Vợ thương binh - Những anh hùng thầm lặng nơi hậu phương

Mỗi độ tháng 7 về, những thước phim tài liệu, câu chuyện xúc động về các thương binh, bệnh binh, những Mẹ Việt Nam Anh hùng lại xuất hiện nhiều hơn trên truyền hình, báo đài và mạng xã hội. Trong dịp này, hình ảnh của những người vợ thương binh âm thầm chăm sóc, nguyện cùng người chồng không lành lặn vượt qua nỗi vất vả để vun đắp gia đình hạnh phúc cũng là những hình ảnh đẹp xứng đáng được tri ân.

 Vợ chồng cô Trần Thị Thu Dung.- thương binh 1/4 Huỳnh Văn Thiện (ở Long Hải, TPHCM)

Vợ chồng cô Trần Thị Thu Dung.- thương binh 1/4 Huỳnh Văn Thiện (ở Long Hải, TPHCM)

Cả một đời sắc son chung thủy

Cô Ngô Thị Hòa (sinh năm 1962) là vợ của chú Hoàng Văn Hoan (sinh năm 1959), thương binh hạng 2/4, bị cụt một chân, hiện sinh sống tại xã Hòa Hiệp, TPHCM. Vợ chồng cô cưới nhau khi cô mới 18 tuổi, lúc chú Hoan đã là bộ đội với 5 năm quân ngũ. Sau đám cưới, chú quay lại đơn vị, rồi bị thương tại chiến trường K, mất đi một phần cơ thể và trở về với chiếc chân giả. Vậy mà, cô Hòa chưa từng rời bước. Gần nửa thế kỷ qua, cô không chỉ là người bạn đời, mà còn là "chiếc nạng thứ 3" nâng đỡ chồng mình bước tiếp.

Vợ chồng cô Ngô Thị Hòa và chú Hoàng Văn Hoan, thương binh hạng 2/4, bị cụt một chân, hiện sinh sống tại xã Hòa Hiệp, TPHCM.

Vợ chồng cô Ngô Thị Hòa và chú Hoàng Văn Hoan, thương binh hạng 2/4, bị cụt một chân, hiện sinh sống tại xã Hòa Hiệp, TPHCM.

Hai vợ chồng buôn bán trong một ki-ốt nhỏ ở chợ Hòa Hiệp. Năm 2012, chú không may bị bỏng nặng trong vụ cháy chợ và phải nằm điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy suốt 2 năm. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng cô Hòa vẫn một lòng đồng hành, chẳng rời xa dù phút giây nào.

"Chú bị thương ở chiến trường K. Hồi đó khổ lắm, việc liên lạc khó khăn, mọi người cứ đồn là chú đã chết rồi. Gia đình, họ hàng toàn nghĩ rằng chú đã chết. Cô khóc ngày khóc đêm, cứ cầu mong cho chồng quay về bình an. Khi chú quay về, cô vui mừng khôn xiết, dù chú bị cụt một chân nhưng cô cảm thấy đó là gánh nặng gì cả. Chỉ cần chú còn sống là hạnh phúc vô cùng", cô Hòa tâm sự.

Tình yêu và sự tận tụy ấy cũng hiện hữu nơi cô Lê Thị Lắm (sinh năm 1954), vợ chú Lê Nam Đường là thương binh 2/4, hiện trú tại xã Xuyên Mộc, TPHCM. Họ đến với nhau cuối năm 1975, khi chú còn phục vụ trong quân đội, lúc đó chú đã là thương binh. Ngày ấy, cô là thợ may, còn chú làm bộ đội hậu cần. Họ nên duyên qua những lần cô sửa quần áo cho bộ đội.

Hội LHPN TPHCM thăm và tặng quà cô Lê Thị Lắm

Hội LHPN TPHCM thăm và tặng quà cô Lê Thị Lắm

"Chú làm công tác hậu cần, đơn vị lúc đó trong địa phương ở cạnh nhà dân. Hồi trẻ, cô là thợ may, bộ đội hay qua lại sửa quần áo. Rồi chú để ý cô và về báo đơn vị, nhờ thủ trưởng đơn vị đến nói chuyện ngỏ lời, thì mình ưng luôn. Sau ngày giải phóng đất nước, cuối năm 1975 thì vợ chồng cô cưới nhau".

Sau 50 năm chung sống, họ có với nhau 5 người con thành đạt. Giờ đây, khi chú Đường đã bước sang tuổi 80, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, trí nhớ cũng không còn minh mẫn, cô Lắm lại tiếp tục vai trò người bạn đời tận tụy: đút từng thìa cơm, dìu đi vệ sinh, chăm sóc chồng từng chút một. "Chỉ có tôi chăm ông thôi, con cái ở xa, có dịp mới về", cô chia sẻ nhẹ nhàng.

Tri ân từ trái tim

Ngay sau khi thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Hội LHPN TPHCM mới được hợp nhất từ Hội LHPN 3 tỉnh/thành: TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu đã bắt tay vào công tác hoạt động Hội.

Mặc dù công việc còn nhiều, một số cán bộ Hội được điều chuyển từ các cơ quan, đơn vị khác, còn nhiều bỡ ngỡ trong công tác Hội…, thế nhưng hoạt động đền ơn đáp nghĩa đã nhanh chóng triển khai một cách tận tình chu đáo.

Hội đã rà soát danh sách các cô, dì là vợ thương binh nặng và đặc biệt nặng trên toàn địa bàn 168 xã, phường, đặc khu để tổ chức thăm hỏi, tặng quà. Nhiều đoàn đã lặn lội đến tận nơi, từ những vùng ngoại thành, vùng biệt lập, để thăm các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Với những vợ thương binh ở khu vực nội thành, Hội tổ chức họp mặt, tôn vinh và lắng nghe tâm sự.

Hội LHPN TPHCM thăm và tặng quà vợ thương binh tại các xã Long Sơn, Châu Pha, Châu Đức, Kim Long, Ngãi Giao, Bình Giã, Xuân Sơn, Nghĩa Thành.

Hội LHPN TPHCM thăm và tặng quà vợ thương binh tại các xã Long Sơn, Châu Pha, Châu Đức, Kim Long, Ngãi Giao, Bình Giã, Xuân Sơn, Nghĩa Thành.

Tại các nơi đã đến thăm, các trưởng đoàn công tác Hội LHPN TPHCM đã nêu lên ý nghĩa của chuyến đi, ân cần thăm hỏi, lắng nghe những chia sẻ từ gia đình, đặc biệt là các cô, các dì vợ thương binh. Đại diện lãnh đạo Hội LHPN TPHCM bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và khẳng định thế hệ trẻ hôm nay luôn ghi nhớ công ơn của các mẹ, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã góp phần viết nên trang sử hào hùng của dân tộc. Ở góc độ giới, Hội LHPN đặc biệt quan tâm đến các chị, các cô, các dì là vợ thương binh, những người phụ nữ chịu thương chịu khó một lòng chung thủy sắc son, dù gian khó nhưng vẫn luôn đồng hành cùng chồng.

Bà Huỳnh Thị Thúy Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, xúc động chia sẻ: "Khi đến tận nhà thăm hỏi, chúng tôi càng hiểu và càng thương hơn những hy sinh lặng lẽ của các cô, các dì là vợ thương binh. Họ là tấm gương của sự thủy chung, nhân hậu cho thế hệ trẻ noi theo".

Bà Huỳnh Thị Thúy Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, thăm và tặng quà cô Trần Thị Hoa là vợ thương binh.

Bà Huỳnh Thị Thúy Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, thăm và tặng quà cô Trần Thị Hoa là vợ thương binh.

Cô Trần Thị Hoa, vợ chú Nguyễn Văn Thá (xã Bình Châu, TPHCM), cho biết: Bản thân cô cũng từng là thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn. Cô hiểu và thương người lính nên khi cưới chú vào năm 1984, dù biết chồng là thương binh, cô vẫn sẵn sàng gắn bó.

"Vì thương và hiểu nên chúng tôi đã gắn bó ngần ấy năm, vượt qua bao gian khó. Tôi bất ngờ khi được các chị ở Hội LHPN TPHCM đến tận nơi thăm, tặng quà, động viên. Thật xúc động trước nghĩa cử chu đáo của thế hệ phụ nữ trẻ hôm nay!", cô Hoa chia sẻ.

Cùng chung cảm xúc, cô Trần Thị Thu Dung, vợ thương binh 1/4 Huỳnh Văn Thiện (Long Hải, TPHCM) cho hay: "Ngày trước, ba mẹ và bạn bè đều cản không cho dì lấy chú ấy. Họ bảo, cưới người què cụt, liệt nửa người thì chỉ chuốc khổ vào thân. Nhưng dì vẫn chọn cưới, vì dì tin vào tình cảm chân thành. Giờ nhìn lại, thấy mình hạnh phúc. Dịp này, nhà của dì ngày nào cũng có đoàn đến thăm chú. Nay được Hội LHPN TPHCM đến thăm dì, dì được làm "nhân vật chính" của chuyến thăm nên rất bất ngờ và hạnh phúc".

Phạm Thương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vo-thuong-binh-nhung-anh-hung-tham-lang-noi-hau-phuong-20250724140345948.htm