể". Gia đình ông Y Huých Niê ở xã Cư Yang, huyện Ea Kar (Ðác Lắc) hiện đang trồng 1 ha hồ tiêu. Trong vụ thu hoạch vừa qua, do giá tiêu hạt giảm thấp, trong khi giá phân bón, xăng, dầu và công lao động tăng cao, nên sau khi trừ chi phí không còn lãi. Ông Y Huých chia sẻ: "Nếu tiếp tục đầu tư, chăm sóc sẽ bị lỗ, mà chặt bỏ thì tiếc. Vì vậy, tôi chờ giá cả thị trường xem thế nào rồi tính tiếp".

Tại tỉnh Ðác Nông, theo quy hoạch đến năm 2020 sẽ có 10.000 ha hồ tiêu. Nhưng đến nay, đã tăng lên hơn 34.000 ha. Khi giá hồ tiêu tăng cao, hàng trăm gia đình đã chặt bỏ cà-phê, cao-su và các loại cây trồng khác, ồ ạt vay vốn ngân hàng để trồng hồ tiêu. Nhiều hộ trồng tiêu trên cả chân đất không phù hợp, thường xuyên ngập nước khiến cây hồ tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt. Hiện nay, giá hồ tiêu tuột dốc khiến nhiều nông dân lâm cảnh trắng tay, nợ ngân hàng.

Xã Nâm N’Jiang ở huyện Ðác Song được mệnh danh là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Ðác Nông với diện tích gần 6.000 ha, trong đó nhiều hộ trồng từ 18 đến 30 ha. Thời gian hồ tiêu được giá, những gia đình trồng nhiều mỗi năm thu hàng chục tỷ đồng, nhưng vài năm gần đây, chính họ lại lâm cảnh nợ nần. Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jiang Nông Văn Cường cho biết, trên địa bàn có khoảng 90% số hộ trồng tiêu phải vay vốn ngân hàng. Khi hạt tiêu rớt giá, cây bị bệnh chết hàng loạt, nông dân gặp rất nhiều khó khăn, nhiều hộ đã phải bán ô-tô, bán đất, cầm cố nhà cửa để trả nợ.

Năm 2009, anh Nguyễn Văn Hải, xã Nâm N’Jiang bắt đầu trồng hơn 3 ha hồ tiêu, khi thu hoạch giá hồ tiêu luôn ổn định ở mức 190.000/kg. Thấy lợi nhuận lớn, anh Hải đã vay ngân hàng năm tỷ đồng, mở rộng diện tích lên 17 ha. Những năm được mùa, được giá, anh Hải thu về từ 8 đến 10 tỷ đồng/năm, tuy nhiên, trong vài năm nay, giá tiêu hạt giảm và cây hồ tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt khiến gia đình anh lao đao. "Nhà tôi có 9 ha tiêu bị chết và hiện đang nợ ngân hàng 4,5 tỷ đồng, mỗi tháng phải trả lãi vay gần 50 triệu đồng" - anh Hải thở dài nói.

Hướng tới phát triển bền vững

Trưởng phòng Cây công nghiệp và cây ăn quả (Cục Trồng trọt) Nguyễn Quốc Mạnh cho biết, từ năm 2010 đến nay, diện tích trồng cây hồ tiêu nước ta tăng rất nhanh. Năm 2010 cả nước có 51,5 nghìn héc-ta, đến hết năm 2017 đã tăng lên 152.668 ha (riêng khu vực Tây Nguyên có hơn 90 nghìn ha), tăng 196,4% và vượt quy hoạch hơn 100.000 ha. Năm 2018, diện tích hồ tiêu giảm còn 149.000 ha và dự báo năm 2019 tiếp tục giảm nhanh. Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới. Cây hồ tiêu được trồng tập trung ở Tây Nguyên và Ðông Nam Bộ, chiếm hơn 90% diện tích của cả nước. Hiện, hồ tiêu Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 95 nước. Tuy nhiên, sản xuất hồ tiêu còn chưa bền vững. Việc tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của ngành hồ tiêu; các vùng trồng có diện tích tập trung lớn chưa nhiều, khó đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện. Hơn nữa, việc áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất như tưới tiết kiệm, phòng trừ sâu, bệnh gây hại còn hạn chế.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðác Song (Ðác Nông) Lê Hoàng Vinh cho biết, trước năm 2017, do giá tiêu cao, người dân trồng ồ ạt với quy mô lớn, nhiều hộ tự nhân giống tiêu từ các vườn nhiễm bệnh, làm nguồn bệnh lây lan. Bên cạnh đó, quy trình kỹ thuật chăm sóc không bảo đảm, nhiều hộ còn lạm dụng phân bón hóa học, phân bón lá để kích thích sinh trưởng khiến cây giảm khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, thời tiết. Hai năm qua, giá tiêu xuống rất thấp, nông dân hạn chế đầu tư chăm sóc, đặc biệt lơ là phòng trừ sâu, bệnh, nhiều vườn tiêu chết hàng loạt. Riêng huyện Ðác Song có gần 1.000 ha hồ tiêu đã bị chết.

Theo Bộ NN và PTNT, để phát triển bền vững ngành hồ tiêu, các tỉnh cần rà soát lại toàn bộ diện tích trong quy hoạch cũng như diện tích vượt quy hoạch. Ðồng thời, vận động, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát không để người dân tự ý phát triển cây hồ tiêu ngoài vùng quy hoạch, đặc biệt những nơi không phù hợp, thiếu nước tưới hoặc đã quy hoạch phát triển cây trồng khác. Cần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã để chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng quy trình kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch hại. Các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành hồ tiêu; nghiên cứu có hệ thống và đồng bộ hệ thống các giải pháp đối với cây hồ tiêu từ chọn tạo giống, quy trình canh tác, sơ chế biến, bảo quản. Ðồng thời tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với nông dân, hình thành mạng lưới thu mua trực tiếp tại các vùng trồng hồ tiêu. Mặt khác, các bộ, ngành cũng cần tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu.

Theo Cục Trồng trọt, với nhu cầu thế giới và điều kiện của Việt Nam, chỉ nên duy trì diện tích trồng hồ tiêu khoảng 100.000 đến 120.000 ha, năng suất bình quân từ 25 đến 27 tạ/ha, sản lượng khoảng 237 đến 256 nghìn tấn.

Bài, ảnh: Hoàng Hùng, Công Lý và Văn Yên

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40150902-vo-quy-hoach-nguoi-trong-ho-tieu-dieu-dung.html