Vợ quyết định lớn sau 9 năm nhẫn nhịn chuyện về ngoại ăn Tết
Dù tôi nhiều lần phản kháng nhưng chồng không bận tâm tới thái độ của vợ. Anh luôn coi đó là chuyện không quan trọng và bắt vợ nhất định phải theo ý mình.
Tôi và chồng kết hôn được 9 năm. Cuộc sống hôn nhân không có quá nhiều sóng gió trừ những lúc chồng đi nhậu nhẹt về khuya. Những lần đó vợ chồng lại cãi nhau to. Tôi yêu cầu chồng phải tôn trọng vợ con, dù đi đâu với ai cũng phải về nhà trước 12 giờ đêm. Ban đầu chồng cho rằng đó là đòi hỏi vô lý của vợ. Nhưng vì nhiều lần anh về muộn, tôi làm căng, chồng đành phải chịu.
Sống chung với bố mẹ chồng 5 năm, chúng tôi mua nhà ra ở riêng. Ra riêng, cuộc sống có vất vả hơn, mọi việc đều đến tay nhưng đối với tôi tự do vẫn luôn tốt. Tôi có thể làm mọi việc theo ý mình, ăn ngủ theo sở thích, không phải nhìn trước ngó sau như hồi ở chung với bố mẹ chồng.
Nhưng từ ngày ở riêng, chuyện về quê nội, ngoại lại trở thành vấn đề của chúng tôi. Tuần nào chồng cũng bắt tôi và các con về quê nội. Dù tôi có ốm hay con mệt, anh cũng khăng khăng “về nhà nghỉ ngơi”.
Nhà chồng cách nhà riêng của chúng tôi không bao xa nhưng tuần nào cũng phải về, khá bất tiện. Tôi đi làm cả tuần vất vả, chỉ mong đến ngày cuối tuần được nghỉ ngơi hoặc cho con cái đi chơi. Nhưng chồng không coi trọng chuyện đó. Anh cho rằng về quê với bố mẹ cũng là nghỉ ngơi.
Anh đâu hiểu rằng, mỗi lần về lại tay xách nách mang, bố mẹ chồng lại phải bày biện cơm nước. Không chỉ ông bà vất vả mà tôi cũng mệt nhọc. Vả lại, con cái không có môi trường nào ngoài nhà ông bà nội cũng không phải là chuyện tốt. Tôi muốn tranh thủ cuối tuần cho các con đi dã ngoại, công viên hoặc cả nhà đi ăn uống bên ngoài.
Những ý kiến của tôi đều bị chồng gạt hết. Anh nhất nhất bắt tôi phải tuân theo ý mình. Những chuyện nhỏ hóa thành mâu thuẫn lớn. Tôi luôn sống nhẫn nhịn, làm tròn đạo hiếu với nhà chồng nhưng anh chưa từng hiểu cho tôi.
Tôi lấy chồng xa, vài ba tháng mới về thăm bố mẹ một lần mà cũng không dám oán than. Nhưng anh coi chuyện đó là bình thường bởi “lấy chồng thì phải theo nhà chồng”.
Chưa năm nào anh về quê vợ trước Tết để biếu lễ bố mẹ vợ. Tôi có giục thì anh bảo: “Nhà xa, đi lại bất tiện, trong Tết về cũng được”. Đối với anh, bố mẹ tôi chỉ là phụ, không khiến anh bận tâm.
Tôi cố gắng nín nhịn những chuyện đó để thủ thỉ xin anh về quê đón giao thừa cùng bố mẹ đẻ một năm. Nhưng mỗi lần nhắc đến thì anh lại tìm lý do để hứa hẹn. Hết năm này qua năm khác, anh đều bắt tôi phải mùng 4 mới được về quê ngoại ăn Tết. Ở quê, mùng 4, các cụ đã ra đồng làm ruộng hết, đâu còn ai ở nhà như người thành phố.
Chín năm hôn nhân, tôi chưa từng thấy mình có đòi hỏi gì quá đáng. Chuyện đòi về quê ăn Tết sớm cũng là chuyện hợp lẽ thường tình. Nhưng tính chồng gia trưởng, bảo thủ, lại sợ bố mẹ phê bình nên không dám cho vợ con về trước. Năm nào cũng như năm nào, trước Tết, tôi và anh lại cãi nhau một trận nảy lửa.
Năm nay gia đình tôi có việc, chị gái ruột ở trong Nam ra ăn Tết và mùng 5 phải bay vào. Tôi bàn với chồng xin phép bố mẹ về quê vợ ăn Tết từ mùng 2. Tôi cũng tranh thủ xin nghỉ sớm để dọn dẹp, sắm hết đồ đạc cho nhà chồng để bố mẹ chồng hài lòng. Vậy mà chưa kịp mở lời, anh đã trừng mắt nhìn tôi, nói vợ vô phép vô tắc.
Sẵn uất ức trong lòng, tôi cũng nổi khùng lên phản ứng trước mặt bố mẹ chồng: “Anh nói tôi vô phép vô tắc, vậy anh xem anh có phép tắc không? Nhiều năm qua, anh chưa từng về biếu quà cáp Tết cho bố mẹ vợ trước, còn cấm đoán tôi đủ đường. Năm nay nhà tôi có việc, tôi xin về sớm mà anh cũng không đồng ý. Anh có gia đình, tôi cũng có người thân ruột thịt. Không lẽ chỉ có anh mới biết coi trọng tình thân à”?
Nói rồi, tôi quay vào trong nhà dọn dẹp đồ đạc. Tôi cũng trình bày luôn với bố mẹ chồng rằng đã lo chu toàn cho gia đình nên xin về sớm từ mùng 2. Bố mẹ chồng im lặng nhưng chồng tôi vẫn nổi khùng, còn định vung tay tát vợ.
Nhân thái độ thiếu tôn trọng vợ của anh, tôi thưa luôn chuyện với bố mẹ chồng. “Từ năm sau, con xin phép một năm ăn Tết nội, một năm ăn Tết ngoại. Nếu chồng con cảm thấy ấm ức vì chuyện này, không chấp nhận được thì con cũng không thể tiếp tục được cuộc hôn nhân này nữa. Con xin phép”.
Sau câu nói của tôi, chồng cứng họng. Chín năm qua tôi đã quá nhẫn nhịn nên anh không biết được tôi phải ấm ức thế nào. Nhưng giờ “giọt nước tràn ly”, tôi thực sự không thể chịu đựng thêm được nữa. Tôi đã quyết định phải sống vì mình dù có ly hôn.
Độc giả Hồng Hoa (Hà Nội)