Võ Thị Thùy Ngân-Người đam mê bảo tồn, nhân giống cây dược liệu quý

Trong 10 năm làm việc tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH-CN) thuộc Sở KH-CN tỉnh Gia Lai, thạc sĩ Sinh học thực nghiệm Võ Thị Thùy Ngân đã tập trung nghiên cứu bảo tồn các loài cây dược liệu quý. Trong đó, nghiên cứu '50 trình tự đoạn gen ITS của cây thất diệp nhất chi hoa bản địa của tỉnh Gia Lai' do chị và các cộng sự thực hiện được công bố trên GenBank-NCBI (Ngân hàng cơ sở dữ liệu sinh học của Mỹ).

Chị Ngân cho biết: Năm 2020, trong quá trình thực hiện đề tài: “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống dược liệu thất diệp nhất chi hoa có nguồn gốc tại tỉnh Gia Lai”, chị và các cộng sự tiến hành nghiên cứu 50 trình tự đoạn gen ITS của cây thất diệp nhất chi hoa bản địa trên địa bàn tỉnh. “Cây thất diệp nhất chi hoa (cây bảy lá một hoa) là loài thảo dược sống lâu năm, toàn bộ lá, thân, rễ, củ đều được sử dụng làm thuốc. Cây có vị ngọt, hơi cay, tính bình không độc nên trong dân gian thường sử dụng để giải độc khi bị rắn cắn, làm thuốc kháng viêm… Cây thất diệp nhất chi hoa được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (năm 2007) với cấp đánh giá hiếm (R). Cây cũng được khuyến cáo phải được lưu giữ và bảo vệ nguồn gen”-chị Ngân thông tin.

Để điều tra hiện trạng phân bố cây thất diệp nhất chi hoa, chị Ngân đã khảo sát thực tế tại 2 khu vực: Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Tại khu vực điều tra, chị Ngân cùng các cộng sự ghi nhận đặc điểm vùng sinh thái và đặc điểm thực vật học của 304 cây thất diệp nhất chi hoa. Trong đó, 233 cây tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và 71 cây tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Đặc điểm vùng sinh thái tại vùng phân bố cây này là ở vùng núi cao trên 800 m, tại các khe suối hay hốc đá, trên loại đất mùn hoặc đất mùn đen pha cát; khí hậu mát mẻ, nhiệt độ 17-21 độ C, lượng mưa trung bình 1.750-2.250 mm/năm.

Chị Võ Thị Thùy Ngân (bìa trái) cùng đồng nghiệp tìm hiểu về quá trình sinh trưởng của cây thất diệp nhất chi hoa bản địa ở tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Nhật

Chị Võ Thị Thùy Ngân (bìa trái) cùng đồng nghiệp tìm hiểu về quá trình sinh trưởng của cây thất diệp nhất chi hoa bản địa ở tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Nhật

Qua tìm hiểu, chị Ngân chưa thấy có tài liệu nào đề cập đến thực trạng nguồn gen, chất lượng nguồn gen của cây thất diệp nhất chi hoa tại Gia Lai. Lựa chọn hướng đi này, chị Ngân đối diện với hàng chuỗi công việc phải làm như: tiến hành mã hóa mẫu vật thu nhập; giải trình tự vùng gen bằng phương pháp khuếch đại vùng gen ITS; kết quả giải trình tự 2 chiều được đối chiếu với nhau hiệu chỉnh để thu về một trình tự duy nhất bằng phần mềm SeqMan V 7.1; trình tự ở định dạng file fasta được đối chiếu với các trình tự trên ngân hàng gen bằng công cụ BLAST… Chị và cộng sự đã chứng minh đặc điểm thực vật học của cây thất diệp nhất chi hoa thu thập được ở tỉnh Gia Lai có sự tương đồng với cây cùng loài đã được các nước khác công bố trước đó. Hàm lượng saponin trung bình trong mẫu theo phương pháp đo quang UV-Vis đạt 1,54-4,01%. Trình tự gen ITS của cây thất diệp nhất chi hoa tại Gia Lai tương thích với loài cây thất diệp nhất chi hoa đã được công bố trước đó. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra cơ sở dữ liệu tham chiếu về đặc điểm hình thái, đặc điểm hóa sinh và kết quả định danh xác nhận dựa trên vùng gen ITS của cây được phân bố tại tỉnh Gia Lai, góp phần làm vật liệu ban đầu phục vụ các nghiên cứu tiếp theo về chọn tạo giống và nhân trồng loại cây dược liệu có giá trị này.

Sau đó, chị Ngân gửi nghiên cứu “50 trình tự đoạn gen ITS của cây thất diệp nhất chi hoa bản địa của tỉnh Gia Lai” và được công bố trên Ngân hàng cơ sở dữ liệu sinh học của Mỹ. “50 trình tự đoạn gen ITS được công bố trên Ngân hàng cơ sở dữ liệu sinh học của Mỹ là thành công rất lớn của nhóm nghiên cứu. Nghiên cứu này cũng chính là tài liệu khoa học đầu tiên về thông tin nguồn gen của cây thất diệp nhất chi hoa bản địa của Gia Lai”-chị Ngân tâm sự.

Chị Võ Thị Thùy Ngân (thứ 2 từ phải qua) được nhận giấy khen của Ban Chấp hành Đoàn Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh trong phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” năm 2022. Ảnh: Minh Nhật

Chị Võ Thị Thùy Ngân (thứ 2 từ phải qua) được nhận giấy khen của Ban Chấp hành Đoàn Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh trong phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” năm 2022. Ảnh: Minh Nhật

Trong thời gian công tác tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN, chị Ngân đã tham gia khoảng 10 đề tài, dự án khoa học nhằm nghiên cứu triển khai ứng dụng thành tựu KH-CN trong và ngoài nước vào các lĩnh vực sản xuất, đời sống và bảo vệ môi trường. Năm 2021, chị Ngân được bổ nhiệm chức Phó Giám đốc Trung tâm. Không chỉ đam mê nghiên cứu khoa học, với vai trò là Bí thư Chi Đoàn Sở KH-CN, chị Ngân còn tích cực triển khai nhiều phong trào, hoạt động Đoàn; cổ vũ đoàn viên, thanh niên tích cực nghiên cứu khoa học. Mới đây, chị Ngân vinh dự là 1 trong 36 cá nhân được Ban Chấp hành Đoàn khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tuyên dương trong phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” năm 2022.

Ông Lê Minh Hải-Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN-chia sẻ: Chị Võ Thị Thùy Ngân là một cán bộ nhiệt tình, tâm huyết trong công việc. Việc đăng ký thành công 50 trình tự gen ITS của cây thất diệp nhất chi hoa bản địa của tỉnh Gia Lai lên Ngân hàng cơ sở dữ liệu sinh học của Mỹ là kết quả đáng ghi nhận. Đây là tiền đề để chị Ngân cùng các cộng sự tiếp tục nghiên cứu, góp phần bảo tồn và phát triển tốt nguồn gen quý hiếm trên địa bàn tỉnh.

MINH NHẬT

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12363/202212/vo-thi-thuy-ngan-nguoi-dam-me-bao-ton-nhan-giong-cay-duoc-lieu-quy-5798374/