Vỡ sông băng khiến nhiều người mất tích ở Ấn Độ: Những hình ảnh kinh hoàng và những lý do có thể
Một sông băng bị vỡ ở Ấn Độ đã cuốn trôi con đập, phá hủy nhiều nhà cửa, vùi cả một vùng dưới bùn đất, khiến nhiều người thiệt mạng và mất tích. Người ta thậm chí gọi đây là 'sóng thần Himalaya'. Vậy nguyên nhân gì dẫn đến sự việc kinh hoàng này?
Sông băng Nandadevi bị vỡ đã gây ra trận lũ lụt khủng khiếp ở bang Uttarakhand (Ấn Độ). Nó cuốn trôi một đập thủy điện và nhiều nhà cửa. Bùn đất đổ xuống, nước dâng lên. Khoảng 150 - 200 người được báo cáo là mất tích và tính đến hiện tại đã có ít nhất 10 người thiệt mạng.
Điều lạ là các hình ảnh vệ tinh và Google Earth không cho thấy có hồ băng nào gần khu vực này. Nhưng khả năng là có một “túi nước”, hoặc một hồ bên trong sông băng, trong khu vực, có thể đã “bung ra”, dẫn đến thảm họa này, theo như ông Farooq Azam, giáo sư ở Học viện Công nghệ Ấn Độ Indore (IITI), nói với hãng tin IANS.
Sông băng Nandadevi tạo thành một phần của ngọn núi cao thứ hai ở Ấn Độ. Thực tế, đó là ngọn núi cao nhất nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Ấn Độ. Các chuyên gia cho rằng, việc vỡ sông băng là rất hiếm và cần phân tích thêm. Bởi sự việc lần này có vẻ không phải do mưa to, bởi thời tiết ở khu vực này vẫn nắng ráo. Anjal Prakash, Giám đốc nghiên cứu và Phó Giáo sư trợ giảng tại Trường Kinh doanh Ấn Độ (Hyderabad), nói thoạt nhìn thì đây có vẻ là một sự việc do biến đổi khí hậu.
Sự việc này cũng được gọi là lũ lụt bùng phát do hồ băng (GLOF). Theo Liên Hợp Quốc, GLOF là cụm từ dùng để miêu tả việc giải phóng đột ngột một lượng nước lớn được trữ trong một hồ băng, bất kể lý do là gì. Đó là kiểu lũ lụt đột ngột ập đến, khi nước, vốn bị ngăn bởi băng, bị “xả” ra. Lũ lụt kiểu này có thể do khá nhiều lý do, bao gồm mưa to, băng/ tuyết tan, động đất, đập bị xuống cấp…
Còn hồ băng bị vỡ cũng có thể do nhiều nguyên nhân, như sự xói mòn, do áp lực nước bị tích tụ, do lở tuyết hoặc đá, thậm chí có thể do một trận động đất bên dưới lớp băng. Nó cũng có thể xảy ra khi có sự dịch chuyển lớn của nước trong vùng hồ băng, khi một phần lớn của một sông băng liền kề bị sụp đổ chẳng hạn. Tất cả những điều này đều rất khó dự báo được.
Video về thảm họa vỡ sông băng ở Uttarkhand (Nguồn: Vimal bhai/ Twitter/ NDTV):
Các hồ băng có thể to nhỏ khác nhau, nhưng chúng chứa hàng triệu đến hàng trăm triệu mét khối nước, và việc nước “xả” ra từ hồ có thể kéo dài nhiều ngày liền. Bởi vậy, người dân trong khu vực phải sơ tán và tạm thời không ai được lại gần đây, trừ nhân viên cứu hộ.