Vô tình bắt được loài cá có mũi như lưỡi cưa - Có 'giác quan thứ 6'?
Có một loài cá lớn có phần mũi trông giống như lưỡi cưa. Nhiều người nói rằng loài cá này có giác quan thứ 6?
Một loài cá có mũi hình lưỡi cưa đã được ngư dân bắt gần biên giới Pakistan-Iran vào thứ Bảy vừa rồi. Loài cá này có tên là Longcomp Sawfish hay còn gọi là cá đao, thuộc dạng cực kỳ quý hiếm và sắp bị tuyệt chủng.
Theo các ngư dân, con cá bị mắc vào lưới đặt ở dưới đáy biển, dùng để để đánh bắt cá ở sâu dưới biển tại khu vực biên giới trên biển giữa Pakistan và Iran. Những người dân xung quanh cho biết, cá đao là một trường hợp cực kỳ hiếm, ước tính đã khoảng 30 năm kể từ lần cuối họ nhìn thấy loài cá này ở khu vực.
Cá đao có tên khoa học là Pristiformes, là loài cá có họ hàng với cá mập và cá đuối. Kích thước đã từng ghi nhận được cho thấy loài cá này dài từ 5 đến 7 mét và thường nặng khoảng 500 hoặc 600kg. Chúng có tuổi thọ cao, phát triển chậm, trưởng thành muộn và có khả năng sinh sản thấp.
Điểm đặc biệt nhất của loài này chính là ở đặc điểm sinh học, với phần mũi dài và có hình dạng như cái lưỡi cưa. Mặc dù đó là vũ khí để tiêu diệt con mồi nhưng do quá dài, chúng có thể dễ dàng vướng vào lưới và các dụng cụ đánh cá, vô hình trung trở thành mục tiêu dễ bị đánh bắt.
Trong 10 năm qua, chỉ có ba hồ sơ ghi nhận về sự xuất hiện của chúng ở Pakistan. Lần xuất hiện cuối cùng về sự xuất hiện của loài này được ghi nhận vào năm 2013.
Ông Muhammad Moazzam Khan, Cố vấn Kỹ thuật (Thủy sản Biển), WWF-Pakistan cho biết, trước đây khi cá đao còn phổ biến ở các vùng biển, thịt cá đao từng được xuất khẩu sang Sri Lanka và Hồng Kông cùng với các loại cá mập khác ở dạng tẩm ướp. Chúng xuất hiện nhiều đến mức ngư dân thường dùng các lưỡi cưa của chúng để làm cột mốc trong nhà.
Tuy nhiên, do tính chất khó nuôi, khó lớn, chúng rất dễ bị tổn thương trước bất kỳ tác động nào về mặt môi trường, gây ảnh hưởng tới quần thể của chúng. Trước sự đánh bắt quá nhiều này, quần thể cá đao trên toàn thế giới đã bị suy giảm, buộc Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã phải đưa cá đao vào danh sách các loài "Cực kỳ nguy cấp".
Hiện cá đao cũng nằm trong Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài nguy cấp (CITES), trên đó ghi "Cấm buôn bán thương mại các loài này".
Một khả năng bất ngờ khác của cá đao, khiến nhiều người hiểu lầm rằng loài cá này có thể nhìn thấy người đã khuất bởi "giác quan thứ sáu" của chúng. Tuy nhiên, sự thật về khả năng này đã được một nghiên cứu đưa ra.
Nghiên cứu lần đầu tiên cho thấy cá đao có "giác quan thứ sáu" nằm trong chiếc mũi dài và chúng sử dụng nó để săn và chặt con mồi. Các nhà khoa học trước đây từng nghĩ rằng cá đao chỉ sử dụng "lưỡi cưa" của chúng để đào bùn và cát. Chiếc cưa có phần đáng sợ cũng có thể được sử dụng như một vũ khí khá hiệu quả khi chỉ cần vuốt nhẹ cũng có thể cắt đôi các loài cá nhỏ hơn.
Theo thông tin đã từng được National Geographic đăng tải, nhà sinh học thần kinh cảm giác Barbara Wueringer tại Đại học Queensland ở Úc, công bố rằng phần răng dài chứa đầy lỗ chân lông nhỏ li ti, trở thành những chiếc radar, giúp con cá nhận biết khi con mồi đi qua.
Ngoài cá đao, hai loài cá họ hàng gần là cá mập, cá đuối và thậm chí là một số động vật có vú đẻ trứng (chẳng hạn như thú ăn kiến và thú mỏ vịt) cũng sở hữu những giác quan nhạy bén này.
Việc đánh bắt cá đao để kinh doanh lấy lưỡi cưa, phơi khô lấy thịt hay "làm thuốc" được đồn đại từ "giác quan thứ sáu" của loài cá này. Nhiều lời đồn đoán cho rằng ăn vây cá đao có thể giúp con người nhìn thấy người từ thế giới bên kia. Tuy nhiên, những lời đồn đoán này đều là vô căn cứ và thiếu tính khoa học.