Võ thuật tổng hợp Việt Nam: đầu tư bài bản, vươn tầm quốc tế

Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam (VMMAF) đã lên kế hoạch tuyển chọn các vận động viên sau khi Hội đồng Olympic châu Á (OCA) xác nhận võ thuật tổng hợp (MMA) là môn thi đấu chính thức tại Đại hội Thể thao châu Á 2026 (Asiad 20).

Lần đầu tổ chức thi đấu tại Asiad

Asiad 20 tổ chức từ ngày 19/9 - 4/10/2026 tại TP Aichi và Nagoya (Nhật Bản). Đây là lần thứ 3, Nhật Bản đăng cai Asiad sau kỳ Asiad Tokyo năm 1958 và Hiroshima năm 1994. Á vận hội dự kiến sẽ tổ chức thi đấu tổng cộng 42 môn thể thao. Trong đó bao gồm: 32 môn thể thao Olympic, 1 môn mới sẽ ra mắt tại Á vận hội 2026 là lướt sóng (surfing), 9 môn thể thao được đề xuất từ các khu vực bao gồm wushu (Đông Á), cầu mây (Đông Nam Á), kabaddi (Nam Á), kurash (Trung Á) và Jujitsu (Tây Á), 7 môn thể thao do chủ nhà đưa vào bao gồm bóng chày/bóng mềm, cricket, karate, esports, squash, dancesport và bowling.

MMA có lần đầu tiên góp mặt tại Asiad 20 với 6 hạng cân thi đấu, gồm 4 hạng cân nam và 2 hạng cân nữ. Ảnh: Như Đạt

MMA có lần đầu tiên góp mặt tại Asiad 20 với 6 hạng cân thi đấu, gồm 4 hạng cân nam và 2 hạng cân nữ. Ảnh: Như Đạt

Theo quyết định từ Ban Tổ chức chủ nhà Nhật Bản và Hội đồng Olympic châu Á (OCA), môn MMA góp mặt tại Asiad 20 với 6 hạng cân thi đấu, gồm 4 hạng cân nam (60kg, 71kg hiện đại, 65kg, 77kg truyền thống) và 2 hạng cân nữ (54kg hiện đại, 60kg truyền thống). Theo đánh giá của giới chuyên gia, MMA được đưa vào thi đấu tại Asiad 20 đánh dấu bước tiến quan trọng đối với môn thể thao tại châu Á. Đây là lần đầu tiên võ thuật tổng hợp xuất hiện trong một kỳ Á vận hội, mở ra cơ hội lớn cho các HLV, VĐV đang tập luyện bộ môn, đồng thời tạo điều kiện để những võ sĩ có chuyên môn tốt tranh tài ở sân chơi tầm cỡ khu vực. Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam Ngô Đức Quỳnh cho biết, sau khi nắm được thông báo trên từ OCA, Liên đoàn sẽ để bộ phận chuyên môn xây dựng kế hoạch hướng tới chuẩn bị cho Asiad 20 vào năm 2026.

MMA Việt Nam sẽ có cơ hội để khẳng định vị thế ở Đông Nam Á khi tham gia thi đấu tại SEA Games 33. Còn với đấu trường Asiad 20 sẽ vô cùng khó khăn khi trình độ của võ sĩ có sự chênh lệch so với các nước có vận động viên chất lượng như: Kazakhstan, Iran, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Điều này buộc MMA Việt Nam cần xác định các hạng cân có lợi thế để tập trung đầu tư giành huy chương, đồng thời cần chuẩn bị dài hơi, đặc biệt là ở các nội dung đối kháng mới mong có thành tích.

Tạo nền móng phát triển lâu dài

Trong những năm qua, võ thuật tổng hợp đã có bước phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với nhiều giải đấu hấp dẫn, đặc biệt là Giải vô địch quốc gia MMA Việt Nam (Lion Championship). Tại giải vô địch châu Á 2023 tại Thái Lan, tuyển Việt Nam xuất sắc giành 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ, xếp hạng 4 toàn đoàn. Thành tích cho thấy tiềm năng phát triển của MMA Việt Nam khi bước vào sân chơi Asiad.

MMA là môn thể thao có tiềm năng cạnh tranh huy chương cho thể thao Việt Nam tại đấu trường quốc tế. Ảnh: Như Đạt

MMA là môn thể thao có tiềm năng cạnh tranh huy chương cho thể thao Việt Nam tại đấu trường quốc tế. Ảnh: Như Đạt

Để tuyển chọn lực lượng cho SEA Games 33 và Asiad 2026, VMMAF lên kế hoạch tuyển chọn các vận động viên thông qua các giải đấu lớn trong năm nay. Đó là giải MMA Championship 2025 khởi tranh từ ngày 12/4 và Cúp các câu lạc bộ MMA toàn quốc 2025 diễn ra từ ngày 23 - 29/6 tại Hà Nội.

Phó Chủ tịch VMMAF Nguyễn Tuấn Cường, Lion Championship 2025 sẽ được tổ chức với 9 sự kiện, diễn ra tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cam Ranh (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Theo điều lệ thi đấu, các võ sĩ sẽ thi đấu theo các thể thức mới gồm: đánh đứng (striking), địa chiến (ground fight), song đấu (duo), luân chiến (gauntlet). Đối với Giải Cúp các câu lạc bộ MMA toàn quốc 2025 sẽ thi đấu ở 3 nhóm tuổi với 9 hạng cân.

“Với việc Giải Cúp các câu lạc bộ MMA toàn quốc nằm trong hệ thống thi đấu thể thao quốc gia do Cục Thể dục Thể thao Việt Nam ban hành, cùng với sự xuất hiện của MMA tại Asiad 20, đã mở ra một lộ trình rõ ràng dành cho các vận động viên có thành tích cao, hướng tới đấu trường quốc tế” - ông Nguyễn Tuấn Cường khẳng định.

Được biết, kết quả của hai giải Lion Championship 2025 và Giải Cúp các câu lạc bộ MMA toàn quốc 2025, những võ sĩ có thành tích tốt sẽ được xem xét chọn vào đội tuyển quốc gia, tập trung tập huấn với giáo án chuyên sâu, phát triển kỹ thuật. Ngoài ra, Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam cũng lên kế hoạch đưa các vận động viên đi thi đấu các giải quốc tế tại Thái Lan, Trung Quốc… nhằm nâng cao trình độ. Đồng thời, lên kế hoạch hợp tác, mời các huấn luyện viên, chuyên gia đến từ những quốc gia có MMA phát triển như Mỹ, Nga, Brazil hoặc Thái Lan huấn luyện cho đội tuyển.

Trưởng phòng Thể thao thành tích cao, Cục Thể dục Thể thao Việt Nam (Bộ VHTT&DL) Hoàng Quốc Vinh cho biết, thể thao Việt Nam có lợi thế lớn ở các môn võ như: jujitsu, kurash, kickboxing, muay Thái và đặc biệt là taekwondo, karate, judo, vovinam… Đây là những môn đã mang về nhiều huy chương cho thể thao nước nhà tại Asiad.

“MMA là môn thể thao có tiềm năng cạnh tranh huy chương cho thể thao Việt Nam tại đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, MMA là môn thể thao có yêu cầu cao về thể chất, nên việc đầu tư vào phòng tập, trang thiết bị hiện đại và chế độ dinh dưỡng khoa học là rất quan trọng. Các vận động viên cần có môi trường tập luyện chuẩn quốc tế để phát triển tối đa khả năng. Thời gian tới, Cục Thể dục Thể thao Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam tổ chức thêm nhiều giải đấu giúp vận động viên có cơ hội thi đấu thực chiến thường xuyên, hỗ trợ các câu lạc bộ MMA trên toàn quốc để tạo nền móng phát triển lâu dài” - ông Hoàng Quốc Vinh nhấn mạnh.

Hoàng Minh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vo-thuat-tong-hop-viet-nam-dau-tu-bai-ban-vuon-tam-quoc-te.659582.html